Chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp Tết Nguyên đán, vấn đề thực phẩm luôn là mối quan tâm đặc biệt, là chủ đề nóng của hầu hết các bà nội trợ trong những ngày này.
|
Những ngày cận Tết, nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao gấp nhiều lần so với mọi khi. Các khu chợ dường như cũng tấp nập, đông đúc hơn so với ngày thường. Các bà nội trợ ai cũng tất bật hơn với công việc “ cân đo đong đếm” để sắm sửa cho ngày Tết sao cho vừa đảm bảo chất lượng mà vẫn vừa túi tiền.
Hoang mang với giá cả
Khảo sát giá cả tại một số khu chợ khu vực nội thành Hà Nội, giá cả các mặt hàng thực phẩm những ngày qua tương đối ổn định. Một số mặt hàng đã rục rịch tăng giá nhưng không đáng kể. Tại chợ Nghĩa Tân, giá thịt lợn loại 1 từ 120-130 nghìn/ kg, xương sườn loại 1 có giá 110- 120 nghìn/ kg, ...Giá rau một số loại tăng mạnh như cà chua 18 nghìn đồng/kg (tăng 3 nghìn đồng), su hào ngày thường là 5 nghìn đồng/ củ, nay tăng lên 8 nghìn/ củ…Còn các loại rau khác như súp lơ, rau cải, rau muống…giá vẫn ổn định như mọi ngày.
Chị Thương ( ở Quan Hoa- Cầu Giấy) cho biết : “Thực phẩm tuần này so với tuần trước đã tăng giá, nhưng tăng không quá đột biến. Giá thịt lợn thăn từ 120-130 nghìn/ kg, thịt bò ngon từ 170-180 nghìn/ kg. Bằng chừng này năm ngoái, giá cả tăng khiếp lắm. Giá thịt lợn, thịt bò phải tăng 10-20 %”.
Giá thực phẩm Tết năm nay so với mọi năm khá ổn định nhưng cũng không thể khiến các bà nội trợ yên tâm
Còn bác Lam ( một cán bộ hưu trí, Nghĩa Đô, Cầu Giấy) lại tỏ vẻ bi quan : “ Đợt này giá cả thực phẩm khá ổn định. Nhưng chỉ lo đến ngày mai thôi, giá cả lại “đội” lên gấp nhiều lần. Với đồng lương hưu ít ỏi của tôi, cứ mỗi dịp Tết đến lại lo sốt vó lên với giá cả cứ tăng mỗi ngày. Thôi thì giá cả ổn định được ngày nào hay ngày đó, nhưng lúc nào cũng thấy nơm nớp với giá cả ”.
Một người bán hàng rau củ tại chợ Nghĩa Tân bộc bạch : “ Chị lấy mối hàng từ chợ Long Biên về bán. Giá cả tăng giảm đều phụ thuộc vào mối hàng. Giá có tăng thì lời lãi của chị cũng chẳng được hơn là bao. Mong cho giá rau củ cứ ổn định, chứ đắt quá thì ai dám mua nhiều nữa.”
Nơm nớp nỗi lo chất lượng thực phẩm
Bên cạnh nỗi lo về giá cả, nhiều người tiêu dùng luôn canh cánh nỗi lo về chất lượng của thực phẩm. Ngày Tết đến, lợi dụng sức tiêu thụ thực phẩm ào ạt, không ít người bán hàng vì ham lợi nhuận đã trà trộn thực phẩm kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng. Mới đây các lực lượng chức năng Hà Nội mới bắt giữ được gần 30 tấn đuôi, chân bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến ai cũng lắc đầu ngao ngán. Các bà nội trợ thêm hoang mang, cẩn trọng hơn mỗi khi ra chợ. Mỗi người phải tìm ra cách riêng để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước tình trạng trên.
Chị Loan (Nhân viên văn phòng) cho biết " Ngày Tết không thể thiếu món gà cúng ông bà Tổ tiên. Thường ngày chị mua gà làm sẵn cho tiện. Nhưng đợt này lo sợ gà bị bệnh hoặc đã được bảo quản từ lâu nên chị chọn cách mua gà sống cho chắc ăn.
Quả thực có lẽ có nhiều người tiêu dùng có chung tâm lý với chị Loan nên dạo qua một vòng các hàng bán gà sống tại một số khu chợ, có thể dễ dàng nhận thấy cảnh mua bán diễn ra hết sức tấp nập.
Chị Hân, bán gà sống tại một chợ cóc xởi lởi cho biết : “ Hàng của chị dịp này “ đắt” khách lắm. Các bà nội trợ đợt này chuộng gà sống hơn hẳn các loại gà đã làm thịt sẵn bởi nhìn tận mắt và chọn con gà còn khỏe mạnh thì yên tâm quá còn gì”.
Thế nhưng khi được hỏi những con gà này liệu đã được kiểm dịch hay chưa, chị Hân trả lời một cách vô tư : “Gà này nhà chị nuôi. Nhìn khỏe mạnh thế này làm sao có bệnh được. Nên cô cứ yên tâm.”
Có những bà nội trợ lại lựa chọn cách mua hàng quen hoặc dựa vào cảm tính, vào kinh nghiệm khi chọn lựa thực phẩm, rau củ, quả.
Bác Tâm ( Hoàng Mai, Hà Nội) tiết lộ : “ Khi ra chợ mua hoa quả bác thường chọn các loại quả “ cây nhà lá vườn” như chuối, bưởi, khế... Chứ như táo, lê.. thì toàn đồ Trung Quốc thôi. Sợ lắm!”.
Những gia đình có điều kiện hơn lại lựa chọn mua hàng hóa, thực phẩm tại các siêu thị với tâm lý dù giá cả có đắt hơn một chút nhưng ít ra vẫn yên tâm hơn so với mua hàng ngoài chợ.
Ngược lại, một số người tiêu dùng với mức thu nhập trung bình, hay dân lao động thay vì mua hàng ở các điểm bán hàng thực phẩm an toàn hay ở các siêu thị, lại có lựa chọn là các chợ cóc, hàng rong, vừa rẻ, vừa thuận tiên. Thế nhưng sự an toàn cũng như nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm hay rau củ quả này vẫn thực sự là một dấu hỏi lớn.
Bác Chiến ( 60 tuổi, Khu TT HV Hành chính QG) thở dài : " Dựa vào kinh nghiệm, cảm tính hay mua thực phẩm ở hàng quen thì cũng chỉ là tương đối thôi. Bây giờ nhiều thủ đoạn tinh vi lắm. Tất cả đều phải dựa vào lương tâm của người bán hàng thôi !"
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?