Những học trò ngoan nhốt mình sau song sắt vì máu yêng hùng
Thứ tư, 03/10/2012 21:26

Những vụ án đau lòng mà bị cáo đứng trước vành móng ngựa là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường khiến người ta không khỏi giật mình.

Bị cáo Vũ Văn Hiếu tại tòa

Bị cáo Vũ Văn Hiếu tại tòa

Bị bắt nạt, cậu học trò ngoan thành đồ tể

Cách đây không lâu, vụ án Nguyễn Tiến Tùng (SN 1994, trú tại phố Chợ 1, thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là học sinh lớp 10A1, THPT Đại Từ dùng dao đâm chết bạn học cùng lớp là Vũ Văn Quân vẫn khiến mọi người ám ảnh chưa thể quên. Đây là một vụ án đặc biệt bởi Tùng khi ấy vốn là một học sinh ngoan ngoãn, hiền lành nhưng ít ai có thể ngờ, trong phút nóng giận không thể làm chủ bản thân, cậu đã tước đi tính mạng của bạn mình. 

Nguyên nhân của bi kịch đau lòng này xuất phát từ việc Tùng và bạn bè thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi tìm đến các trò game giải trí trên mạng. Quân tuy là bạn học cùng với Tùng nhưng lại hay chơi với các đàn anh, vốn là những học sinh cá biệt trong trường nên hay tìm đến Tùng “xin đểu” tiền để tiêu vặt. Nhiều lần, Tùng không có tiền liền bị Quân cùng các “đại ca” thẳng tay tát hay đánh khiến cậu học sinh này hậm hực tìm cách trả thù.

Sau một lần bị Quân chửi bới và tiếp tục dùng bạo lực để trấn lột tiền, Tùng đã thủ sẵn một con dao từ nhà rồi đâm liên tiếp bạn cùng lớp. Hậu quả là Quân chết trên đường đi cấp cứu, còn Tùng bị bắt khi mới 16 tuổi, 1 tháng.

Khi HĐXX hỏi Tùng: “Tại sao sự việc diễn ra lâu như vậy mà bị cáo không trình báo và thưa với nhà trường, cô giáo để ra nông nỗi này?”. Tùng khóc thưa: “Dạ, bị cáo sợ bị đánh, sợ Quân sẽ không để yên nên bị cáo đã không thưa với cô giáo và nhà trường”.

Kết thúc phiên tòa, Tùng bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù. Vậy là một phút giây bồng bột của cậu học sinh lớp 10 đã phải trả giá bằng một bản án tuy không phải là dài nhưng cũng đủ khiến Tùng bỏ lỡ nhiều cơ hội của cuộc đời mình so với bạn bè cùng trang lứa.

Chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng… dao

Cũng mới đây, phiên tòa xét xử Vũ Văn Hiếu tại TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đông nghẹt người, trong đó không ít học sinh còn đeo khăn quàng đỏ. Chỉ bởi một phút “yêng hùng” thiếu suy nghĩ của chính bị cáo, đã khiến Hiếu phải hầu tòa, cùng với đó là nỗi đau không thể bù lấp của gia đình các nạn nhân.

Theo cáo trạng, vào giờ tan học ngày 14/3/2012 tại cổng trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Bà Rịa – Vũng Tàu), sau khi nghe Thảo gọi điện báo Hậu (em ruột của Hiếu) bị nhóm của Dương Quốc Công (anh ruột của Dương Quốc Lợi-người bạn cùng trường với Hậu) đón đánh. Hiếu xách dao đi để “xử” những người dám đụng tới em của mình.

Gặp nhóm của Công ngay tại cổng trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Bà Rịa), Hiếu chẳng ngần ngại và cũng chẳng cần biết đầu đuôi câu chuyện như thế nào bèn cầm dao đâm Trần Quốc Tĩnh liên tiếp 3 nhát làm Tĩnh chết trên đường đi cấp cứu. Chưa dừng lại, Hiếu tiếp tục đâm Lê Thiện Thông làm Thông bị thương 21%. Chỉ trong chớp mắt, Hiếu đã gây ra án mạng và làm bị thương một người khác khiến ai nấy đều phải rùng mình bởi bị cáo vẫn còn đang là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường và chưa tròn 18 tuổi.

Tại tòa, bà Tuyết (mẹ Hiếu) tỏ ra vô cùng xót xa. Người mẹ tội nghiệp đó chỉ mong pháp luật nương nhẹ cho tội lỗi của con trai. Bà nức nở: “Hôm đó, thấy nó lẳng lặng đi ra khỏi nhà, tôi đâu ngờ nó lại đi chém con người ta. Tôi vẫn dạy hai anh em nó phải phấn đấu học hành cho tốt mà ai ngờ hôm nay lại phải chứng kiến con mình thành người tù tội”.

Sau cùng, Hiếu xin lỗi gia đình bị hại và tỏ ra ân hận rất nhiều vì đã thiếu kiềm chế lúc thiếu suy nghĩ. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hiếu 18 năm tù giam. Một bản án dài dằng dặc cho Hiếu có lẽ sẽ còn khiến thanh niên này suy nghĩ nhiều nữa về tội lỗi của mình.

Các em thiếu một kỹ năng sống cần thiết

Trên đây chỉ là hai vụ trọng án mà bị cáo vẫn còn là học sinh gây ra khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Nhìn nhận về vụ án do trẻ vị thành niên gây ra trong thời gian gần đây, Luật sư - Nhà tâm lý Trần Thị Minh Hương (Trung tâm Tư vấn pháp luật và tâm lý, tình cảm Minh Hương - Hà Nội) thẳng thắn đưa ra quan điểm: Chuyện những thanh thiếu niên còn chưa đủ tuổi vị thành niên bị những cám dỗ của cuộc sống hiện đại như game bạo lực, phim ảnh hành động có nội dung tương tự và đặc biệt là thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống trong xã hội hiện nay rất nhiều. Điều đáng buồn ở chỗ chính từ những “lỗ hổng” đó đã dẫn các em đến những hành động bồng bột thiếu suy nghĩ, thậm chí manh động như dùng dao giết người, cướp tài sản, giở trò đồi bại…đã không còn là chuyện hy hữu khiến cả xã hội đều đang lên án mạnh mẽ.

Thật tiếc vì các em đã không được gia đình, nhà trường trang bị kiến thức cần và đủ về kinh nghiệm, kỹ năng sống để các em nhận biết được “cạm bẫy”, những hành vi sai trái và vi phạm pháp luật. Rằng, nếu các em hành động như vậy, các em sẽ phải trả giá bằng chính tương lai của mình.

Chính việc thiếu những kiến thức xã hội thực tế đã tạo nên một bộ phận thanh thiếu niên sống thực dụng, sa đà vào tệ nạn xã hội và không đủ bản lĩnh ứng phó trước các tình huống xấu. Kẻ gây án sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng dù vậy cũng không thể xoa dịu được những tổn thương, sang chấn nặng nề trong tâm hồn các nạn nhân, và sau đó là nỗi đau của cha mẹ, họ hàng. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận một cách rõ ràng và quyết liệt hơn trong việc giáo dục, định hướng cho các em khi bước vào tuổi trưởng thành mới mong có thể giảm thiểu những vụ án đau lòng như thế!”.

PLVN
Tag: Học sinh giết người , Trọng án , Án mạng , Tội phạm trẻ hóa , An ninh hình sự , Tòa án lương tâm , Tòa tuyên án