Trong cơn say ma túy, gã thanh niên trẻ đã xông vào lột quần áo và cắn xé một người đàn ông đang đi trên đường.
Kẻ ăn thịt người Rudy và nạn nhân Ronald |
Vụ việc gây chấn động dư luận bởi mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, đồng thời dấy lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của việc buông lỏng quản lý các chất gây nghiện tại Mỹ.
Vụ việc chấn động
Khoảng 14h ngày 26/5/2012, Sở cảnh sát Miami (Mỹ) nhận được tin báo về một vụ tấn công xảy ra tại đường trên cao MacArthur. Vài phút sau đó, viên cảnh sát Jose Ramirez có mặt tại hiện trường. Tại đây, ông nhìn thấy ở phần đường dành cho người đi bộ là 2 người đàn ông trong tình trạng khỏa thân đang quần thảo với nhau. Một người lao vào cắn xé mặt của người kia khiến máu chảy lênh láng. Sau khi ông Jose dùng loa phóng thanh cảnh báo người đàn ông dừng việc tấn công lại nhưng đối tượng chỉ quay về phía viên cảnh sát gầm gừ và vẫn tiếp tục cắn nát mặt nạn nhân. Nhận thấy tình hình nguy hiểm, cảnh sát Jose đã rút súng bắn về phía kẻ tấn công. Song, tên này vẫn không chịu dừng lại, buộc ông Jose phải bắn thêm 4 viên đạn nữa. Vụ tấn công kinh hoàng kết thúc khi kẻ tấn công đã gục xuống.
Cảnh tượng lúc này đã khiến cảnh sát và những nhân chứng vô cùng hoảng sợ. Trên vỉa hè, kẻ tấn công đã bị bắn 5 phát đạn vào người nên đã tử vong ngay tại chỗ. Bên cạnh đó là một người đàn ông râu tóc xồm xoàm, phần mặt đã bị kẻ tấn công cào cấu, cắn xé đến nát bét. Kẻ đã bị cảnh sát bắn chết được xác định là Rudy Eugene (SN 1981). Còn người bị cắn nát mặt có tên Ronald Edward Poppo (SN 1947).
Nạn nhân Ronald ngay sau đó đã được đưa tới Bệnh viện Jackson trong tình trạng nguy kịch với 80% diện tích khuôn mặt đã bị cắn nát. Mắt trái của nạn nhân cũng đã bị mất trong vụ tấn công, mắt phải bị thương tổn nghiêm trọng. Tại bệnh viện, các bác sỹ đã phải tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo nhưng khuôn mặt nạn nhân vẫn bị biến dạng ghê gớm và ông ta đã bị mù vĩnh viễn.
Vụ tấn công đã gây chấn động trong dư luận Mỹ và cả thế giới vì mức độ tàn bạo và kinh dị của nó. Rudy Eugene được đặt cho biệt danh “Thây ma Miami” hoặc “Kẻ ăn thịt người trên đường cao tốc”. Theo điều tra của cảnh sát, Rudy vốn là con trai của một cặp vợ chồng nhập cư gốc Haiti. Anh ta kiếm sống bằng những nghề lặt vặt như bán đĩa CD, làm phục vụ tại cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s hay tiếp thị bán hàng qua điện thoại. Nghề nghiệp cuối cùng của anh ta trước khi qua đời là rửa xe tại một đại lý bán lẻ ôtô ở địa phương.
Năm 1997, khi mới tròn 16 tuổi, Rudy đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội hành hung người khác. Kể từ đó cho đến khi bị cảnh sát bắn chết, Rudy đã từng bị bắt giữ 8 lần, chủ yếu là do tội hành hung người khác và các tội danh liên quan đến cần sa. Trong đó, năm 2004, anh ta đã đập phá đồ đạc và vác gậy đuổi đánh mẹ đẻ. Tại đồn cảnh sát sau đó, mẹ của Rudy khai rằng anh ta đã đe dọa nếu có khẩu súng trong tay thì sẽ bắn chết bà. Vợ cũ của tên này cho biết đã đệ đơn xin ly hôn vào năm 2008 vì không chịu nổi tính khí nóng nảy và thói quen động tí là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của chồng.
Về phía nạn nhân Ronald Edward Poppo, ông ta vốn là một người khá thông minh, từng theo học tại một trong những trường trung học danh giá nhất tại New York. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông ta được nhận vào một trường đại học ở gần nhà nhưng không hiểu sao lại bỏ học giữa chừng. Cuộc sống của Ronald tuột dốc không phanh từ thời điểm đó. Đầu năm 1976, ông ta chính thức trở thành một người vô gia cư. Tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, gia đình Ronald cho biết họ đã không hề nhận được tin tức nào về ông ta trong suốt 30 năm. Cả nhà họ đều nghĩ rằng Ronald đã chết nên đã rất sốc khi nhận được tin báo về vụ tấn công.
Tấn công vì bị mất Kinh Thánh?
Theo điều tra của cảnh sát, buổi sáng ngày 26/5/2012, tức ngày xảy ra vụ tấn công cắn nát mặt người nói trên, Rudy Eugene lái xe tới bãi biển Miami. Các nhân chứng kể lại, đến khoảng giữa trưa, chiếc xe Chevrolet Caprice màu tím của anh ta bỗng nhiên chết máy. Sau khoảng 30-40 phút chật vật nhưng chiếc xe vẫn không nổ máy, anh ta bỏ lại chiếc xe trên đường và bắt đầu đi bộ dọc theo đường MacArthur. Vừa đi anh ta vừa cởi bỏ quần áo, vứt cả bằng lái xe dọc đường. Đến cuối cùng, khi đã khỏa thân hoàn toàn, Rudy bèn vứt cả giày ở ven đường.
Khoảng 13h55, Rudy gặp nạn nhân Ronald đang nằm trên lề đường. Đột nhiên, hắn ta xông vào đánh đấm ông Ronald túi bụi, lột quần ông và liên tục cắn vào mặt nạn nhân. Trong lúc 2 người đang vật lộn với nhau thì một người đi xe đạp tình cờ đi ngang qua nhìn thấy nên đã gọi điện báo cảnh sát. Vụ tấn công xảy ra được camera giám sát của tòa nhà gần đó ghi lại.
Đến ngày 19/5, khi những vết thương đã dịu bớt, nạn nhân Ronald khai báo với cảnh sát rằng: Trước khi xảy ra vụ tấn công, anh ta tình cờ gặp Rudy đang đi trên đường. Ban đầu, Rudy tỏ ra rất thân thiện với ông. Tuy nhiên, sau đó Rudy chuyển sang phàn nàn về việc anh ta đang gặp khó khăn. Tiếp đó, Rudy bắt đầu nói về việc họ sẽ qua đời như thế nào và rồi đổ lỗi rằng ông Ronald đã ăn trộm cuốn Kinh Thánh của hắn ta. Trong lúc ông Ronald vẫn ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì Rudy đã bất thình lình xông vào tấn công, bóp cổ và móc cả 2 mắt ông. Theo hình ảnh từ camera theo dõi, vụ tấn công đã xảy ra trong vòng 18 phút trước khi cảnh sát nổ súng hạ sát hung thủ.
Nguyên nhân thực sự
Theo các nguồn tin của cảnh sát, “bath salts” (muối tắm) mới chính là nguyên nhân đằng sau vụ tấn công kinh hoàng nói trên. “Bath salts” thực chất là một loại ma túy chứa các thành phần thay thế cathinone, có tác dụng tương tự như amphetamine và cocaine được trộn với các chất gây nghiện khác theo tỉ lệ khác nhau. Tên gọi của loại ma túy này chỉ đơn giản là để qua mắt nhà chức trách. Tại Mỹ từng có nhiều vụ tấn công điên loạn được cho có nguồn gốc từ “muối tắm”. Ví dụ như một người đàn ông tại Indiana đã leo lên cột cờ và nhảy xuống dòng xe cộ đang lưu thông nghìn nghịt, một phụ nữ cào cấu nát thân mình vì cảm giác có vật lạ ở bên trong da thịt mình hay vụ việc một người đàn ông ở Mississipi đã dùng dao nhọn liên tục rạch lên mặt và đâm thủng dạ dày khi dùng "muối tắm" quá liều gây ra ảo giác...
Những vụ việc nói trên cho thấy sự nguy hiểm của cái gọi là “muối tắm”. Tại châu Âu, loại ma túy nguy hiểm này thường được phân phối qua các tay bán lẻ ma túy hay các trang web bán hàng. Nhưng tại Mỹ, “muối tắm” được bán trong các trạm xăng hay các cửa hàng tiện ích, đôi khi được trà trộn lẫn với một số thuốc thảo dược để tắm. Một số nhãn hiệu của loại ma túy này được quảng cáo trên internet như “Purple Wave”, “Zoom” hay “Cloud Nine”. Loại ma túy tổng hợp này bắt đầu xâm nhập vào Mỹ từ năm 2010 nhưng không bị cấm. Trong năm 2011, nhà chức trách Mỹ nhận được tổng cộng 6.138 vụ ngộ độc do dùng "muối tắm".
Bác sĩ Mark Ryan (Giám đốc Trung tâm kiểm soát chất độc bang Louisiana) cho rằng, “muối tắm” là loại ma túy tổng hợp nguy hiểm nhất mà ông phát hiện trong nhiều năm trở lại đây. Các nhà khoa học cho rằng loại ma túy này có khả năng gây nghiện rất lớn và có thể gia tăng sức chịu đựng của người sử dụng. Cơ quan y tế đã ghi nhận những trường hợp người dùng "muối tắm" có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, ảo giác, hoang tưởng, suy thận, suy gan, đau tim, tự tử...
Trước những tác hại đã được ghi nhận của "muối tắm", Canada đã đưa "muối tắm" vào cùng hạng mục các chất gây nghiện nguy hiểm tương đương với cocaine và heroin và cấm buôn bán. Tại Mỹ, cho đến có 41 bang liệt loại ma túy tổng hợp này vào danh mục chất cấm trong khi một số nơi khác cũng đang xem xét các đạo luật để điều chỉnh việc sử dụng và buôn bán loại ma túy nguy hiểm này.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar
- Cô gái Việt duy nhất được nhà tiên tri mù Vanga dự đoán số phận là ai?
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?