Nguy cơ nhiễm hóa chất từ rau ngót, rau muống và rau mùng tơi
Thứ năm, 08/10/2015 10:19

Trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cuối tuần qua tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm định lượng xác định  tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, độc với con người) của nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm Chợ Dịch Vọng Hậu, Chợ Minh Khai, Chợ La Khê, Chợ Long Biên, Chợ đầu mối Đền Lừ, Chợ đêm Hợp tác xã Văn Quán.

Thời gian lấy mẫu khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến 12/2014. Kết quảcho thấy: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%). 

Mô tả ảnh.

Ảnh minh họa.

Trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nêu trên, người dân Hà Nội có xu hướng tìm về vùng quê để sử dụng nguồn rau sạch đang được trồng tại các địa phương, ông Lâm Quốc Hùng- Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, cho biết: Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi chưa nhận thấy có mối liên hệ nào về việc rau ở Hà Nội ô nhiễm hơn rau các địa phương khác.

Minh chứng về điều này ông Hùng thông tin, trong số 40 mẫu rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác.

Ông Lâm Quốc Hùng cũng cho biết: Việc người dân được sử dụng rau sạch hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người kinh doanh rau.

Do vậy thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò của người kinh doanhrau, nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong quan sát, đánh giá ban đầu của đội ngũ kinh doanh rau, trước khi rau được lưu hành trong các chợ, sạp hàng và tới tay người tiêu dùng.

Được biết, hàm lượng thuốc BVTV nếu có lượng tồn dư quá cao trong rau quả, rau nhiễm hóa chất là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc, có thể gây rối loạn thần kinh T.Ư, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. 

Để an toàn, người tiêu dùng nên mua các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng, hình thức đúng như đặc tính giống của nó; nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn….

Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP cũng khuyến cáo: Khi chế biến tại gia đình, tất cả các loại rau cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến đế tránh rau nhiễm hóa chất. Nếu phát hiện rau có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc.

Khoevadep.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Rau nhiễm hóa chất , nhiễm hóa chất từ rau ngót , rau muống và rau mùng tơi