Chùa Hương giăng lưới mềm hứng tiền lễ của dân
Thứ tư, 04/01/2012 09:42

Tiền lễ, dù là tiền lẻ thì vẫn có giá trị, hơn nữa trên tiền còn có in hình Quốc huy và hình lãnh tụ, do vậy không thể để vứt bừa bãi. Tại Chùa Hương năm nay, dự kiến BTC sẽ giăng lưới mềm ở những khu vực du khách hay ném xuống để hứng...tránh lãng phí.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, để chuẩn bị vào mùa lễ hội 2012, Sở đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chu đáo và đúng quy định của Nhà nước và Thành phố.

Theo bà Trang, Hà Nội có tất cả 1095 lễ hội lớn nhỏ, rải đều ở hầu hết tất cả các địa bàn của Thành phố. Ngoài giá trị chính của các lễ hội về mặt văn hoá, những năm qua tại các lễ hội còn tồn tại nhiều vấn đề như việc xử lý vi phạm chưa được triệt để, thiếu nhà vệ sinh công cộng, thiếu thùng rác, cờ bạc có thưởng diễn ra ở nhiều nơi… Ngoài ra còn có tình trạng tranh giành khách đi xe, đi đò hay trông xe giá cao, đặt quá nhiều hòm công đức, bày bán thịt thú rừng tươi sống.. Đặc biệt, tại các lễ hội đều có hiện tượng giắt tiền lễ “mồi” ở mọi nơi, kể cả kẽ tay, thậm chí dưới đất.

Hiện tượng ném tiền lẻ xuống giếng ở Chùa Hương diễn ra khá phổ biến - ảnh: VnE

“Năm nay, Thành phố sẽ cương quyết thực hiện thu gom số tiền này để sử dụng đúng mục đích vì dù là tiền lẻ đi chăng nữa, cũng vẫn có in hình Quốc huy, hình Lãnh tụ..” - bà Trang nói. Theo bà Phó GĐ Sở VH - TT&DL, tại Chùa Hương thường có hiện tượng khách hành hương ném tiền xuống suối hoặc giếng, vì vậy năm nay dự kiến sẽ cho giăng lưới mềm ở các khu vực này để hứng tiền, không cho rơi xuống suối.

Liên quan đến việc tại các lễ hội thường có quá nhiều hòm công đức, bà Trang chia sẻ, các di tích đều do Nhà nước công nhận và khi tôn tạo thì Nhà nước lại bỏ kinh phí, tuy nhiên tiền công đức thu được rất nhiều tại các di tích này thì lại chưa có phương án quản lý.

Bà Trang cũng cho biết, trong số hơn 1000 lễ hội ở Hà Nội thì năm nay, Sở sẽ tổ chức đi kiểm tra tại 21 lễ hội lớn về công tác tổ chức và quán triệt nội dung quy định tổ chức, tập huấn cho các chủ dịch vụ, chủ xe, bến bãi, chủ xuồng đò có thái độ ứng xử văn minh, an toàn, an ninh và và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, bà Trang cho biết năm nay sẽ làm rất nghiêm về vấn đề bày bán thịt tươi sống tại các lễ hội. “Chúng tôi yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền và hạn chế đến mức tối đa việc bán thực phẩm tươi sống. Bắt buộc phải chứa thực phẩm vào tủ lạnh chứ không thể để cảnh treo thịt sống trước cửa hàng gây phản cảm nơi thiêng liêng và khiến du khách, nhất là du khách nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm, coi chúng ta là man rợ” - bà Trang chia sẻ.

Phạt đến 300.000đ nếu vứt rác tại Chùa Hương

Trước vấn nạn mất vệ sinh môi trường tại lễ hội Chùa Hương, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương sẽ áp dụng rất nghiêm Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về phạt vi phạm vệ sinh môi trường, với mức từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, năm 2011, lễ hội Chùa Hương đã đón 1,4 triệu lượt khách hành hương. Đây là lượng du khách lớn nhất kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, với một lượng khách quá lớn như vậy, tập trung trong một thời gian ngắn nên trong công tác tổ chức vẫn còn nhiều bất cập.

Năm nay, sẽ không để tái diễn tình trạng treo thịt tươi sống, thịt thú rừng ở lễ hội Chùa Hương - ảnh: ANTĐ

Năm nay, huyện Mỹ Đức đã có chuẩn bị rất chu đáo để lễ hội diễn ra tốt đẹp. UBND huyện Mỹ Đức đã thành lập Ban tổ chức Lễ hội do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, tập trung cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan TP, huyện, xã có tinh thần trách nhiệm tham gia phục vụ lễ hội.

Tại lễ hội, tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanhnội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâukhông an toàn.Việc xử lý rác tại chỗ sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại trị giá trên 10 tỷ đồng do một doanh nghiệp tặng.

Một mối lo với du khách khi đến Chùa Hương, đó là tình trạng ách tắc đò trên suối Yến năm nay sẽ được khắc phục do đoạn bến đò Thiên Trù đã được mở rộng. Trụ sở của Ban quản lý lễ hội cũng đã được xây dựng. Khu nhà khách và nhà thụ trai (nhà ăn) đã được làm xong ngay trong khu vực chùa Thiên Trù. Các công trình vệ sinh công cộng đã được tu bổ để phục vụ du khách.

Ngoài ra, theo ông Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, năm nay, các chủ đò đã ký cam kết tuyệt đối không xin thêm tiền của khách đi đò, bởi mùa lễ hội này, tiền vé thăm quan, vé đò đã được tăng “kịch trần” theo quy định của Thành phố.

Liên quan đến công tác vệ sinh môi trường tại lễ hội Chùa Hương, ông Hậu cho biết, năm nay những người vi phạm như vứt rác không đúng nơi quy định… sẽ bị xử phạt theo Nghị định 23 của Chính phủ. Việc xử phạt sẽ do lực lượng Cảnh sát môi trường đảm nhiệm theo hình thức phạt tại chỗ, có camera ghi hình để làm bằng chứng. Mức phạt theo quy định là từ 100.000đ - 300.000đ.

VnMedia
Tag: Hà Nội , Chùa Hương , Tiền lễ