Novak Djokovic: Ông vua lội ngược dòng
Thứ bảy, 20/10/2012 11:33

Còn lâu, hoặc có thể là sẽ không bao giờ Novak Djokovic trở thành ông vua của làng banh nỉ thế giới.

Djokovic thắng trận đấu lớn đầu tiên kể từ Rogers Cup 2012

Djokovic thắng trận đấu lớn đầu tiên kể từ Rogers Cup 2012

Nhưng nếu nói về khả năng giải quyết những thời khắc thập tử nhất sinh trong từng trận đấu, anh là người xuất sắc nhất.

Vua lội ngược dòng

Khi Andy Murray vẩy cổ tay thực hiện cú trái hai tay, bóng đi theo quỹ đạo của một cây cầu vồng. Djokovic quay đầu 180 độ, anh không tăng tốc tối đa để vặn sườn đánh trả. Bài học mà Roger Federer đã từng dạy cho anh cách nay ba năm, Djokovic nhớ rất rõ: Cú đánh qua hai chân một khi vẫn được thể hiện trên sân tập thì dĩ nhiên có thể được phô diễn trong những thời khắc sinh tử. Thêm một lần sau đường bóng tinh tế đó, Djokovic ngắt bóng bỏ nhỏ bằng cú trái tay, kỹ năng xuất sắc nhất của anh, tay vợt người Serbia đã tạo ra lối rẽ cho trận chung kết ở Thượng Hải Masters. Từ chỗ gần như chắc chắn thất bại (nếu điểm số là 40-0 khi Murray đang cầm giao bóng 5-4 ở set 2), anh đã trở thành người chiến thắng.

Cũng ở trận chung kết được xếp hàng kinh điển trong khuôn khổ các giải đấu Masters 1000 này, Djokovic đã hóa giải được cả 5 "championship point" (điểm vô địch) của Murray, trong đó có 4 lần ở loạt tie-break set 2.

5 match point được cứu chỉ là một số lượng rất nhỏ, thậm chí còn chưa bằng một nửa số match point được ghi nhận là kỷ lục của ATP xưa nay khi Adriano Panatta sống sót qua 11 match point của Kim Warwick để chiến thắng ở Rome năm 1976. Nhưng tỉ lệ 4/5 điểm ấy được kết thúc bằng các cú đánh ăn điểm trực tiếp cho thấy tài năng, bản lĩnh của Djokovic, dù cho chúng ta có thể cảm thấy cả sự màu nhiệm ở đó. Djokovic không hôn hay làm dấu thánh, nhưng cứ sau một lần mở ra cánh cửa từ cõi thua để về với cõi thắng, anh lại lần tay vào sợi dây chuyền trên cổ.

Djokovic từng khiến cả thế giới phải thán phục tài lội ngược dòng của mình nhiều lần trên con đường trở thành một trong những tay vợt vĩ đại nhất của tennis đương đại. Hai năm liên tiếp đối đầu với Federer ở bán kết US Open 2010 và 2011, mỗi lần Djokovic đều cứu 2 match point. Kỳ vĩ nhất là cú trả giao bóng chéo sân mà huyền thoại John McEnroe nay là bình luận viên tennis đã nhanh miệng gọi nó là cú đánh xuất sắc nhất mọi thời đại.

Năm 2012 này cũng là một chuỗi những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Này là bán kết Australian Open với Murray khi đối thủ đã dẫn anh 2-1 sau ba set. Này là trận chung kết ngay sau đó với Rafael Nadal mà anh tưởng như đã gục ngã, nhưng lập tức buộc đối thủ phải trả giá sau một cú trái tay hỏng ở điểm quyết định khi Djokovic bị dẫn 2-4 ở set 5. Này là 4 match point mà Jo-Winfried Tsonga đã tạo ra trước hơn một vạn khán giả Pháp ủng hộ điên cuồng cho tay vợt con cưng hòng khép lại ba thập kỷ không danh hiệu của nước chủ nhà Roland Garros.

Không ai cứu nhiều match point hơn Djokovic trong những trận đấu quyết định của các giải đấu quan trọng (Masters 1000, Grand Slam) trong những năm qua.

Nadal ở thời đỉnh cao phong độ cũng là một chiến binh lì lợm, bản lĩnh cũng chưa tạo nên những cuộc lội ngược dòng phi thường như thế (một phần bởi anh không phải rơi vào những hoàn cảnh thập tử nhất sinh).

Federer của thời hoàng kim là người tạo ra những cảm xúc mãnh liệt cho người hâm mộ, nhưng vì quá vượt trội so với phần còn lại (trừ Nadal), nên cũng không phải rơi vào những tình huống nghẹt thở.

Và nạn nhân mới nhất, Murray lại chưa đủ tầm cỡ để biến những nguy cơ thất bại thành cơ hội chiến thắng huy hoàng. Với Murray chỉ là một con đường phẳng, cả vô địch US Open lẫn Wimbledon mới đây đều không có những khúc ngoặt hay khi thất bại thường ít gây cho đối thủ khó khăn (ngoại trừ bán kết Australian Open 2012).

Chiến thắng mùi thuốc súng

Điều gì làm nên một Djokovic bản lĩnh và thăng hoa trong những giây phút ngặt nghèo như thế? Có thể là may mắn, như Federer từng cau có đối đáp với giới truyền thông sau trận bán kết US Open 2011 rằng "tôi chỉ tin nếu như anh ta đã tập luyện và thực hiện cú đánh đó 20 năm qua". Đúng, không phải quả trả giao bóng nào cũng đúng góc chết và ăn ngay. Nhưng may mắn thường không xảy ra với tần suất liên tục trong quãng thời gian vài năm như thế.

Có thể rằng nó là kết quả của một Djokovic được tập luyện và lớn lên trong hoàn cảnh Serbia đầy đạn khói trong cuộc chiến ở Nam Tư những năm 1990, và chìm trong màn mưa bom khi NATO mở chiến dịch không kích ở đây trong suốt ba tháng năm 1999. Nole, biệt danh của anh, từng nói rằng sự trải nghiệm qua chiến tranh giúp các vận động viên thể thao Serbia nói chung và bản thân anh nói riêng mạnh mẽ về ý chí, kiên cường về bản lĩnh. Cựu số một nữ Ana Ivanovic từng phải tập tennis trong một sân đấu được hoán cải từ một cái bể bơi. Ba sân tập mà Djokovic từng chơi những chập chững cầm vợt cũng nằm giữa các hố bom rải rác xung quanh...

Không ai trong số 3 người còn lại của top 4 tay vợt tennis hàng đầu của những năm đầu thế kỷ 21 là Murray, Nadal hay Federer phải trải qua những khó khăn và thử thách như thế. Họ cũng rất tài năng, vĩ đại và đầy bản sắc, nhưng sức bật từ chân tường như Djokovic quả là độc nhất vô nhị.

Trong một chặng đường không quá dài mà đầy ắp những hồ nghi, chiến thắng và cách chiến thắng của Djokovic ở Thượng Hải Masters 2012 là một thông điệp đầy ý nghĩa. Trước khi tới đây, anh thất bại ở những trận đấu lớn của các giải quan trọng như Wimbledon, Olympic và US Open khá dễ dàng dù cho chỉ trước đó vài vòng đấu anh thắng các tay vợt khác như chẻ tre. Thắng lợi này chứng tỏ Djokovic vẫn chưa bị mai một dù cho người ta thấy rất rõ là anh còn lâu mới đạt tới đẳng cấp của chính mình trong năm 2011.

Tưởng thưởng cho chiến thắng ấy là một kỷ lục chứng tỏ sự xuất sắc, ổn định của anh: vượt qua Federer để là người duy nhất vô địch 7 giải khác nhau thuộc hệ thống 9 giải Masters 1000 hiện hành (Thượng Hải, Miami, Indian Wells, Madrid, Toronto, Rome, Paris). Và ngôi số một thế giới hiện đang thuộc về Federer cũng đã ở rất gần!

Phạm Tấn (TT&VH)
Tag: Djokovic , Federer , Tennis , Quần vợt , Thể thao