Phía sau những người lính cảnh sát biển
Thứ bảy, 31/05/2014 05:19

Tranh thủ về thăm cha đang nằm ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, thuyền trưởng tàu CSB 8003 - Đại úy Nguyễn Văn Hưng nhận lệnh khẩn quay về vùng 1 Cảnh sát biển.

Chính ủy Cảnh sát biển Nguyễn Văn Tương thăm hỏi và trao quà cho gia đình thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng

Chính ủy Cảnh sát biển Nguyễn Văn Tương thăm hỏi và trao quà cho gia đình thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng

Chia tay cha đang bị ung thư giai đoạn cuối, anh gửi mẹ già, nhờ vợ và người thân chăm nom, tức tốc về đơn vị. Đó là ngày 1/5, khi Trung Quốc bắt đầu đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Công việc của anh, cả gia đình hiểu rõ nên khi anh thông báo đi làm nhiệm vụ, không ai hỏi gì thêm. Mấy ngày sau, đơn vị đến nhà báo, Trung Quốc đang đưa quân xâm phạm vùng biển của ta, anh đang chỉ huy tàu ra Hoàng Sa, bảo vệ tổ quốc", chị Nguyễn Thị Thu Phương, vợ đại úy Hưng cho hay. Gần một tháng trôi qua, cả nhà ngày nào cũng xem tivi để nắm thông tin của Hưng và đồng đội.

Từng là thủy thủ của đoàn tàu không số vận chuyển đạn dược vào chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Phong Lưu, bố của thuyền trưởng Hưng hiểu rõ vai trò và trọng trách của người thuyền trưởng. Bị thương ngay chuyến đi đầu tiên năm 1965 ở Vũng Rô, tai không còn nghe rõ, ông được chuyển về tàu 402, 403, hoạt động tuyến Bắc Giang - cầu Hàm Rồng, chuyên chở bột mì, đạn pháo, gạo. Nhiều năm sau đó, ông chuyển qua nhiều tàu như 701, 702, 703 vẫn với nhiệm vụ tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Đón Chính ủy Cảnh sát biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương đến thăm, ông   Lưu như quên đi căn bệnh hiểm ác đang hành hạ. "Tôi vẫn thường dạy các con, đã chọn mang trên mình bộ quân phục thì phải dốc lòng vì nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Tổ quốc", ông Lưu nói.

Ngoài Hưng là thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển, con trai út  ông đang là thủy thủ tàu ngầm Kilo Hà Nội.

phia-sau-nhung-nguoi-linh-canh-sat-bien-1

Các con của thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng vui mừng khi thấy bố trên tivi. Ảnh:Hoàng Thùy.

Trong vài phút ngắn ngủi trò chuyện với Hưng qua điện thoại, ông dặn con: "Thuyền trưởng là người đứng đầu một con tàu, chịu sóng gió nên phải quyết tâm đoàn kết anh em để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Bố đã già yếu không thể làm được gì. Con phải cố gắng làm tốt trọng trách của người Cảnh sát biển. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được chủ quyền trên biển của đất nước. Con hãy nhớ rằng, phía sau con là hậu phương cả nước trông chờ".

Làm vợ người lính biển được 5 năm, chị Nguyễn Thị Thu Phương, vợ đại úy Hưng luôn phải thay chồng chăm sóc gia đình. Sống và làm việc ở Hải Phòng, cứ cuối tuần chị lại đưa hai con về Hải Dương để chăm sóc bố mẹ chồng. 

Với nhiệm vụ đặc biệt lần này của anh, chị giấu đi lo lắng, chỉ kịp dặn: "Anh yên tâm làm nhiệm vụ. Mọi việc ở nhà đã có em".

Gửi cho gia đình những thước phim quay từ biển Đông, Chính ủy Nguyễn Văn Tương cho biết, đại úy Hưng và đồng đội vẫn khỏe mạnh, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Thiếu tướng Tương cho hay, tàu 8003 là một trong những con tàu chủ lực của Cảnh sát biển, và đại úy Hưng là thuyền trưởng trẻ tuổi, xuất sắc của Bộ tư lệnh. 

phia-sau-nhung-nguoi-linh-canh-sat-bien-2

Tướng Tương trò chuyện, hỏi thăm chị Bích và con trai. Ảnh: Hoàng Thùy.

Chị Lương Thị Bích - vợ trung úy chuyên nghiệp Võ Văn Thành cũng đang làm nhiệm vụ trên tàu 8003 đang mang bầu tháng thứ 5. Do điều kiện chưa có nhà riêng, chị Bích và con trai Võ Lương Tùng Dương mới 4 tuổi vẫn phải sống trong căn nhà thuê chật chội. 

Nhận món quà của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, chị cảm kích cho hay, khi chồng đi công tác đã nhận được nhiều sự quan tâm của đơn vị. Nhận nhiệm vụ, anh chỉ vội vàng gọi điện dặn hai mẹ con giữ gìn sức khỏe. Sau đó, đồng đội đến báo là anh đang ra biển làm nhiệm vụ ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. 

Từ hôm anh lên tàu ra Hoàng Sa, bé Tùng Dương liên tục nhắc đến bố. Có hôm hai mẹ con đang xem chương trình Thời sự tối, Dương nhìn thấy bố, vội vàng ôm lấy tivi và gọi "Bố ơi bố về với con". Vừa thương chồng, thương con, chị dỗ dành: "Nếu con ngoan thì bố sẽ sớm về thôi". Nghe mẹ nói vậy, cậu bé 4 tuổi nài nỉ: "Con ngoan rồi, bố về với con".

Không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động, chị Bích cho biết, Dương quấn bố lắm. Mang bầu tháng thứ 5 nhưng hàng ngày chị vẫn đi làm, gửi Dương ở nhà trẻ tối mới đón về. "Trước khi đi làm nhiệm vụ lần này, anh Thành dặn nếu khi sinh mà anh chưa về, hãy đặt tên con là Biển Thương”.

Chính ủy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương cho biết, đối với hậu phương, gia đình của chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở điểm nóng Hoàng Sa, Cảnh sát biển đã chỉ thị cho các đơn vị  nắm chắc tình hình gia đình của các chiến sĩ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, khi có những bất trắc thì đơn vị tạo điều kiện cao nhất để giúp đỡ. Bộ tư lệnh cũng thông báo đến cấp ủy, chính quyền địa phương nơi chiến sĩ cảnh sát biển cư trú để tổ chức thăm hỏi và giúp đỡ. 

"Chúng tôi đã phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đến thăm nhiều gia đình chiến sĩ đang công tác ở biển Đông. Đây là nguồn động viên rất lớn để anh em yên tâm công tác, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió", tướng Tương nói và khẳng định, 100% cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển luôn xác định sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền của tổ quốc.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: tinh hinh bien dong , gian khoan hd 981 , gian khoan hai duong , dich chuyen gian khoan , trung quoc , canh sat bien , phia sau nhung nguoi linh canh sat bien