Có thông tin cho rằng, những đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn mà người ta vẫn nhìn thấy trên đoạn đường quốc lộ thuộc địa bàn huyện Bến Lức là do có người thuê từ Campuchia.
Thân phận những đứa trẻ sơ sinh theo người lớn đi ăn xin |
Quá trình tìm hiểu vấn đề này, phóng viên biết được thông tin, sở dĩ, những đứa trẻ vừa mới cất tiếng khóc chào đời chưa được bao lâu ấy, có thể chịu đựng được cái nắng, cái gió khắc nghiệt, là do chúng được cho uống một loại lá cây "thần kỳ". Bài thuốc gia truyền ấy giúp cho các trẻ sơ sinh ngủ thin thít trên tay các anh, chị lớn hơn mà không hề đòi bú sữa mẹ cả ngày trời...
"Thần dược dầm mưa, dãi nắng" giá 50 nghìn đồng?
Để biết được nơi ăn ngủ của nhóm trẻ ăn xin người Campuchia nói trên, theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến chợ Bến Lức (tỉnh Long An). Có mặt tại chợ Bến Lức, nhiều tiểu thương cho biết: "Đã hai năm trôi qua, tối nào chúng tôi cũng thấy đám trẻ da đen, gầy nheo nhóc dắt díu nhau về chợ nằm ngủ trên các sạp bán hàng. Nhiều hôm trời lạnh, muỗi bu kín, nhưng kỳ lạ là chúng vẫn ngủ rất ngon lành. Thấy đám trẻ chịu quá nhiều cực nhọc, trong khi tuổi còn quá nhỏ, chúng tôi không khỏi xót thương. Chỉ vì tiền mà bố mẹ chúng nhẫn tâm để con mình nhịn đói, rét mướt, mưa nắng kiếm tiền trên những đoạn đường có quá nhiều nguy hiểm".
Những đứa trẻ sơ sinh được bé lớn hơn bồng bế làm dụng cụ ăn xin
Chị X. (một tiểu thương tại chợ Bến Lức) cho biết: "Những đứa bé sơ sinh được mẹ của chúng ẵm vào khu nhà trọ bí mật nào đó sau một ngày dài phơi mưa, phơi nắng. Tuy nhiên, điều khiến mọi người không khỏi thắc mắc, là không hiểu vì lý do gì, những đứa trẻ sơ sinh ấy lại có thể chịu đựng được cái nắng gắt, mưa dầm dề nhiều tháng liên tiếp, mà không hề đau ốm, hay thậm chí là chẳng bao giờ thấy chúng khóc. Từ sáng tới tối, những đứa trẻ sơ sinh ngủ thin thít trên tay những đứa lớn hơn. Trong khi, con cái mình sinh được cả năm trời không cho đi ra ngoài mà còn năm ngày ba tật".
Để giải đáp những thắc mắc trên, chúng tôi đã tìm gặp chị N. (một người bán hàng ngay ngã tư nơi đám trẻ người Campuchia ăn xin). Tại đây, chị N. cho biết: "Mình đã nghèo mà nhìn đám trẻ con ăn xin ở đoạn đường này còn khốn khổ hơn. Thấy các cháu quá tội, nên tôi thường cho các cháu ghé vào căn phòng trọ rách nát của mình nghỉ ngơi mỗi khi quá mệt".
Chị N. tiết lộ thêm: "Những người phụ nữ lớn tuổi dẫn các cháu đến đây ăn xin là mẹ, là hàng xóm của tụi trẻ. Vì nhận được những đồng lương quá bèo bọt từ công việc may vá thuê, nên họ đã rủ nhau dẫn con mình vượt biên đến đây ăn xin. Xót hơn cả là trong số trẻ sơ sinh được mấy đứa lớn đeo trên người đi ăn xin, có một vài bé chỉ mới được 15, 17 ngày tuổi cũng làm "nhiệm vụ kiếm tiền" chẳng khác nào một người lớn. Theo một người mẹ chăn dắt đám trẻ ăn xin này tiết lộ, sở dĩ những đứa trẻ sơ sinh ấy không khóc, ngủ thin thít cả ngày và không bị ốm đau dù chang nắng, chang mưa là vì chúng được mẹ cho uống một loại lá cây gì đó".
Chị N. còn cho biết: "Theo họ, tác dụng "thần kỳ" của cây thuốc nói trên cho biết, trẻ sơ sinh chỉ cần uống một thang trị giá 50 ngàn đồng trong vòng 15 ngày là có thể yên tâm ra đường mà không sợ bị ốm đau. Vì hay nói chuyện và quý mến, người mẹ này mới tiết lộ về bài thuốc này. Vì chỉ bên Campuchia mới có, nên chị ấy nói khi nào có dịp về Campuchia sẽ mua cho tôi một thang thuốc "quý hiếm" này. Thấy có vẻ "kỳ bí", chúng tôi ngỏ ý nhờ chị N. nói người mẹ Campuchia ấy mua giùm thang thuốc. Tuy nhiên, chị N. cho biết, người phụ nữ người Campuchia ấy rất ít tiếp xúc với người lạ vì sợ bị lộ bài thuốc gia truyền".
Vừa xóa sổ đã "tái xuất giang hồ"
Ngoài những tiết lộ gây sốc của chị N., chúng tôi không khỏi bất ngờ trong cuộc trao đổi với ông Đào Bá Lộc, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức. ông Lộc cho biết: Trước đây, không chỉ có trẻ em mà cả những thanh niên, người già từ Campuchia sang và đi đến từng nhà xin ăn. Tuy nhiên, do quá quen mặt nên người dân địa phương nhất quyết không cho. Để từ đó họ ý thức được việc làm sai trái của mình. Riêng đám trẻ con đứng trên quốc lộ ăn xin, chính quyền địa phương chỉ gom được những đứa bé trực tiếp đi ăn xin, chứ không thấy bóng dáng của những người chăn dắt. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc người lớn đứng đằng sau chăn dắt và "đào tạo" những đứa trẻ ăn xin này.
Biên bản bàn giao nhóm trẻ người Campuchia ăn xin của cơ quan chức năng
Theo ông Lộc, mặc dù biết nói tiếng Việt, nhưng nhóm trẻ người Campuchia này được căn dặn, không được nói mỗi khi bị cơ quan chức năng thu gom. Chính vì vậy, chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc nắm bắt những sự thật phía sau những đứa trẻ này. Mỗi lần đi thu gom đám trẻ ăn xin, địa phương phải nhờ một cán bộ công an huyện biết nói tiếng Campuchia để ghi tên, lập biên bản báo cáo lên cấp trên. Điều đáng nói là theo thông tin từ những đứa trẻ ăn xin khai rằng báo với cơ quan chức năng, thì các bé sơ sinh mà người ta vẫn thấy được bồng bế đi ăn xin, là do những người lớn thuê từ Campuchia sang để góp "màn kịch" nghèo đói, khổ sở.
Trả lời về việc không thể giải quyết dứt điểm nhóm trẻ ăn xin nói trên, ông Lộc chia sẻ: "Vốn dĩ, việc thu gom trẻ ăn xin bàn giao cho các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Mộc Hóa đã khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Bởi mọi chi phí đi lại, ăn uống cho nhóm trẻ này, chính quyền phải bỏ ra. Đó là chưa kể đến phải có lực lượng đông mới có thể thu gom trẻ vào ban đêm. Chúng tôi cũng ngạc nhiên là có một số trường hợp chúng tôi bàn giao xong không bao lâu lại thấy chúng "tái xuất giang hồ".
Theo ông Lộc, việc lợi dụng trẻ nhỏ để kiếm tiền từ việc ăn xin nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Nhưng do đây là trẻ em của nước ngoài, nên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của hai bên thì câu chuyện này rất khó có thể giải quyết một cách triệt để được. Hơn thế nữa, để bảo vệ những đứa trẻ tội nghiệp này, thì bản thân những người sinh ra các cháu phải ý thức được những nguy hiểm, vất vả mà con mình gặp phải, khi tham gia vào công việc ăn xin trên các tuyến đường quốc lộ.
Vẫn tăng, không giảm
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ công an xã Thạnh Đức (huyện Bến Lức) cho biết: "Hai năm nay, công an xã đã tiến hành thu gom 2-3 lần, nhưng thu gom xong chưa được bao lâu lại thấy đám trẻ xuất hiện trở lại. Điều đáng nói là số lượng trẻ người Campuchia sang xin ăn ngày càng nhiều, khiến người đi đường cũng hết sức khó chịu".
Những tuổi thơ bị tước đoạt
Chia sẻ về tình trạng chăn dắt trẻ ăn xin hiện nay, tiến sỹ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, Giám đốc công ty Tâm lý Việt cho hay: "Xuất phát từ nhu cầu sinh tồn và mức sống chênh lệch, hiện nay có không ít người đã sử dụng trẻ em để làm công cụ phục vụ cho việc kiếm tiền. Không những vậy, hành động sử dụng những đứa trẻ sơ sinh để ăn xin không chỉ coi thường mạng sống, sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này. Gắn bó với việc ăn xin từ bé, những đứa trẻ ấy đã đoán định được tương lai không lối thoát của mình. Đây là một vấn đề rất đáng báo động mà các cơ quan chức năng cần phải xử lý một cách triệt để, để bảo vệ quyền lợi của trẻ em".
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?