Lúng túng ngày đầu thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương
Chủ nhật, 26/02/2012 08:50

Nhiều tài xế vẫn chuẩn bị sẵn tiền khi đến trạm, không biết lấy thẻ từ ở đâu... khiến nhân viên trạm phải giúp đỡ. Trong khi đó, để tránh mất tiền, nhiều xe tải "né" cao tốc khiến quốc lộ 1A đông đúc hơn thường ngày.

Sáng 25/2, cao tốc TP HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí phương tiện với mức 1.000 - 8.000 đồng mỗi km, tùy loại xe. Do là ngày đầu tiên thu phí nên Công ty Cửu Long, đơn vị quản lý cao tốc, đã bố trí nhiều nhân viên để hướng dẫn và lực lượng CSGT cũng có mặt để điều tiết giao thông.

Xe xếp hàng trước trạm thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương để lấy thẻ. Ảnh: Hữu Công.

Để thu phí trên tuyến cao tốc này, Công ty Cửu Long đã xây dựng 4 trạm thu phí gồm 2 trạm chính là Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa (đầu và cuối cao tốc). và hai trạm phụ là Bến Lức, Tân An (tại 2 nút giao lập thể của cao tốc).

Đây là lần đầu phương pháp thu phí kín (đi bao nhiêu kilomet trả bấy nhiêu tiền và sau khi ra khỏi đường cao tốc mới thanh toán) được áp dụng trên đường bộ. Dù được thử nghiệm suốt 3 ngày qua nhưng trong sáng 25/2 vẫn còn rất nhiều người lúng túng, ngơ ngác khi qua trạm. Lượng xe tập trung trước trạm chờ lấy thẻ thu phí khá đông nên dẫn đến ùn ứ.

Do vẫn quen với kiểu thu phí cũ (đưa tiền và mua vé), nhiều người đã chuẩn bị tiền từ xa. Khi đến trạm, tài xế dừng xe lại và đưa tiền chứ không biết phải đậu sát vào bên trong để bấm vào máy lấy thẻ từ. Nhiều người còn cho xe dừng ngay cabin của nhân viên thu phí, vượt xa trụ phát thẻ hơn một mét nên không thể tự nhấn nút lấy thẻ được. Trong khi đó ôtô phía sau đã bám sát, không thể lùi lại nên nhân viên thu phí phải lấy hộ thẻ. Nhiều tài xế ôtô 4 chỗ lại phải với tay hết mức mới có thể lấy được thẻ vì trụ bấm thẻ khá cao.

"Dù biết hôm nay là ngày chính thức thu phí nhưng tôi cũng chưa nắm được cách thu như thế nào. Tôi đã chuẩn bị tiền trước để đưa cho nhanh, không ngờ đến đây mới được hướng dẫn lấy thẻ, sau khi đi hết đường cao tốc mới thanh toán tiền. Kiểu thu phí này khá mới nên còn nhiều người cũng lúng túng. Việc này mất công hơn kiểu thu bình thường", anh Hùng lái xe du lịch từ TP HCM về Cần Thơ nói.

Nhiều người vẫn chưa quen với phương thức thu phí kín nên khi đến vẫn đưa tiền ra cho nhân viên thu phí mà không bấm vào trụ để nhận thẻ. Ảnh: Hữu Công.

Tuy chưa quen việc bấm lấy thẻ nhưng anh Nam, tài tài xế taxi Mai Linh lại cho rằng cách thu phí này khá hay. "Nếu quen rồi thì sẽ thấy tiện lợi vì mình đi bao nhiêu sẽ phải trả bấy nhiêu, không lo rằng không đi cũng phải đóng phí như một số chỗ, rồi lại phải lấy vé hoàn phí rất mất công. Tôi nghĩ khi dùng quen rồi thì sẽ nhanh hơn rất nhiều", anh Nam nói.

Do hai trạm thu phí phụ Bến Lức và Tân An (Long An) nằm giữa cao tốc nên lượng xe qua trạm rất ít, thỉnh thoảng mới có vài chiếc. Gần 3 tiếng sau khi bắt đầu thu phí, một nhân viên cho biết, mới phát được khoảng 70 thẻ từ thu phí.

Còn tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang), lượng xe đi qua cao tốc giảm hơn so với trước khi áp dụng thu phí. Ông Trần Hậu Ninh, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cho rằng, do là ngày đầu nên việc thu phí còn có gặp khó khăn về kỹ thuật, nhiều tài xế chưa quen bấm máy để lấy thẻ và nhân viên trạm thu phí phải giúp đỡ.

Lượng xe tải nặng, xe container tăng đột biến trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: Hữu Công.

Trong khi đó, trên quốc lộ 1A, lượng xe tải hạng nặng, xe container tăng đột biến so với ngày thường do nhiều tài xế "né" trạm thu phí với mức vé quá cao.

"Xe container, xe tải nặng phải đóng mức phí cao nhất, 8.000 đồng một km. Tổng cộng cả 2 lượt đi và về qua cao tốc sẽ phải tốn đến 640.000 đồng. Khoản tiền này quá cao nên tôi phải đi bằng quốc lộ 1A, để không phải đóng phí", một tài xế container cho hay.

Trước đây, mỗi ngày trung bình có khoảng 50.000 lượt xe đi trên cao tốc. Tuy nhiên, theo tính toán của Công ty Cửu Long, khi bắt đầu thu phí, khoảng 20% lượng xe từ cao tốc sẽ chuyển qua quốc lộ 1A, và việc "né" trạm thu phí cao tốc được xem là chỉ tạm thời. Đơn vị quản lý cũng đã tính đến khả năng này.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long cho biết, sắp tới sẽ xây trạm thu phí trên quốc lộ 1A (thuộc phường Tân Khánh và Khánh Hậu, TP Tân An, Long An) để hỗ trợ thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc và điều tiết lưu lượng xe giữa đường cao tốc và quốc lộ 1A.

Đề án xây dựng trạm thu phí này đã được Thủ tướng chấp nhận. Trạm thu phí có tổng kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng, hiện trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và 5-6 tháng sẽ hoàn thành. "Khi đó, các tài xế đi qua quốc lộ 1A sẽ vẫn mất phí, thời gian cũng lâu hơn, họ sẽ tính toán và có cách lựa chọn hợp lý hơn", ông Minh nói.

Theo mức phí đã được Bộ Tài chính chấp thuận, các phương tiện khi lưu thông qua cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ phải đóng mức phí như sau:

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí 10.000 - 40.000 đồng.

Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000 - 60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000 - 88.000 đồng.

Đối với xe có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ phải nộp 40.000 - 160.000 đồng. Từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí là 80.000 - 320.000 đồng.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km (cả đường dẫn), tổng vốn đầu tư là 9.800 tỷ đồng. Với mức thu như trên, Tổng công ty Cửu Long tính toán sẽ có thể hoàn vốn đường cao tốc sau 25 năm.

 

VnExpress
Tag: Cao tốc Trung Lương , Thu phí , Ùn tắc giao thông , Né trạm thu phí