“Với chúng tôi, đất liền là hậu phương lớn. Ở trên tàu, chúng tôi biết nhân dân cả nước đang quan đến lực lượng Cảnh sát Biển (CSB) từng giây, từng phút…".
Thượng úy Trần Quang Vững trong ngày “Vinh quang Việt Nam”. |
"Sự quan tâm đó là nguồn động viên, giúp chúng tôi quyết tâm bám hiện trường, giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc” - Thượng úy Trần Quang Vững, người vừa từ Hoàng Sa về Hà Nội bày tỏ.
“Đợi anh, em nhé”
Được lệnh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ chấp pháp trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, tàu CSB 4032 thuộc Hải đội 201, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Vùng 2 nơi Thượng úy Trần Quang Vững và đồng đội của anh công tác, bắt đầu hành trình vào ngày 4/5.
Thượng úy Trần Quang Vững cho biết, chuyến đi Hoàng Sa đó nhiều gian nan do thời tiết xấu và nguy hiểm nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vào thời điểm tàu được lệnh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, vợ thiếu úy Nguyễn Thế Trường là chị Nguyễn Thị Bé đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Chị bị vỡ ruột thừa, đang mang thai con thứ hai nên tính mạng trong tình trạng rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, chị vẫn cố tươi cười, động viên chồng lên đường. Anh Trường có đôi chút áy náy nhưng tự trấn an rằng, đất liền còn các bác sĩ và nhiều người thay anh chăm lo cho chị, anh phải đặt nhiệm vụ chung lên trên hết.
Sau hơn 10 ngày trên biển, anh Trường nhận được tin chị Bé đã phục hồi sức khỏe, xuất viện. Niềm vui của anh thành niềm vui của cả tàu.
Đồng đội của anh Vững còn có người chuẩn bị đến ngày cưới, đó là Thượng úy Trương Trường Quang. Nhận lệnh lên đường, anh Quang chỉ kịp nhắn lại với hôn thê: “Biển, Tổ quốc có yên, gia đình mới có hạnh phúc yên ấm. Đợi anh, em nhé!”…
“Đất liền luôn là hậu phương lớn”
Ngay sau khi đến vùng biển đang bị xâm phạm chủ quyền, tàu CSB 4032 cùng các biên đội tàu CSB của Việt Nam phải đối mặt với những chiếc tàu to lớn, hung hăng của Trung Quốc. “Tiếp cận giàn khoan hoặc gặp tàu Trung Quốc, chúng tôi liền bật loa tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu họ rút ngay giàn khoan và các lực lượng hộ vệ. Nhưng các tàu Trung Quốc vẫn phớt lờ, quyết liệt lao vào các biên đội tàu CSB Việt Nam, tạo nhiều tình huống nguy hiểm. Riêng tàu CSB 4032 của chúng tôi thường xuyên bị 5 - 7 tàu Trung Quốc rượt đuổi, tìm cách đâm, va, phun vòi rồng” - Thượng úy Trần Quang Vững kể.
Tuy nhiên, cũng theo lời anh Vững, trước sự khiêu khích của phía Trung Quốc, anh và đồng đội luôn giữ vững tinh thần bình tĩnh, quả cảm của CSB Việt Nam. Anh và đồng đội vẫn kiên trung bám giữ vùng biển Tổ quốc, vừa mềm mỏng tuyên truyền, vừa cứng rắn yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện đúng quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Sau khi tàu vào bờ sửa chữa hư hỏng, ngày 17/5, tàu CSB 4032 cùng đồng đội của anh lại lên đường ra Hoàng Sa…
Thượng úy Trần Quang Vững đại diện cho lực lượng CSB, là một trong 19 cá nhân được tôn vinh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 11, diễn ra sáng 23/5 tại Hà Nội.
Sinh năm 1983 tại Kiến Xương, Thái Bình, Trần Quang Vững là con trai độc nhất trong gia đình, bố anh là một thương binh bị nhiễm chất độc da cam. Tốt nghiệp Học viện Hải quân, từ năm 2008, Vững được điều động về lực lượng CSB. Anh hiện là Chính trị viên tàu CSB 4032, Hải đội 201, Vùng CSB 2, CSB Việt Nam.
Với cương vị một Chính trị viên, anh luôn gần gũi, nắm tâm tư tình cảm các CSB cùng đơn vị để kịp thời động viên anh em đoàn kết, quyết tâm, nâng cao ý thức trách nhiệm quân nhân, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao… Anh góp phần giúp tàu CSB 4032 ba năm liền giành danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, cá nhân anh ba năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và giành giải nhất Hội thi Chính trị viên giỏi cấp Vùng.
Chị Trần Thị Giang, vợ anh hiện cũng công tác cùng lực lượng CSB (Bộ Tư lệnh CSB Vùng 2). Gia đình nhỏ của anh hiện ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Thượng úy Vững chia sẻ, là người lính công tác chủ yếu trên biển, mỗi khi lên tàu ra khơi, các anh luôn ý thức khó khăn phát sinh bất cứ lúc nào, việc liên lạc với gia đình không thường xuyên nhưng ai cũng vững tin hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẵn sàng bám trụ dài ngày trên vùng biển chủ quyền.
Anh Vững cũng bày tỏ, ngoài tình yêu nước thường trực trong mỗi người Việt Nam, anh cũng như đồng đội của mình tuyệt đối tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp trên, vào đường lối của Đảng và Nhà nước, và các anh luôn tự hứa nhiệm vụ chung luôn được đặt lên tất cả, bởi “phía sau có triệu triệu trái tim đang hướng về vùng biển Tổ quốc”…
“Với chúng tôi, gia đình là hậu phương nhỏ, đất liền là hậu phương lớn. Ở trên tàu, chúng tôi biết nhân dân cả nước đang quan tâm đến lực lượng CSB từng giây, từng phút, ai cũng cảm động vì điều đó. Sự quan tâm của đồng bào luôn là nguồn động viên giúp chúng tôi khắc phục khó khăn, quyết tâm bám hiện trường, giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc” - anh Vững tâm sự.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%