Người Hà Nội xưa có câu "Gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã" để chỉ về những làng nghề bậc nhất đất Kinh Kỳ.
Những sản phẩm của một số làng nghề nức tiếng đất Hà Thành |
Kỳ 4: Làng nghề và những cái nhất
Đến với Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi, du khách không chỉ ấn tượng về một Hà Nội 36 phố phường, những ngôi chùa, những cung đường, con phố đậm chất rêu phong cổ kính, mà hơn hết trên đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống cho người dân mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Bằng sức lao động cần cù, tài năng khéo léo, những ngươi thợ thủ công đã làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa tinh xảo để phục vụ cho dân chúng Kinh Kỳ và những vùng lân cận. Làng nghề truyền thống đến nay đã bị mai một bởi nhịp sống tất bật của phố phường Hà Nội, tuy nhiên, nó vẫn giữ trong mình vẻ nguyên sơ, tinh hoa nhất của nghề. Hãy cùng chúng tôi khám phá một số làng nghề độc đáo trên đất Hà Thành.
Đại Yên – Làng nghề thuốc Nam lâu đời nhất Thăng Long
Có lịch sử phát triển hơn 1.000 năm, nghề thuốc Nam của làng Đại Yên là làng nghề duy nhất chuyên cung cấp các loại thuốc đông dược cho toàn địa bàn. Trước kia trong làng, nhà nào cũng trồng cây thuốc Nam, người dân tự hào về truyền thống nghề của cha ông. Hễ đi đâu trên đất Hà Thành cứ có người bán lá thuốc Nam thì đó là người dân của làng họ.
Một người dân trong làng Đại Yên vẫn theo nghề, tỉ mẩn nhặt từng lá thuốc Nam
Người xưa vẫn nói nghề thuốc Nam chỉ hợp với đàn bà con gái bởi nó mát mẻ, nhẹ nhàng, cũng vì thế mà hiện nay người làm nghề ở làng đa phần là phụ nữ. Đi khắp các chợ Hà Nội ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Đại Yên tần tảo bên gánh hàng đủ loại dược liệu, thuốc Nam và một số đồ dùng gia vị trong bữa ăn hàng ngày.
Từ rất nhỏ những đứa trẻ trong làng đã được làm quen với lá thuốc nam, chúng biến cách học phân biệt lá thuốc nam này thành những trò chơi, lên 8 – 9 tuổi là đã biết đi xa nhà để cắt lá thuốc nam đem về sao lên để mẹ đem ra chợ bán.
Nét độc đáo là cách chữa bệnh của làng nghề Đại Yên, họ bắt mạch và kê đơn thuốc theo lời kể triệu trứng bệnh từ người bệnh. Hiện tại, do ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa, làng nghề Đại Yên đã “thay da đổi thịt”, nhà cửa khang trang hơn, rộng đẹp hơn, số hộ gia đình theo nghề thuốc nam gần như “vắng bóng”, trong làng chỉ còn một số hộ gia đình theo nghề, vẫn trồng lá thuốc nam để chữa bệnh cho người dân trong làng.
Định Công – Làng nghề kim hoàn thăng trầm đất Thăng Long
“Làng anh có nghề kim hoàn
Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay”
Làng Định Công thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ xa xưa đã rất nổi tiếng với nghề kim hoàn (vòng vàng). Theo truyền thuyết, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) ở làng Định Công có ba anh em họ Trần: Trần Hòa Trần Điện, Trần Điền. Nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó, nên họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là "kim hoàn" (vòng vàng). Những đồ trang sức họ làm ra rất tinh xảo, vì thế dân chúng khắp nơ rất yêu và tin dùng đồ trang sức của họ làm ra. Vì vậy, họ đã dạy nghề cho tất cả người dân trong làng. Từ đó làng Định Công đã trở thành làng nghề chuyên làm về kim hoàn truyền từ đời này qua đời khác. Nghề kim hoàn hay còn gọi là nghề đậu bạc (Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức.). Đây là một nghề khó đòi hỏi tính kiên trì cao, tỉ mẩn để gắn kết những sợi bạc nhỏ li ti như những sợi chỉ thành các chi tiết lớn, sau đó ghép vào với nhau để tạo thành những khuôn hình.
Một số trang sức sau khi thành sản phẩm, được làm từ những thanh bạc thô sơ
Những sợi chỉ vàng, bạc mỏng manh lại chính là nguồn cảm hứng sáng tạo nên những hoa văn, họa tiết tinh tế, đa dạng các sản phẩm của người thợ kim hoàn.
Trước thế kỷ 20, Định Công là làng nghề nổi tiếng khắp cả nước và nức tiếng nhất đất Kinh Kỳ với nghề kim hoàn. Nhưng bắt đầu từ năm 1964, do nhiều biến cố lịch sử, công việc làm đậu bạc của người dân trầm xuống và làng nghề dần mai một đi. Hiện tại, trên phố Hàng Bạc vẫn còn một số cửa hàng lưu giữ và giới thiệu sản phẩm đậu vàng, bạc do chính bàn tay của người thợ kim hoàn làng Định Công làm ra.
Người thợ kim hoàn cần cù, tỉ mẩn gắn kết hàng nghìn chi tiết nhỏ để tạo thành một sản phẩm
Tới làng Định Công hôm nay, hiếm hoi lắm mới có một vài gia đình còn theo nghề, cũng bởi yêu cái đẹp trên từng thớ bạc, say những ánh nhìn của khách hàng khi chiêm ngưỡng sản phẩm đậu bạc mà những người thợ kim hoàn trong làng có thêm động lực để theo nghề. Mong rằng đến một ngày không xa, những thế hệ trẻ của làng lại theo nghề và tạo ra nhiều sản phẩm nức tiếng.
Ngũ Xã - Làng nghề đúc đồng nổi tiếng nhất Hà Nội
Làng đúc đồng Ngũ Xã (nằm bên bờ hồ Trúc Bạch phía Tây Hà Nội) có một lịch sử hình thành khá lâu đời, đến nay đã gần 500 năm tuổi. Theo sử sách ghi lại: Vào khoảng đời Lê (1428-1527), dân của 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Điện Tiền và Đào Viên mà tên nôm là các làng Hà, Rồng, Dí Thượng, Dí Hạ…) thuộc huyện Văn Lâm - Hưng Yên và huyện Thuận Thành - Bắc Ninh ngày nay, vốn có nghề đúc đồng đã về kinh thành Thăng Long để lập trường đúc tiền và đồ thờ. Tại đây, họ đã sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng làng mới trên đất Thăng Long và lấy tên Ngũ Xã, có nghĩa là 5 làng để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình.
Miệt mài chạm trổ những hoa văn, họa tiết trên những sản phẩm bằng đồng
Nghề đúc đồng Ngũ Xã được xếp vào 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa. Thành công của người Ngũ Xã khi đúc đồng chính ở bàn tay khéo léo, thông minh, đôi mắt tinh anh, và đức tính cẩn trọng. Nghề đúc đồng được truyền tụng qua nhiều đời và bí quyết ở các khâu như làm khuôn, nấu đồng, rót đồng thành sản phẩm.
Ngũ Xã nức tiếng cả nước bằng việc đúc đồng những pho tượng phật, những bức tượng phật có mặt ở nhiều đình chùa trong cả nước. Pho tượng Phật A Di Đà ở chùa Thiền Quang nằm gần Ngũ Xã cao 3,95m không có một thông số sai sót nào. Ngoài ra làng còn có một số tác phẩm nổi tiếng như tượng Trấn Vũ bằng đồng đen, được trưng bày tại đền Quán Thánh, chuông chùa Một Cột…
Cái “hồn” của làng Ngũ Xã đến nay đã không còn nữa, những lò rèn, tiếng đập sắt của của người thợ nay đã không còn nữa, giờ Ngũ Xã đã thành phố, không còn hiện lên một làng nghề nức tiếng. Hiện nay vẫn còn “lác đác” những gia đình theo nghề. Họ chỉ làm những mặt hàng thủ công cỡ nhỏ như: Lư đồng, mâm đồng, chuông đồng…
Bát Tràng – Làng gốm cổ nhất Hà Nội
Làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm cách trung tâm TP. Hà Nội 15km. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì làng nghề được hình thành từ thế kỷ 15. Trong hơn 600 năm tồn tại và phát triển, nhiều nghệ nhân của làng nghề đã làm ra những sản phẩm có giá trị cao, tạo lập danh tiếng của làng vang xa khắp cả nước. Nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, chùa, miếu mạo còn đến nay vẫn còn ghi tên tuổi người cúng tiền cùng thời gian chế tác, điều này cho thấy những đồ gốm của Bát Tràng rất đẹp và bền.
Sản phẩm của làng nghề Bát Tràng được bày bán nhiều nơi trong cả nước
Từ xưa, dân Bát Tràng đã sống bằng nghề gốm sứ. Đất sét là nguyên liệu chính làm nên những sản phẩm Bát Tràng chất lượng, để có được nguyên liệu tốt, người dân Bát Tràng phải đi mua tất từ làng Cổ Điển bên (Vĩnh Phúc), hoặc làng Dâu (Bắc Ninh). Không chỉ chế tác những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Lộc bình, Tranh đất, Lư, Đính, Đèn thờ..., những đồ dùng hàng ngày tiện ích như: Cốc chén, bát đĩa… mà làng còn làm ra những sản phẩm gạch trang trí cao cấp… Làng Bát Tràng nổi tiếng với những đồ men, sứ cao cấp, không chỉ thu hút được khách hàng trong nước mà còn cả du khách quốc tế. Hiện tại làng nghề thu hút được sự quan tâm và tới tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Có thể nói Bát Tràng vừa là làng nghề gốm sứ vừa là làng nghề du lịch.
Đa dạng những sản phẩm được làm từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Bát Tràng
Giờ đây, gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng đã và đang tiếp tục chinh phục người tiêu dùng, bởi các nghệ nhân Bát Tràng chú ý đến tất cả các mặt tạo nên cái đẹp của đồ gốm sứ. Các nghệ nhân rất chú ý tới quá trình hình thành sản phẩm, từ men, hình dáng, họa tiết… Bởi vậy, thị trường hàng Bát Tràng đã rộng khắp nước, và có một lượng không nhỏ được bán đi các nước Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan...
Tồn tại song song với sự phát triển của các làng nghề thủ công là vấn đề ô nhiễm môi trường, những làng nghề cần được đầu tư và quan tâm hơn từ phía cơ quan chức năng, các nghệ nhân "còn sót lại" này muốn cái “nghiệp” của họ theo được nhìn nhận và đầu tư như một nghề truyền thống, được bảo tồn và phát triển hơn.
Còn nhiều điều rất thú vị, những "cái nhất" ở Hà Nội rất bổ ích mà có thể bạn chưa biết? Đón đọc kỳ 5 vào Thứ 4 (4/7) tới lúc 8h30 trên Xahoi.com.vn. |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?