Nguy cơ mất hạnh phúc và quyền nuôi con sau lần giận chồng bỏ nhà đi
Thứ bảy, 06/09/2014 13:16

Chỉ vì muốn làm mình làm mẩy với chồng, cô vợ trẻ đang đứng trước nguy cơ tay trắng, mất chồng, mất luôn cả quyền được nuôi con.

Nguy cơ mất quyền nuôi con sau lần giận chồng bỏ nhà đi (Ảnh minh họa)

Nguy cơ mất quyền nuôi con sau lần giận chồng bỏ nhà đi (Ảnh minh họa)

Chỉ vì muốn làm mình làm mẩy với chồng, cô vợ trẻ đã dại dột bỏ nhà ra đi. Lúc mới bỏ đi, cô cứ chờ chồng đến đón về, ai ngờ “cái sảy nảy cái ung”, đã hơn 4 tháng trôi qua cho đến giờ cô không còn đường lùi nữa. Lo ngại hơn, cô đang đứng trước nguy cơ tay trắng, mất chồng, mất luôn cả quyền được nuôi con.

Chuyện bé xé ra to...

5 năm trước, trong thời gian làm công nhân ở Khu công nghiệp Sài Đồng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), cô gái Nguyễn Thị Thanh Vân (29 tuổi, quê Hà Nam) đã kết hôn với một chàng trai sống ở quận Long Biên. Sau khi cưới, vợ chồng Vân sống cùng gia đình chồng. Chưa đầy nửa năm sau đó thì Vân sinh một cậu con trai, đến nay thằng cu đã hơn 4 tuổi. Từ khi sinh con, việc chăm sóc nuôi dưỡng thằng bé hầu như do cha mẹ chồng Vân giúp đỡ. Mẹ chồng Vân rất khó tính, hay xét nét con dâu và luôn tỏ ý miệt thị Vân là “đồ nhà quê”, “ăn bám chồng” dù Vân cũng chịu khó đi làm công ăn lương đàng hoàng. Điều này khiến Vân nảy sinh ác cảm với mẹ chồng, hai mẹ con luôn trong tình trạng “chiến tranh lạnh”.

Từ năm con trai được 2 tuổi, Vân đã chủ động xin ăn riêng, để tránh chung đụng, va chạm với mẹ chồng. Chồng Vân biết chuyện không đồng ý, khuyên Vân chiều mẹ già một chút là yên ổn. Nhưng Vân quyết mình phải sống tự lập, sinh hoạt riêng rẽ. Dù vậy hàng ngày con trai Vân vẫn ăn ở, sinh hoạt bên nhà ông bà nội. Vợ chồng Vân thì bữa trưa ăn tại chỗ làm, chỉ tối mới về nấu ăn ở nhà.

mat-quyen-nuoi-con-vi-bo-nha-di-2

Cô vợ trẻ đang đứng trước nguy cơ tay trắng, mất chồng, mất luôn cả quyền được nuôi con (Ảnh minh họa)

Trưa một ngày chủ nhật cuối tháng 4/2014, trong căn bếp chật hẹp chỉ có Vân và mẹ chồng cùng nấu nướng nhưng không ai nói với ai câu nào. Loay hoay một lúc Vân không tìm thấy cái khăn lau đâu nên cô nói trống không: “Con chó lại tha cái khăn đi đâu rồi không biết?” Không may cho cô, đúng lúc đó mẹ chồng bước vào, cầm cái khăn trên tay. Bà lu loa chửi bới Vân không tiếc lời, mặc cho Vân thanh minh, giải thích thế nào bà cũng không nghe. Rồi gọi điện báo cho chồng Vân, các chị chồng đến để kể lại sự việc, yêu cầu mọi người phải về để họp gia đình.

Chồng Vân là người khó xử nhất khi phải đứng giữa bà mẹ khó tính và cô vợ cứng đầu. Anh là người có hiếu với mẹ nên thuyết phục được mẹ hiểu rằng Vân chỉ vô tâm, không suy nghĩ kín kẽ chứ không đời nào dám láo hỗn với mẹ. Khi bà mẹ tạm nguôi giận, anh lại vào vai người chồng yêu vợ nhẹ nhàng khuyên bảo vợ chịu khó chiều mẹ, xin lỗi mẹ một câu là xong. Nhưng Vân nhất định không xin lỗi và ương bướng cho rằng mình không có lỗi; chưa kể mẹ còn đổ oan cho cô hỗn láo và tổ chức họp gia đình như vậy là xúc phạm đến cô, sau đó Vân vẫn tiếp tục làm mình làm mẩy, chuyện bé xé ra to, bù lu bù loa khóc lóc và tự ý bỏ nhà ra đi.

Tưởng rằng làm vậy chồng sẽ phải chạy theo kéo lại, ai ngờ anh lặng thinh và còn cảnh báo một câu: “Cô có chân đi thì phải có chân về. Nhưng chắc chắn lúc về không dễ dàng như cái cách cô đi đâu nhé!” Tiếng “cô” đầu tiên Vân được nghe từ miệng chồng khiến cô bàng hoàng. Đã thế thì “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Vân gọi điện khóc lóc, kể lể thông báo việc phải bỏ nhà ra đi đến tất cả anh em, người thân trong gia đình và không quên kèm theo lời nhờ vả: “Mọi người gọi điện cho anh ấy mà hỏi xem đã làm gì nên nỗi vợ phải bỏ nhà ra đi khi con còn nhỏ như thế? Làm gì cũng phải nghĩ cho con chứ...”. Quả đúng như kế hoạch của Vân, trong ngày hôm ấy và nhiều ngày sau nữa, chồng cô phải đau đầu, thậm chí không dám nghe điện thoại vì không biết nói sao cho phải trước những lời chất vấn mang tính kết tội “làm gì nên nỗi vợ phải bỏ nhà ra đi”.

Già néo đứt dây

Tháng đầu thoát khỏi vòng “cương tỏa” của gia đình chồng, Vân cảm thấy cuộc sống thật thoải mái, trong lòng thấy hể hả vì “trả đũa” được chồng cái tội chỉ bênh mẹ mà ruồng rẫy vợ. Vân thuê nhà ở riêng, hàng ngày cô vẫn đi làm bình thường, đi sớm về muộn không sợ bị chì chiết, ngủ nướng cũng không bị ai giám sát. Nỗi nhớ con cũng tạm thời lắng xuống sau một vài lần cô đến trường mẫu giáo để gặp con, Vân thấy thằng bé vẫn khoẻ mạnh, vui vẻ. Khi Vân hỏi con có muốn ở cùng mẹ, có đến chỗ mẹ chơi không thì thằng nhóc lắc đầu, nó nói thích ở với ông bà nội hơn. Đến tháng thứ 2, Vân bắt đầu nóng lòng mong chồng đến đón về, cô nhắn con trai về nhắc bố gọi điện và đón mẹ về với con nhưng thằng bé nhắn lại rằng bố bảo sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đó nếu mẹ không xin lỗi ông bà nội. Đến khi Vân gần như hết hy vọng được chồng đón về thì bất ngờ một chiều thấy chồng gọi điện. Nhưng tất cả không như dự đoán của cô. Không phải anh gọi điện xin lỗi hay làm lành, không phải một lời quan tâm mà đơn giản là “để giải quyết dứt khoát chuyện hai người”. Anh đưa ra hai điều kiện: Một là Vân phải xin lỗi cha mẹ chồng và xin phép được trở về với gia đình. Hai là, hai người sẽ ký đơn ly hôn để có phương án khác...

Tìm đến PV, tâm trạng của Vân vô cùng hoang mang, bất ổn. “Thật lòng, kể cả khi bỏ nhà ra đi nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến khái niệm vợ chồng ly thân, càng không nghĩ đến chuyện sẽ ly hôn. Vậy nên tôi hết sức bối rối. Càng đau khổ hơn khi chồng cháu bảo việc ly hôn sẽ rất chóng vánh, con thì để anh ấy nuôi vì nó đang có cuộc sống rất ổn bên bố và ông bà nội, tài sản thì hầu như hai đứa không có gì nên không bị vướng bận. Dường như là mọi chuyện anh ấy đã tính toán hết cả rồi. Thế là bỗng dưng tôi mất tất cả, đến cả quyền nuôi con cũng không được hay sao? Tôi lo quá, phải làm sao bây giờ?”, lá thư của Vân kết thúc bằng nỗi băn khoăn day dứt...

Luật sư, chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hương (Hà Nội) tư vấn:

Bạn nên quay về với chồng, với con càng sớm càng tốt, trước khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra với cuộc hôn nhân của mình. Đọc tâm sự của bạn, luật sư cảm nhận rất rõ bạn đang hoang mang và hối tiếc khi để sự việc đi quá xa. Bạn cũng như không ít người vợ trẻ đã mắc sai lầm ngay từ đầu khi giận chồng là bỏ nhà ra đi với ý nghĩ trẻ con là để “dọa” chồng, gây áp lực với chồng. Trót bước chân ra đi rồi thì tự ái và sĩ diện phải chờ chồng đến đón, chồng không đón thì không chịu “xuống nước” dù trong lòng vẫn thương yêu gia đình, hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện ly thân, ly hôn.

Bạn cần phải trở về nhà ngay, sở dĩ Luật sư khuyên bạn như vậy vì thời điểm này có thể còn chưa quá muộn. Nếu tiếp tục tự ái và sĩ diện, thì bạn không chỉ để tuột mất hạnh phúc, mà có thể mất luôn cả quyền nuôi con. Theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, khi giải quyết vấn đề con cái khi ly hôn, nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ nuôi dưỡng; con từ đủ 9 tuổi phải xét nguyện vọng của con khi quyết định giao con ở với ai. Ở đây, con bạn đã trên 4 tuổi nên cháu có thể được giao cho bố hoặc mẹ nuôi dưỡng, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho cháu. Con bạn từ nhỏ đến giờ đều sống cùng gia đình bên nội, cháu đang có cuộc sống rất ổn, nên rất có thể chồng bạn sẽ là người giành được quyền nuôi con. Chưa kể, khi bạn tự ý bỏ nhà ra đi khi con còn nhỏ cũng là bạn đã tự khước từ quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc con của chính mình.

Một lời xin lỗi, sự nhún nhường để giữ cho mình một hạnh phúc, giữ cho con một tổ ấm nguyên lành là điều rất nên làm. Sẽ không ai chê cười bạn vì điều ấy, bản thân bạn cũng không thấy hổ thẹn với lương tâm vì điều ấy. Đừng vì chút tự ái, sĩ diện mà dẫn đến “già néo, đứt dây” như những bài học không cứu vãn được cho sự tan vỡ hôn nhân vì lý do vụn vặt của rất nhiều người. Chúc bạn sớm giải quyết ổn thoả mọi sự việc.

Trần Oanh (Câu chuyện pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: mat quyen nuoi con , tranh quyen nuoi con , mat chong , ly hon , me chong nang dau , Ha Noi , tin , bao