Nhát dao tội tình của người đàn bà tật nguyền
Thứ hai, 08/10/2012 22:35

Mặc cảm tật nguyền phải sống bám anh em trai cộng thêm việc nhiều lần bị xúc phạm, người chị đã thiếu kiềm chế, gây nên cái chết oan nghiệt cho em mình.

Bị cáo D.T.H tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo D.T.H tại phiên tòa phúc thẩm

Người phụ nữ với mái tóc muối tiêu và đôi chân tật nguyền ngồi trước vành móng ngựa khóc suốt từ đầu đến cuối phiên tòa. Đó là bị cáo D.T.H (SN 1966, ngụ tỉnh Đồng Nai), bị truy tố về tội “Giết người” mà người bị hại trong vụ án là em ruột.

Bi kịch từ rượu

Sinh ra với tờ giấy khai sinh để trống tên cha, rồi mẹ cũng mất sớm, 4 anh chị em bà H. đùm bọc, tự nuôi nhau khôn lớn. Nghề nghiệp bấp bênh, gia cảnh nghèo khó, bao nhiêu năm qua, chưa ai trong số họ lập gia đình dù tuổi đời không còn trẻ. Bà H. là con gái duy nhất trong gia đình, lại tật nguyền, vì vậy anh trai D.V.M, 2 em trai D.V.N và D.V.T để bà ở nhà làm công việc nội trợ, còn họ cố gắng làm lụng lo cái ăn, cái mặc của cả gia đình.

Cuộc sống của anh em bà H. lặng lẽ trôi đi như thế nếu không có những lần quậy phá, những câu mắng chửi cay độc của ông D.V.T sau mỗi lần nhậu say nhắm vào bà H.. Bình thường, ông T. lầm lì, ít nói; rượu vào, ông T. mắng chửi bà H. sa sả, cho rằng bà vô tích sự, lười biếng, không chịu đi làm, là gánh nặng của gia đình… Mỗi lần như thế, bà H. lại nuốt nước mắt tủi thân vào lòng, nhẫn nhịn chịu đựng những lời cay nghiệt từ chính em trai mình. Nhưng rồi, giọt nước tràn ly…

Khoảng 16h ngày 16/9/2011, sau khi ông T. uống rượu về nhà, chị em lại to tiếng với nhau về việc cơm bị cháy. Ông T. không tiếc lời mắng chửi và dọa đánh chị. Trước những lời xúc phạm của ông T., bao nhiêu nỗi bực tức đã kìm nén trước nay ùa về, bà H. vớ lấy chén đĩa ném vào người ông T. nhưng không trúng. Thấy ông T. tiến lại gần, sợ bị đánh, bà H. chụp con dao đâm một nhát trí mạng khiến ông T. ngã gục trên nền nhà và tử vong sau đó.

Đánh mất tình thâm

Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bà H. 6 năm tù về tội “Giết người”. Thương em, ông M. với tư cách đại diện hợp pháp của người bị hại đã làm đơn kháng cáo xin giảm hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H. lắc đầu quầy quậy, nói: “Bị cáo không có đâm em trai... Bị cáo không muốn giết em…”, rồi bật khóc nức nở. Thở dài, đại diện VKSND Tối cao nói: “Bị cáo phải bình tĩnh. Nếu bị cáo khai không đúng sự thật, bản thân bị cáo cũng thấy mình có tội, mà người chết cũng không thể yên nghỉ”. Lúc này, đôi vai bà H. run bần bật rồi gục xuống khóc òa như một đứa trẻ. Không phải bà cố chối tội, bà chỉ không biết phải trình bày làm sao bởi trong thâm tâm, chưa bao giờ bà H. mong muốn giết hại em mình…

Trình bày tại phiên tòa, ông M. cho biết: “T. làm nghề thợ hàn, thường xuyên say xỉn rồi chửi bới H., quậy phá hàng xóm. Ba lần bị công an mời lên làm việc, bị xử lý hành chính nhưng T. vẫn chứng nào tật ấy. Nhiều lần, T. mua xăng về nhà, dọa đốt hoặc mở gas hết cỡ… Bị xúc phạm nhiều lần, H. mới mất bình tĩnh, gây nên tội. Mong quý tòa xem xét giảm án vì H. bị tật nguyền, không tự lao động được, sống ở ngoài đã vất vả, huống chi giờ phải thụ án trong trại giam…”.

Trước khi kết thúc phần xét hỏi, vị chủ tọa nói: “Anh chị em sống cùng một nhà, mâu thuẫn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhưng máu mủ ruột rà, phải biết chín bỏ làm mười mà cư xử cho có tình. Người bị hại sai vì hay say xỉn, thiếu sự cảm thông, yêu thương người chị chẳng may bị tật nguyền. Nhưng nếu bị cáo bình tĩnh để cư xử khác đi đã không gây nên bi kịch đắng cay như hôm nay…”.

Phiên tòa khép lại. Đi theo em gái ra tận xe tù, với một khoảng cách cho phép nhất định, người anh trai nghẹn ngào dặn với theo: “Ráng giữ gìn sức khỏe, anh và N. sẽ thường xuyên đi thăm nuôi…”. Đôi mắt đỏ hoe, bà H. khó nhọc bước đi cùng người cảnh sát dẫn giải. Có những lỗi lầm không thể sửa đổi, cho dù phải trả giá bằng những năm tháng tù tội hay những giọt nước mắt ăn năn hối lỗi.

Y án sơ thẩm 6 năm tù

HĐXX nhận định bị cáo không được học hành nên nhận thức kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị tật nguyền, người bị hại có phần lỗi. Mức án 6 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội và hành vi của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ mới, vì vậy, tòa bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

NLĐ
Tag: Tòa tuyên án , Phúc thẩm , Giết người , Đâm dao , Án mạng , Đồng Nai