Những vụ thảm sát đẫm máu nhất của quân đội Mỹ trong lịch sử
Thứ tư, 14/03/2012 09:48

Vụ lính Mỹ thảm sát 16 thường dân tại Afghanistan cuối tuần qua không phải là sự cố đầu tiên của quân đội Mỹ. Trong lịch sử, không ít lần thế giới đã phải rúng động trước những vụ hành quyết đẫm máu bắt nguồn từ quân đội Hoa Kỳ.

Thảm sát No Gun Ri ( Triều Tiên)

Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một đơn vị lính xe tăng của quân đội Mỹ mang số hiệu Trung đoàn 7 đã chiếm đóng khu vực No Gun Ri. Đây là tuyến đầu trong các cuộc giao tranh đẫm máu với quân đội Triều Tiên. Hàng trăm gia đình Hàn Quốc bị mắc kẹt, nằm giữa hai làn đạn đã tìm cách sơ tán về phía sau hậu phương để tránh những thương vong của cuộc chiến.

Tháng 6/1950, quân đội Mỹ phát hiện có hàng trăm thường dân, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang tiến về vị trí của họ qua một chiếc cầu đá nhỏ. Các sĩ quan ra lệnh phát hỏa và các binh sĩ Mỹ nổ súng. Đám đông dân tản cư đã hứng trọn trận mưa đạn. Tuy nhiên, một số nhân chứng còn sống sót cho biết, thảm kịch chưa dừng lại khi ngay sau đó, một máy bay Mỹ đã đến và dội bom vào dân thường. Vụ thảm sát đã khiến khoảng 400 người thiệt mạng.

Mặc dù đến nay, quân đội Mỹ vẫn chỉ thừa nhận đây là một “bi kịch không mong muốn”, khi các binh sĩ nghĩ rằng những người tị nạn có thể bao gồm các binh sĩ Bắc Triều Tiên cải trang thành, tuy nhiên vụ thảm sát No Gun Ri đã gây chấn động dư luận và được biết đến là một trong những vụ thảm sát thường dân lớn nhất của quân đội Mỹ trong thế kỷ 20.

Thảm sát Mỹ Lai (Việt Nam)

Ngày 16/3/1968, đại đội Charlie thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 20 đã tiến vào Mỹ Lai, một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và gây ra vụ giết người thảm khốc. Không tìm thấy bộ đội, lính Mỹ bắt đầu xả súng giết hại dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Thậm chí, lính Mỹ còn bắn vào tất cả những thứ chuyển động. Trên thân thể những người phụ nữ bị giết hại còn hằn rõ dấu vết bị làm nhục. 504 người đã bị giết hại oan uổng.

Quân đội Mỹ đã che giấu vụ việc, cho tới khi nhà báo Seymour Hersh điều tra và đưa sự thực tới công chúng trên toàn thế giới. Tháng 11/1969, một loạt tạp chí gồm TimeLife và Newsweek đã đồng loạt đưa vụ việc này lên trang nhất và đăng tải những bức ảnh chi tiết về vụ thảm sát. Với cả một thế hệ những người châu Mỹ, châu Âu và châu Á, vụ thảm sát Mỹ Lai là một vết nhơ của nước Mỹ. Tờ Time đã bình luận khi vụ việc lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng: “Nước Mỹ và người Mỹ không thể không cảm thấy gánh nặng tội lỗi và sự day dứt lương tâm trước những gì đã diễn ra ở Mỹ Lai”.

Sự kiện thảm khốc này đã hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam và làm thay đổi thái độ của công chúng đối với cuộc chiến tranh tàn bạo và phi nghĩa này.

Tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib (Iraq)

Việc công bố hình ảnh của những vụ tra tấn, cưỡng hiếp, sát hại tàn nhẫn tù nhân ở nhà tù khét tiếng Abu Ghraib, Iraq, năm 2004, đã khiến cho toàn thế giới chấn động cũng như ghê rợn trước sự độc ác của một số quân nhân Mỹ.

Các hình ảnh được thu lại cho thấy, tù nhân Iraq bị đánh đập, lạm dụng và tấn công tình dục. Những người tù nhân bị lột trần, nằm lăn lóc trên nền nhà ướt át, với đôi tay bị còng và nhận những cú đá tới tấp vào bụng từ những kẻ thẩm vấn. Hashem Mushen, một tù nhân từng bị bắt giữ kể lại: "Họ bắt chúng tôi bò xung quanh sàn nhà, trên người không một mảnh vải và cưỡi lên lưng chúng tôi như thể chúng tôi là con lừa".

Sau này, báo cáo của Thiếu tướng Antonio Taguba về sai phạm ở nhà tù Abu Ghraib thừa nhận, lính Mỹ đã dùng những biện pháp tra tấn ghê rợn như: dùng súng đã lên đạn đe dọa, dùng nước lạnh đổ lên người tù nhân không mảnh vải che thân, dùng chổi và ghế đánh tù nhân, đe dọa cưỡng hiếp tù nhân nam, bắt tù nhân trần truồng nằm chất đống và giẫm đạp lên…. Vụ bê bối này đã khiến cho cựu Tổng thống Mỹ George W.Bushphải thừa nhận đó là sai lầm lớn nhất của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq.

Cuộc thảm sát ở Haditha (Iraq)

Trong cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ đã gây ra nhiều tội ác đối với thường dân. Điển hình là vụ thảm sát ngày 19/11/2005, khi 8 lính thủy quân lục chiến của Mỹ đã giết chết 24 người đàn ông không vũ trang, phụ nữ và trẻ em tại thành phố Haditha, Iraq. Theo tờ Thời báo New York, vụ thảm sát được cho là một hành động trả thù của binh sĩ Mỹ.

Người dân tại Haditha đã rất giận dữ khi thực tế, không một ai trong số 8 binh sĩ bị kết án. Awis Fahmi Hussein, một người còn sống sót trong vụ thảm sát trên, cho biết: "Tôi hy vọng rằng các tòa án tại Mỹ sẽ tuyên bố những người này phải chịu án tù và họ phải lộ diện thú nhận tội ác trước toàn thế giới. Chỉ như thế mới thể hiện được tính dân chủ và công bằng của nước Mỹ.”

Cuộc không kích ném bom ở Azizabad, Afghanistan

Ngày 22/8/2008, nhiều dân thường Afghanistan tụ tập tại một ngôi làng nhỏ Azizabad ở tỉnh Heart, để tưởng niệm một lãnh đạo dân quân thiệt mạng trong cuộc không kích của quân đội Mỹ.

Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong cuộc chiến tại Afghanistan, khi có tới 90 người đã tử vong, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Quân đội Mỹ ban đầu đã phủ nhận những thương vong về dân sự, nhưng sau đó đã buộc phải thừa nhận sau khi đoạn video quay lại cảnh dân thường bị giết chết xuất hiện.

Infonet
Tag: Thảm sát , Lính Mỹ , Tội ác chiến tranh , Thảm sát Mỹ Lai , Afghanistan , Quốc tế