Những nẻo đường SEA Games
Chủ nhật, 03/11/2013 02:44

Giờ đây nhiều người ví SEA Games như "ao làng" mà quên mất, cách đây mới hơn 2 thập kỷ trước nó từng là "biển lớn".

Đoàn TTVN đặt mục tiêu tốp 3 tại SEA Games 27

Đoàn TTVN đặt mục tiêu tốp 3 tại SEA Games 27

Và thực tế thì cho tới tận đến lúc này, Thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn chưa hề thoát hẳn cái "ao làng" đó.

Trở lại

Sau năm 1975, TTVN đã có mặt ở 2 kỳ Olympic là: Moscow 1980, Seoul 1998 và tại á vận hội ASIAD năm 1982 (Ấn Độ), xạ thủ súng ngắn Nguyễn Quốc Cường còn mang về tấm HCĐ ngoài dự báo, nhưng lần trở lại đấu trường khu vực mới thực sự có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển sau này.

63 thành viên, trong đó có 46 VĐV dự tranh 8 môn: điền kinh, bơi, bắn súng, bóng bàn, bóng chuyền nữ, thể dục dụng cụ, quyền Anh và quần vợt - TTVN đã tung hết lực lượng "chơi được" của mình vào lần trở lại sân chơi Đông Nam Á không gì khác ngoài mục tiêu thử sức để tìm ra vị thế thật của mình trên bản đồ thể thao quốc tế. Dễ hiểu ở cú "xuất phát" này, bóng đá nam không có mặt khi mà trình độ ngay ở tầm khu vực thôi còn quá xa.

Và dù chỉ với 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ của 3 môn bắn súng, bóng bàn, quyền Anh để xếp hạng 6/9 toàn đoàn nhưng lúc đó một lộ trình mới mang tên "Con đường SEA Games" đã được vạch ra với thể thao nước nhà.

Tăng tốc

Tất nhiên, với một nền thể thao chỉ vừa hồi phục sau chiến tranh, con đường hội nhập không thể là một con đường thẳng khi từ tiềm lực chuyên môn đến cơ sở vật chất tụt hậu quá xa. Để có thể đuổi kịp chí ít là khu vực Đông Nam Á, phương châm của TTVN là "đi tắt, đón đầu" mà tác giả là cựu giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ) ông Hoàng Vĩnh Giang, người có mặt trong thành phần Lãnh đạo đoàn TTVN tại Malaysia 1989 và nay là Phó Chủ tịch kiêm TTK uỷ ban Olympic Việt Nam.

.. "Đón đầu những môn khu vực yếu

Chú tâm những chốn huy chương nhiều"...

Hơn 20 năm trước, Con đường SEA Games của TTVN đã ra đời và được "bó gọn"như thế trong bài thơ Gửi gắm của ông Hoàng Vĩnh Giang. Chính cách làm kiểu "đi tắt, đón đầu" thông qua việc du nhập hàng loạt những môn thể thao mới như: Wushu, Pencak Silat, cầu mây... hay tập trung vào các môn thể thao nữ (không thực sự phát triển vì tại khu vực có nhiều quốc gia đạo Hồi), khôi phục các môn võ vật... đã giúp TTVN tăng tốc đáng kể ở các kỳ SEA Games kế tiếp. Nếu tại Malaysia năm 1989, chỉ có 3 HCV và hạng 6 chung cuộc, thì đến SEA Games 21 cũng trên đất Mã vào năm 2011, đoàn TTVN đã đứng trong tốp 4 với 33 HCV.

Về đích

Không chỉ cải thiện dần vị trí trên bảng xếp hạng huy chương, một kế hoạch lớn của Thể thao Việt (mà cũng ông Hoàng Vĩnh Giang đứng vai "đạo diễn") đã được vạch ra để sớm cán đích số 1 Đông Nam Á chỉ sau hơn 1 thập kỷ trở lại. Quãng thời gian là không tưởng nếu biết cũng phải mất đến gần 15 năm, TTVN mới góp mặt tại SEA Games.

Để cán đích trong cái làng thể thao khu vực vốn nhiều ngóc ngách, đương nhiên phải dùng đến quyền đăng cai tổ chức và Việt Nam đã trở thành SEA Games 22 năm 2003 để lập nên kỳ Đại hội có quy mô kỷ lục vào thời điểm đó. Lần đầu tiên cả 11 quốc gia Đông Nam Á  tham dự tranh 444 bộ huy chương của 42 môn và với lợi thế sân nhà, cùng nhiều môn thế mạnh riêng như: Lặn, đá cầu... đoàn TTVN lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch với 158 HCV, bỏ xa đoàn thứ nhì Thái Lan tới...  69 HCV!

Chức vô địch mà chẳng ai... ngạc nhiên, giúp Việt Nam đứng vào hàng cường quốc thể thao Đông Nam Á và dĩ nhiên, thành công được xem là cái mốc để hướng đến những cái đích cao hơn.

Đi tiếp

Con đường SEA Games dường như cũng đã khép lại với lần cán đích này và kiểu làm "đi tắt, đón đầu" cũng dần trở nên lỗi thời khi TTVN muốn tiệm cận với mặt bằng châu lục, thế giới phải phát triển có nền tảng hơn.

Chỉ có điều, những lần tham dự SEA Games thì vẫn cứ diễn ra 2 năm/lần mà việc đứng trong tốp đầu, quả thật cũng chẳng làm ai từ giới chuyên môn đến người hâm mộ phải "sướng" như hồi 2003. SEA Games 27 tới đây cũng chả là ngoại lệ, khi mục tiêu là 70 HCV cùng vị trí trong tốp 3.

Con đường SEA Games lúc này không thể chỉ đo bằng những tấm HCV mà phải là những giá trị chuyên môn mang tính thúc đẩy cả nền thể thao tiến lên phía trước. Đó là với giới chuyên môn. Còn với người hâm mộ! SEA Games đơn giản chỉ là sự chờ đợi giấc mơ Vàng bóng đá nam còn dang dở - Đó chính là "con cá" trong cái "ao làng" mà TTVN đã nhiều lần giăng lưới mà... vẫn hụt.

Lùng nhùng với bóng bàn

Ngày 1/12, SEA Games 27 chính thức khởi tranh khi bóng đá vào cuộc. Trước đó, ngày 6/11, BTC Đại hội tiến hành bốc thăm các môn thi đồng đội và dự kiến vào ngày 20/11 sẽ diễn ra Lễ xuất quân của đoàn TTVN tham dự SEA Games 27.

Lộ trình cụ thể thì là thế, nhưng trước ngày khởi tranh 1 tháng, danh sách cụ thể của đoàn TTVN vẫn chưa thể chốt lại mà theo thông tin từ báo giới là do những lùng nhùng trong khâu tuyển chọn của đội tuyển bóng bàn.

Thông thường việc tuyển chọn nhân sự của các đội tuyển tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế thường do các Ban huấn luyện đội tuyển quyết định dựa trên thành tích thi đấu trong năm cũng như đẳng cấp, trình độ của từng tuyển thủ. Tổng cục TDTT với tư cách đơn vị quản lý nhà nước phê duyệt, chốt danh sách cụ thể.

Đội tuyển bóng bàn dự SEA Games 27 cũng không là ngoại lệ mà trường hợp của cây vợt nữ số 1 Mai Hoàng Mỹ Trang đương nhiên có suất là minh chứng. Tuy nhiên, ở đội hình nam, nhiều khả năng hai cây vợt hàng đầu là Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh đang đối diện với khả năng... ở nhà xem TV!

Lý do, theo ông Lâm Quang Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN dự SEA Games 27 thì: “Bởi những tay vợt nam được xem là hàng đầu, mỗi người vô địch một giải quốc nội hoặc gặp vấn đề chấn thương ở một giải nào đó.

Trước tình thế như vậy, bắt buộc chúng tôi phải cho đấu vòng nội bộ để chọn ra người có phong độ tốt nhất, ổn định nhất khi SEA Games đã cận kề"...

Ông Lâm Quang Thành cũng cho biết thêm, đây cũng là các làm của nhiều nước trên thế giới và sau 3 vòng đấu nội bộ (kết thúc vào ngày 1/11), Ban huấn luyện sẽ điều chỉnh danh sách và báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT xem xét.

Thi đấu tuyển chọn đội tuyển, đúng là cách làm hay, theo nhận xét chung của giới chuyên môn, nhưng nếu chỉ được làm do từ những tranh cãi nội bộ của môn bóng bàn vốn đã quá nhiều tranh cãi, thì đó quả là... lợi bất cập hại!

Nếu Quang Linh và Tuấn Quỳnh quyết không tham dự đấu loại, thì chẳng phải là bóng bàn Việt Nam tự làm yếu chính mình trước SEA GAmes đó sao.

Thethaovanhoa.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: TTVN , Thể thao Việt Nam , Sea games 27 , Myanmar , Bóng bàn , Thể thao Việt Nam tại sea games 27