Phí cao tốc TP HCM – Trung Lương không hề cao
Thứ năm, 08/03/2012 10:04

Sau khi doanh nghiệp và dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương quá cao, một số doanh nghiệp đã chuyển sang đi tuyến Quốc lộ 1 để “né phí”, một số đề xuất giảm phí...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Mức thu phí đường cao tốc TP HCM – Trung Lương là hợp lý và sẽ tổ chức thu phí song song trên Quốc lộ 1 nhằm hoàn vốn cho đường cao tốc, đồng thời giảm tải, tránh hư hỏng Quốc lộ 1”.

Thứ trưởng Trường nhận định: “Sau khi đưa vào áp dụng, một số đơn vị vận tải cho rằng phí quá cao. Tôi cho rằng thực chất mà nói hiện nay thu phí cao tốc như vậy là thấp, hiện nay thu 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe con 12 chỗ trở xuống), xe lớn hơn thì căn cứ vào đó để nhân lên”.

Để so sánh, Thứ trưởng Trường ví dụ: “Việc thu phí cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình là 1.500 đồng/km, nhưng không thấy các doanh nghiệp có ý kiến gì, còn tuyến này lại có ý kiến”.

Lệ phí trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là hợp lý

“Đường cao tốc này được xây dựng bằng hình thức BOT, sau khi hoàn thành năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến Chính phủ chưa thu phí. Mới đây, để đáp ứng hoàn vốn, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ về việc tổ chức thu phí và tiến hành thu phí với dự án này. Thực chất mà nói với mức phí thu 1.000 đồng/km không phải là mức phí cao, so với một số nước mà Bộ tham khảo thì thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc thu phí này cũng đã được tính toán dựa trên thu nhập của người Việt Nam” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Sau hàng loạt các phản ứng của người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải về việc thu phí tuyến cao tốc này là quá cao. Thứ trưởng Trường khẳng định: “Mức phí cao tốc TP HCM – Trung Lương là hợp lý và sẽ thu để hoàn vốn, có tiền đầu tư dự án khác nên sẽ không có thay đổi”.

Về việc đã thu phí đường cao tốc TP HCM – Trung Lương mà vẫn xây dựng trạm thu phí trên Quốc lộ 1, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Như chúng ta đã biết với đường cao tốc, trong đề án BOT thì Thủ tướng phê duyệt 2 trạm phí cho cao tốc và cả Quốc lộ 1. Quốc lộ 1 từ Bình Chánh đi Trung Lương đã mở rộng 4 làn, chất lượng đường tốt, tốc độ nhanh và đầu tư vốn lớn”.

“Một mặt thu để “chia lửa” cho Quốc lộ 1, mặt khác để xe đi cao tốc nhiều hơn. Tránh tình trạng thu phí đường cao tốc các phương tiện tràn sang đi Quốc lộ 1gây quá tải và nếu không thu thì một thời gian nữa Quốc lộ 1 sẽ không chịu nổi và xuống cấp. Vì vậy thời gian tới sẽ tiến hành thu phí Quốc lộ 1 ở đoạn này”  - Thứ trưởng Trường khẳng định.

Thứ trưởng Trường cũng tiết lộ, trước kia, xe đổ dồn về cao tốc  TP HCM – Trung Lương 35.000 xe/ngày đêm nhưng sau khi ban hành biểu lệ phí mới lượng xe giảm hẳn chỉ còn 14-15.000 xe/ngày đêm. Số xe còn lại chạy trên Quốc lộ 1 nên đường sẽ xuống cấp và hỏng.

Mới đây, Hiệp hội Vận tải TP HCM kiến nghị Thủ tướng giảm 50% phí cao tốc TP HCM – Trung Lương vì hiện doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại chủ yếu sử dụng xe tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe container. Với mức phí hiện tại trên cao tốc này, mỗi xe phải đóng 640.000 đồng một chuyến là quá cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và cuối cùng người dân phải gánh chịu. Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng không cho phép đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 để hỗ trợ cho đường cao tốc TP HCM – Trung Lương.

Quy định hiện hành nêu rõ, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm. Vì vậy, nếu phương tiện không sử dụng dịch vụ đường cao tốc TP HCM – Trung Lương thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường này.

Báo petrotimes.vn
Tag: Thành phố Hồ Chí Minh , Giao thông , Trạm thu phí , Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương , Quốc lộ 1