Nở rộ các dịch vụ “móc túi” du khách tại lễ hội chùa Hương
Thứ bảy, 28/01/2012 09:20

Cùng với số lượng du khách đổ về trẩy hội chùa Hương không ngừng tăng lên thì các loại hình dịch vụ cũng “đội giá” đến chóng mặt để thi nhau “hốt bạc”.

Mùa lễ hội chùa Hương năm nay, lượng du khách đổ về trẩy hội tăng đột biến so với các mùa lễ hội trước. Theo thống kê của ban tổ chức, trước ngày khai hội mồng 6 tháng Giêng, chỉ trong vòng 5 ngày đầu năm mới đã có trên 10 vạn lượt du khách đổ về chùa Hương. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa kinh doanh của các hộ dân quanh khu vực lễ hội.

Hàng vạn du khách đổ về chùa Thiên Trù chờ đón thời khắc khai hội chùa Hương.

Tại khu vực suối Yến, bến Đục giá cả các loại hình dịch vụ đều đã tăng so với mức giá thông thường. Tuy nhiên, du khách vẫn có cơ hội mặc cả với chủ hàng để có mức giá hợp lý bởi dù sao đó vẫn là khu vực “trên bờ” nên có thể thoải mái lựa chọn nhà nghỉ, hàng ăn… Chính vì vậy, với những du khách đã có “thâm niên” đi chùa Hương thì hầu hết đều chọn nghỉ đêm bên ngoài khu vực lễ hội ngay đầu suối Yến.

Ngay từ chiều 27/1, trước thời khắc khai hội chùa Hương, hầu hết tất cả các nhà nghỉ, nhà trọ đầu suối Yến đều đã chật kín phòng. Thậm chí có nhà nghỉ dù còn nhiều phòng trống nhưng du khách đã gọi điện đặt phòng từ trước. Tuy vậy, giá phòng nghỉ khá thoải mái chỉ có mức giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/ đêm.

Thế nhưng, khi qua suối Yến, bắt đầu vào đến khu vực chùa Thiên Trù, giá cả của tất cả các loại hình dịch vụ đều đồng loạt tăng đến chóng mặt. Du khách biết mình bị “móc túi” nhưng cũng đành “căn răng” chịu đựng bởi đã ở giữa “ốc đảo” thì không còn cơ hội mặc cả.

Dịch vụ ăn uống mọc nhiều như nấm.

Kiếm bộn tiền nhất tại khu vực lễ hội chùa Hương phải kể đến dịch vụ ăn uống. Hàng chục cửa hàng ăn uống nằm san sát nhau đón khách ngay tại điểm đỗ cuối cùng của bến đò suối Yến luôn luôn tấp nập thực khách vào ra. Năm nay, các quầy hàng ăn vẫn “câu khách” bằng việc trưng ra đủ các loại thú tươi sống được xẻ thịt nham nhở từ hươu, nai, nhím, thỏ, cầy hương…Chỉ khác là hầu hết các tiệm đều bỏ việc “khoe khoang” đặc sản thịt thú rừng.

Tuy vậy, mức giá các mọn nhậu thịt thú tươi sống cũng không khác so với mọi năm. Thịt hươu nai dao động từ 400 đến 600 nghìn đồng/kg, thịt nhím dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/năm, thịt lợn (được treo biển giới thiệu lợn rừng) lên đến gần 1 triệu đồng/kg…Hàng chục quầy ăn uống nhanh với các món bún, phở…cũng mọc lên khắp mọi nơi trong khu vực lễ hội. Giá mỗi bát bún phở gần như “không người lái” lên đến 30 nghìn đồng/bát, trứng gà, trứng vịt có giá 8 nghìn đồng/quả, các loại nước uống đều tăng giá gấp đôi so với thông thường.

Treo biển thú rừng "móc túi" du khách
 
Anh Đặng Thành Công, du khách đến từ Bắc Giang chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi lễ hội chùa Hương. Tuy cũng đã nghe nói giá dịch vụ lễ hội đều tăng nhưng tôi không nghĩ giá ăn uống lại đắt đỏ như vậy. Nhất là các loại thịt thú rừng có giá “chát” quá nhưng không biết thật giả ra sao”.
Dịch vụ nghỉ qua đêm dưới chân chùa Thiên Trù cũng hốt bạc.

Dịch vụ ngủ nghỉ cũng đắt giá không kém. Những dãy nhà tạm quây bạt xếp san sát các tấm phản hầu như đều chật kín khách. Với dịch vụ ngủ “tập thể” như vậy, giá nghỉ mỗi người qua đêm là 50 nghìn đồng, thuê riêng 1 phản có giá 150 nghìn đồng. Ngoài ra, còn có dịch vụ ngủ “vip” với các phòng riêng là các phòng quây bằng 4 tấm tôn với diện tích chừng 5 mét vuông có thêm một tấm đệm có giá từ 250 nghìn đến 300 nghìn/đêm.

Nhan nhản súng bắn đạn nhựa được bày bán tại khu lễ hội.

Các loại quà bánh, đồ lưu niệm ngập tràn dọc đường lên chùa Thiên Trù. Ngoài những mặt hàng lễ hội như vòng cổ, vòng tay, gấu bông, búp bê…tại nhiều quầy hàng, các loại súng nhựa đồ chơi với đủ hình dáng, kích thước bắt mắt được bày bán tràn lan. Các loại súng đều được nhập từ Trung Quốc với mức giá từ 150 nghìn đến 200 nghìn/ khẩu. Điều đáng nói là nhiều loại súng được bày bán tại đây thu hút các em nhỏ bởi có thể bắn các hạt nhựa gây nguy hiểm khi sử dụng.

Nhiều du khách tranh thủ lễ sớm trong đêm.

Để chuẩn bị cho buổi sáng khai hội, hàng chục hộ kinh doanh cũng tất bật gánh hàng chuyển lên khu vực quanh chùa Thiên Trù ngay trong đêm phục vụ du khách. Chị Nguyễn Thị Lụa vừa gánh hàng vượt dốc vừa thở hổn hển chia sẻ: “Chúng tôi phải đợi đến tối mới gánh hàng vào đây vì ban ngày du khách quá đông. Gánh được gánh hàng có mấy cái ghế nhựa, mấy chai nước vào đây cũng mệt bở hơi tai nên chúng tôi cũng phải bán giá cao hơn ngày thường cũng mới mong có lãi chút đỉnh thôi chứ”.

Hầu hết các du khách đã có ý thức bỏ tiền lễ vào hòm công đức thay vì đặt trên ban lễ.
 
Nhiều du khách nghỉ đêm dưới chân chùa Thiên Trù phòng trường hợp lượng khách đổ về vào buổi sáng khai hội quá đông nên đã tranh thủ lên chùa dâng hương làm lễ trước ngay trong đêm. Dịch vụ sắp đồ lễ và đổi tiền lẻ vì thế cũng tha hồ “hốt bạc”. Một mâm lễ hương hoa có giá tùy vào nhu cầu của người đặt có thể vài chục nghìn đồng nhưng cũng thể đến vài trăm nghìn đồng. 

 

Dân Trí
Tag: Hà Nội , Chùa Hương , Dịch vụ chặt chém , Du khách