Nhà thu nhập thấp "cố thủ" giữ giá
Thứ hai, 16/04/2012 15:18

Chung cư Hà Nội đã giảm giá đến 50% so với thời hoàng kim nhưng vẫn ế ẩm. Ngược lại, nhà tại các dự án dành cho người thu nhập thấp ngay từ đầu bị kêu là đắt đỏ, khó bán, vẫn "cố thủ" giữ giá.

Chị H. một người mua nhà dành cho người thu nhập thấp (TNT) tại dự án Viglacera Đặng Xá ngán ngẩm “Ai cũng tưởng mua được nhà thu nhập thấp thì mừng. Nhưng bây giờ nhà thương mại tại Hà Nội giảm giá 50% so với đỉnh cao cuối năm 2010 và đầu năm 2011 nhưng nhà thu nhập thấp vẫn giữ giá. So sánh với nhà thương mại thì giá nhà thu nhập thấp ở thời điểm mở bán đã không rẻ hơn bao nhiêu, mà lại quá xa trung tâm, chịu đủ mọi điều kiện khắt khe, không được bán trong 10 năm đầu nhận nhà. So với giá thị trường hiện giờ, nhà TNT đắt hơn rồi".

"Vì không mặn mà nên nhân viên thu tiền đã gọi điện thúc giục 5 lần bảy lượt rồi nhưng tôi vẫn chưa xoay đủ tiền đóng đợt này”, khách hàng mua nhà TNT này nói.

Anh Hải, một người đã ký hợp đồng mua nhà TNT cho biết, “Đợt đầu đăng ký mua nhà, chủ dự án thông báo "cháy" hồ sơ, chật vật lắm tôi mới mua được. Đợt 2 chủ đầu tư duyệt được 600 hồ sơ đủ điều kiện mua, nhưng chỉ có khoảng một nửa số đó đến đăng ký bốc thăm. Thậm chí bốc thăm xong cũng còn có người bỏ, không mua. Những người bỏ cuộc ngay từ đầu đã chê nhà TNT mà giá đắt so với giá thị trường lúc bấy giờ. So với nay thì càng đắt. Nhưng trót mua rồi thì chịu vậy”.

Ngay từ tháng thời điểm tháng 9/2011, khi người dân đủ điều kiện mua nhà tại dự án Sài Đồng phản ứng không muốn ký hợp đồng mua nhà tại dự án này với mức giá họ cho là cao 13,24 triệu đồng/m2, Hà Nội đã giao Sở Tài chính chủ trì xây dựng giá bán nhà TNT theo quy định, nếu phát sinh đơn giá thi công thì thực hiện điều chỉnh theo đúng quy trình, quy định về xây dựng cơ bản và công khai để người dân được biết.

Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng phải đề xuất các giải pháp giảm giá thành xây dựng nhà TNT.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc tìm cách giảm giá nhà TNT cũng mới chỉ nằm ở ý muốn và giá bán vẫn giữ nguyên bất chấp có chủ đầu tư đã phải liên tục thông báo mở bán đến lần thứ 5,6 nhằm cố gắng tiêu thụ các căn hộ còn dư thừa.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội lên Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, UBND TP đã phê duyệt 8 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố với khoảng 6.734 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.436 người.

Trong đó có khoảng 800 căn tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; khoảng 1.000 căn tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm) do Viglacera làm chủ đầu tư; 200 căn tại khu nhà ở Đại Mỗ (Từ Liêm) do Viglacera làm chủ đầu tư và hơn 860 căn tại khu Kiến Hưng (quận Hà Đông) của Tổng công ty Vinaconex… Hiện nay, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao khoảng 3.000 căn hộ cho các đối tượng thuộc diện được mua.

Cơ quan này thừa nhận việc tiếp cận nguồn vốn vay và hạn mức cho vay đối với các dự án xây nhà ở cho người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Xây dựng đề nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Quyết định 67QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để giảm giá bán căn hộ.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang chủ trì việc thanh tra 6 dự án nhà TNT ở Hà Nội, nội dung thanh tra tập trung xem xét việc hiện chính sách pháp luật, đầu tư xây dựng nhà ở TNT theo nghị quyết của Chính phủ, cơ chế phân phối, đầu tư xây dựng công trình, chất lượng... Đặc biệt, kiểm tra giá nhà TNT, vì theo phản ánh thì giá nhà TNT còn cao. Đoàn thanh tra sẽ xem xét nếu có thể giảm được chi phí gì thì sẽ đề xuất với Chính phủ, để có thể kéo giá xuống thấp hơn. Vì vậy, người mua nhà tại các dự án dành cho người TNT mới có chút hy vọng được mua nhà giá ưu đãi đúng nghĩa.

VnMedia
Tag: Nhà thu nhập thấp , Dự án Sài Đồng , Dự án Viglacera Đặng Xá , Mua nhà giá rẻ , Mua nhà thu nhập thấp , Bất động sản