Nước mắt sau phiên tòa 'án mạng từ cái bẫy điện bảo vệ chim cảnh'
Thứ hai, 14/04/2014 05:37

Dự phiên xử tại TAND tỉnh Khánh Hòa có khá nhiều người, nhìn qua, phần lớn trong số họ có gương mặt đều đen sạm và đầy lo lắng.

Nguyễn Khoa Nam

Nguyễn Khoa Nam

Hình ảnh người mẹ già lê từng bước lên phía hàng ghế dành cho bị cáo, ôm lấy đứa con vào lòng trước giờ tuyên án khiến những người trong khán phòng sụt sùi nước mắt thương cảm. Để con trai gục đầu vào lòng mình, nước mắt người phụ nữ bao năm tần tảo nuôi con cứ thế lăn dài...

Bảo vệ chim cảnh thành ra giết người

Dự phiên xử tại TAND tỉnh Khánh Hòa có khá nhiều người, nhìn qua, phần lớn trong số họ có gương mặt đều đen sạm và đầy lo lắng. Những người nông dân đến dự tòa hôm ấy, đều là những ngư dân quanh năm bám biển, cùng quê với bị cáo.

Khi phiên tòa chuẩn bị bắt đầu, một người phụ nữ dáng gầy gò vừa đi vừa xách một chiếc túi lỉnh kỉnh nào là cá khô, tôm khô và mắm ruốc bước vào. Hỏi ra, người phụ nữ ấy tên Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1948), là mẹ của bị cáo Nguyễn Khoa Nam (SN 1978, ngụ tại tổ dân phố số 5, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Những thứ mà theo bà, đã chuẩn bị từ mấy hôm để đem lên gửi cho con trai có đồ ăn khi ở trại giam. Lặng lẽ chọn cho mình một chỗ ngồi hướng lên phía vành móng ngựa, nơi đứa con trai cả hết mực ngoan hiền và chăm chỉ của mình đang chuẩn bị nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật chỉ vì một phút suy nghĩ thiếu chín chắn, bà Hạnh lặng lẽ khóc.

Theo cáo trạng, do bực tức vì bị mất trộm chim cảnh và các đồ đạc, vật dụng trong gia đình thường xuyên mà rình bắt nhiều lần không được, Nam nảy sinh ý định dùng dây điện để chống trộm. Thực hiện ý định, Nam dùng hai dây cáp điện thoại (đã lột trần) mắc song song với nhau, cách mặt đất lần lượt là 1m và 0,5m giăng ngang vườn. Nam dùng một dây cáp khác nối 2 sợi dây lại với nhau. Nam kéo từ trong phòng ngủ của mình ra một sợi dây diện đến chỗ công tắc, từ công tắc Nam kéo 1 sợi dây nóng nối vào sợi dây cáp. Sau công tắc, Nam tiếp tục nối một sợi dây điện kéo ra trước nhà mắc vào một bóng đèn nhỏ. Khi cần chống trộm, thanh niên này cắm phích ổ điện 220V, lúc đèn bật sáng là hệ thống chống trộm của Nam hoạt động.

Khoảng 17h ngày 13/8/2013, lúc này trời đang mưa, Nam nhận được điện thoại của bạn rủ đi nhậu ở ngoài thị trấn Vạn Giã. Trước khi đi, Nam cắm phích điện, kích hoạt “hệ thống chống trộm” của mình. Đến khoảng 21h cùng ngày, Nam về nhà thì nghe tiếng chó sủa ở sau vườn nên vội ra xem. Ra đến nơi, Nam tá hỏa phát hiện một thanh niên nằm bất động ở đoạn tường rào mà Nam mắc dây điện ngang qua. Sau khi ngắt điện, Nam phát hiện nam thanh niên là Phan Thanh Nhân (người cùng làng) đã tắt thở vì bị điện giật. Sợ hãi, Nam thu dọn hệ thống dây diện vào một chỗ rồi đem xác nạn nhân bỏ lại một ngôi trường hoang, ít người qua lại. Sau đó, Nam đem đoạn dây diện và các thiết bị chống trộm của mình đến cầu Chà Là (thuộc xã Vạn Phú) ném xuống đó.

Tuy nhiên sau đó, thi thể của nạn nhân đã được người dân phát hiện và báo cho cơ quan công an. Sự việc bị bại lộ, Nam bỏ trốn vào TP.Hồ Chí Minh rồi trở về đầu thú vào ngày 16/8/2013.

Phiên tòa của nước mắt

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Nam là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em. Đã học hết lớp 12 nhưng Nam vẫn mắc phải sai lầm đáng tiếc và trả giá cho phiên tòa ngày hôm nay. Tất cả bắt đầu từ thú chơi chim cảnh, Nam say chim cảnh và sưu tầm được những con chim trị giá hàng triệu đồng. Bực nỗi, Nam hay bị mất trộm chim cảnh nhiều lần nên Nam rất bực tức. Đã nhiều lần mai phục và tìm cách bắt tận tay kẻ trộm nhưng Nam đều không thành công. Trong phần trả lời hội đồng xét xử, Nam cúi đầu nói: “Do bị cáo suy nghĩ đơn giản, nghĩ làm bẫy chống trộm có thể khiến kẻ gian sợ mà không dám vào nhà bị cáo ăn trộm nữa!”. Thẩm phán phiên tòa phân tích: “Bị cáo đã học hết lớp 12, có khả năng nhận thức vấn đề, nhưng vẫn phạm tội do cẩu thả. Tài sản mất còn có thể làm ra được, nhưng người đã mất làm sao sống lại được! Không chỉ bị cáo, mà mọi người cũng cần thận trọng khi sử dụng điện. Giờ thì bị cáo ngồi tù, gia đình người bị hại mất đi người thân. Bị cáo có hiểu được hậu quả đau lòng không?”. Nam lí nhí trả lời trong khi đôi mắt ầng ậc nước: “Bị cáo biết tội rồi. Bị cáo chỉ thương mẹ già thôi”.

Nghe con trai đứng trước vành móng ngựa nhắc đến mình, bà Hạnh ngồi dưới khẽ đưa vạt áo lên chấm nước mắt. Bà cho biết, hôm xảy ra sự việc, bà đang điều trị bệnh tim và phổi tại TP.Hồ Chí Minh. Khi thấy Nam đột ngột xuất hiện ở viện, bảo vào thăm mẹ ít ngày rồi ra, bà thấy ngờ ngợ đoán có chuyện gì đó xảy ra nhưng khi hỏi thì Nam không nói. Sau khi được cô con út kể lại Nam gây chết người khi giăng điện ở nhà, bà Hạnh nằng nặc xin xuất viện để về quê lo liệu. Hôm phiên tòa diễn ra, dù vẫn còn rất mệt và bị căn bệnh tim hành hạ, bà vẫn tìm cách đến phiên tòa để gặp đứa con trai cả. Trước đó, biết mẹ muốn đi dự tòa nhưng sợ mẹ xúc động mạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe nên các em gái của Nam đã không đồng ý.

Nói về Nam, bà Hạnh thổn thức: “Nó là đứa ngoan hiền, chưa bao giờ cãi tôi lấy nửa lời. Nó cứ chăm chỉ làm ăn, nay làm công cho người ta, mai đi sửa đồ lấy tiền tích cóp. Cứ rảnh là nó lại chăm cho mấy con chim cảnh, yêu chim cảnh hơn cả việc đi tìm bạn gái nên tôi giục nó lấy vợ mấy lần mà nó không chịu. Giờ thì dính vào việc pháp luật, tôi chỉ mong nó sớm trở về để tôi chứng kiến nó có mái ấm gia đình như mấy đứa em”. Trong khi các em gái lần lượt đi lấy chồng, Nam cứ ở vậy chăm mẹ già và được mọi người hàng xóm rất quý mến. Trong vụ việc, Phan Thanh Nhân vốn là một thanh niên thường xuyên ăn trộm vặt trong thôn, xóm. Dù không có căn cứ khẳng định Nhân vào vườn nhà Nam để ăn trộm hay làm gì nhưng bản thân thanh niên này đã nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Được biết, thời điểm xảy ra sự việc thì Nhân cũng đang được tại ngoại chờ xét xử về hành vi trộm cắp của TAND huyện Vạn Ninh.

Về phần gia đình bị hại, cha mẹ Phan Thanh Nhân vốn cũng là họ hàng với gia đình Nam khẩn khoản xin HĐXX giảm án cho Nam: “Tôi biết con tôi là đứa thế nào, nó hay tắt mắt, làm nhiều việc thị phi. Việc cũng đã rồi, Nam nó cũng đáng thương lắm nên tôi mong Hội đồng xét xử cho nó hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, cha của Nhân nói.

Giờ nghị án, bà Hạnh lê từng bước đến bên con trai ân cần dặn dò, động viên. Bà xoa đôi bàn tay nứt nẻ vì sương gió khắp khuôn mặt Nam, vừa nhìn con vừa khóc. Ba em gái Nam đứng xung quanh cũng lặng lẽ nhìn anh rớm nước mắt. Nghĩ tới quãng đường phía trước phải vượt qua, Nam bảo mẹ: “Con sẽ nhanh về với mẹ thôi, mẹ đừng lo lắng quá, phải chú ý giữ gìn sức khỏe và uống thuốc đúng giờ nhé”. Nói đoạn, thấy mẹ và các em đang khóc vì mình, bị cáo xúc động gục đầu vào lòng bà Hạnh khóc theo.

Sau cùng, Nam bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Giết người” quy định tại khoản 2, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Hình phạt này được cho là đã áp dụng hàng loạt các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Trong phần tuyên án, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: “Ở các vùng nông thôn, chuyện trộm cắp lặt vặt hay tình trạng chuột bọ cắn phá hoa màu thường xảy ra, để lại sự bực bội tích tụ trong lòng chủ tài sản. Tuy nhiên, dù bực đến đâu, việc dùng điện để “phòng trộm” hay “bẫy trộm” đều phạm pháp. Theo quy định, mọi hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ đều bị pháp luật nghiêm cấm. Bởi Nhà nước đã dự liệu mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người do việc sử dụng điện không đúng cách có thể gây ra. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bài học cho bà con để tránh những câu chuyện buồn như thế này lặp lại”.

Minh Châu – Đình Khánh (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Bẫy điện , bẫy điện bảo vệ chim cảnh , bay dien chet nguoi , dien giat chet , Khánh Hòa , tin , bao