Chiều 22/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Hạ Nghị viện Ấn Độ (Lok Sabha Television).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+) |
Khi được hỏi về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam và bí quyết thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng các cuộc kháng chiến của Việt Nam đều là chính nghĩa để giành độc lập, tự do và quyền tự quyết.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần có hòa bình để phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã khắc phục hậu quả và vết thương chiến tranh. Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động sức mạnh của toàn dân, huy động mọi nguồn lực kinh tế để phát triển. Đấy chính là bí quyết.
Từ một nước thiếu lương thực, hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh các nguồn lực trong nước, Việt Nam đã có luật về thu hút đầu tư nước ngoài nhằm góp phần phát triển đất nước.
Khi được đề nghị bình luận về mặt trái của tăng trưởng làm gia tăng chênh lệch thu nhập, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam luôn mong muốn có sự công bằng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nổi lên những tầng lớp mới và có phân cấp giàu-nghèo. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm cải thiện mức sống của đa phần người dân, đặc biệt là những người nghèo, và luôn cố gắng làm cho xã hội công bằng hơn thông qua các hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Liên quan đến câu hỏi về vai trò của phụ nữ Việt Nam và sự bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định bình đẳng giới được quy định trong Hiến pháp và được quy định trong luật về bình đẳng giới. Hiện nay, phụ nữ Việt Nam tham gia vào rất nhiều các hoạt động xã hội; tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội chiếm 24,4%. Việt Nam hiện có hai nữ phó chủ tịch quốc hội, một nữ phó chủ tịch nước, ba lãnh đạo nữ trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và có rất nhiều bộ trưởng và thứ trưởng là nữ giới.
Về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quan hệ giữa hai nước cũng như hai quốc hội rất mật thiết. Trong tương lai, mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển và còn nhiều tiềm năng hợp tác, triển khai thực hiện những thỏa thuận đã được ký kết.
Chiều cùng ngày, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tới thăm và nói chuyện thân mật với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Sau khi nghe Đại sứ Nguyễn Thanh Tân báo cáo vắn tắt về các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ Ấn-Việt trong năm qua và chương trình công tác trong năm mới của Đại sứ quán và các cơ quan đại điện Việt Nam tại Ấn Độ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Quốc hội biểu dương những thành tích chung này và cảm ơn Đại sứ quán đã sắp xếp cho đoàn chuyến thăm làm việc rất hiệu quả.
Bà cho biết cũng như những chuyến thăm của các đoàn cấp cao, chuyến thăm của đoàn đại biểu Quốc hội nhằm thắt chặt và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Ấn Độ. Tất cả các chương trình quan trọng của chuyến thăm đều diễn ra tốt đẹp. Đoàn đã được chứng kiến lễ khai mạc kỳ họp của Quốc hội Ấn Độ, được nghe Tổng thống Ấn Độ đọc diễn văn khai mạc kỳ họp, tận mắt chứng kiến không khí nghị trường của Ấn Độ; có cuộc gặp và tọa đàm với Chủ tịch Thượng viện kiêm Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari và Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar.
Hai nhà lãnh đạo Quốc hội Ấn Độ đã có các cuộc trao đổi rất chân tình, cởi mở với đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội Ấn Độ ủng hộ đề nghị của Việt Nam đăng cai Đại hội Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức vào năm 2015, phối hợp và cử đại biểu tham gia các hoạt động liên nghị viện mà Quốc hội Việt Nam dự kiến đăng cai tổ chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo với toàn thể cán bộ, nhân viên Sứ quán và các cơ quan đại diện về một số tình hình trong nước. Bà cho biết, trong năm qua kinh tế Việt Nam và thế giới đều khó khăn. Tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ lạm phát và duy trì được mức tăng trưởng hợp lý. Trong năm qua, Quốc hội đã hoạt động sôi nổi và đạt được nhiều thành công. Năm nay, Quốc hội sẽ tăng cường vai trò giám sát, tăng cường hoạt động đối ngoại, tăng cường ngoại giao nghị viện.
Cũng trong chương trình chuyến thăm, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có cuộc gặp với đại diện Hội Hữu nghị Ấn-Việt; thăm Viện Bảo tàng Quốc hội Ấn Độ và thăm một số di tích văn hóa của Ấn Độ.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?