Đây là một căn bệnh hiếm gặp của nhân loại, trên cả thế giới chỉ mới phát hiện được 150 trường hợp. Nhiều người gọi đây là “bệnh ma cà rồng thời hiện đại”.
|
Đầu năm 2012, một bệnh nhân mắc bệnh porphyrin bẩm sinh thể hiếm gặp (Congenital Erythropoietic Porphyria - CEP), một bệnh di truyền gen lặn do thiếu sót enzym trong quá trình tổng hợp nhân Heme, lần đầu được phát hiện tại Việt Nam đã được Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán, điều trị. Đây là một căn bệnh hiếm gặp của nhân loại, trên cả thế giới cho đến thời điểm này cũng chỉ mới phát hiện được 150 trường hợp. Nhiều người gọi đây là “bệnh ma cà rồng thời hiện đại” bởi đặc tính bùng phát tổn thương da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và hậu quả để lại sẹo kỳ dị trên mặt, trên tay, chân bệnh nhân.
Người mắc bệnh CEP là Nguyễn Thu Tr. (Sóc Sơn, Hà Nội) một bé gái 5 tuổi, con thứ 4 trong một gia đình có 4 người con. Trong 4 người con thì hai cháu phát triển bình thường, cháu Tr. và người con thứ 2 có những triệu chứng lâm sàng tương tự (nhưng đã mất khi 7 tuổi, không rõ nguyên nhân).
Hình ảnh tổn thương da và răng của cháu Tr.
Khi cháu Tr. tới viện khám và làm xét nghiệm, cháu bé có những triệu chứng như sau: Trên da có các bọng nước, mụn nước căng, một số chứa dịch trong, một số chứa dịch hồng, có những vết trợt tiết dịch, có vảy tiết và sẹo. Sẹo lồi mật độ dày đặc xuất hiện trên nền tổn thương cũ ở mặt, cổ, tay và chân - những vùng da hở tiếp xúc với ánh sáng. Các sẹo này làm cho khuôn mặt, tay, chân cháu biến dạng kỳ dị. Những vùng kín được quần áo che phủ, ít tiếp xúc với ánh sáng như: Lưng, bụng và phần trên ở cánh tay, ở đùi, mông da hoàn toàn bình thường. Răng có màu nâu đỏ.
Không có tổn thương niêm mạc. Tổn thương xuất hiện liên tục nhưng có dấu hiệu tăng vào mùa xuân - hè. Các đầu ngón tay và ngón chân bị teo do sẹo. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc chứng rậm lông và phát triển thể chất không bình thường. Thể trạng suy dinh dưỡng thể còi cọc (cân nặng chỉ được 13kg); có hội chứng thiếu máu.Theo miêu tả của người nhà bệnh nhân thì khi sinh ra, cháu Tr. có nước tiểu màu hồng, răng có màu nâu đỏ ngay từ khi mọc răng sữa. Siêu âm có hình ảnh lách to.
Qua những triệu chứng lâm sàng và tiền sử mắc bệnh, các bác sĩ đã khám và đưa ra những chẩn đoán phân biệt. Do đây là một căn bệnh lạ và hiếm nên ban đầu việc xác định bệnh còn khá khó khăn. TS. Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến đã nghĩ tới bệnh da do tiếp xúc ánh sáng và hướng chẩn đoán tới căn bệnh porphyrin da bẩm sinh.
Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến hành các xét nghiệm định tính và định lượng porphyrin trong máu, nước tiểu. Từ kết quả thu được, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn. PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện chủ trì hội chẩn và thống nhất chẩn đoán cháu Tr. mắc căn bệnh porphyrin bẩm sinh thể hiếm gặp. Bệnh gây ra bởi thiếu sót enzym trong quá trình tổng hợp nhân Heme (Heme là yếu tố thiết yếu để tổng hợp hemoglobin bởi hồng cầu trong tủy xương và hệ thống enzym cytochrome P450 ở gan).
Sau khi có kết luận, Bệnh viện Da liễu Trung ương hội chẩn cùng các chuyên gia đầu ngành liên quan để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho cháu. Sau 1 tháng điều trị, bệnh có dấu hiệu khả quan. Trên da bệnh nhân không xuất hiện những tổn thương mới, các mụn nước cũng đã xẹp và đóng vảy tiết. Sức khỏe bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu điều trị triệu chứng, chưa phải là phương pháp điều trị nguyên nhân. Chính vì thế vẫn cần sự phối hợp của gia đình bệnh nhân trong việc chăm sóc bệnh nhân theo một chế độ nghiêm ngặt và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Bệnh nhân Tr. được theo dõi lâu dài và thường xuyên tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe, đặc biệt kiểm tra mắt vì có thể biến chứng viêm kết mạc giác mạc, lộn mi, dính mi và có thể mù.
Trước tiên là bảo vệ làn da của bệnh nhân khỏi ánh nắng bằng những biện pháp thông thường (như mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng có độ SPF >30, đeo kính bảo vệ mắt..). Đồng thời bệnh viện cũng tiến hành nghiên cứu, xem xét những phương pháp như: Cắt lá lách để giảm tình trạng thiếu máu, điều trị các vùng da nhiễm khuẩn; truyền khối hồng cầu và cấy ghép tủy xương. Ngoài ra, bệnh nhân được sử dụng các thuốc bôi: Mỡ kháng sinh, kem giữ ẩm da điều trị hằng ngày.
Việc phát hiện và tìm ra những phương pháp điều trị mới bệnh CEP là một trong những tiến bộ quan trọng về chuyên môn và có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành da liễu. Điều đó cho thấy, chúng ta ngày càng tiến bộ trong chẩn đoán những bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán mà trước đây có thể bỏ qua và với sự phối hợp giữa các chuyên ngành liên quan sẽ đem lại những hi vọng đầy khả quan cho người bệnh.
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Người có tuổi thọ ngắn sẽ có 6 triệu chứng khi đi bộ, nếu bạn không có thì xin chúc mừng bạn đã có sức khỏe dồi dào
- Ba loại thực phẩm cấm kỵ ăn chung với thịt bò, nhưng nhiều người vẫn mắc phải
- Ăn mì ăn liền nhiều có bị ung thư không? WHO: Có 6 thực phẩm thực sự gây ung thư, hãy tránh càng xa càng tốt
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành