Người phụ nữ ngủ cạnh xác ướp vua Lê
Thứ tư, 27/11/2013 08:41

Là người nhiều năm chăm sóc xác ướp của vua, đã có lúc chị Thơm phải nằm ngủ bên cạnh và tắm rửa cho xác ướp.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hương Thơm - Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Vào một buổi chiều năm 1958, một người nông dân ở thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện ra mộ phần của vua Lê Dụ Tông. Ở gần ngôi mộ có bia tạc, ghi rõ "Lê triều Dụ Tông hoàng đế lăng, Minh Mạng nhị thập thất niên, tứ nguyệt nhị thập ngũ sắc kiến" (được dịch là lăng hoàng đế Dụ Tông nhà Lê. Vua sai dựng ngày 25 tháng 4 năm thứ 21 niên hiệu Minh Mạng).

Đây là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Lê Trung Hưng. Theo quyển Lịch triều tạp kỷ thì ông thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc. Pháp độ đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết.

Thời trị vì của vua Lê Dụ Tông có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ, người ta luôn phải kể đến đời vua này. Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam, khẳng định nghệ thuật ướp xác của Việt Nam đã đạt tới một đỉnh cao không thua kém thế giới.

Những người nông dân phát hiện ra mộ phần này đã làm vỡ một mảnh quách, lộ rõ quan tài được sơn son thiếp vàng bên trong. Người này cho hay, không giống với các mộ khác, bốc lên mùi hôi thối khó chịu, mộ phần của vua toát lên hương thơm thoang thoảng.

Vào ngày 2/4/1964, quan tài được mở nắp trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Nhà nước và những nhà khoa học đầu ngành. Xác là một người đàn ông cao 1,49m. Thân hình bị đét lại nhưng hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên.

Khi mới mở áo quan, trông như một người gầy ốm mới chết, bụng dưới hơi phồng, lấy tay ấn vào bụng thấy có hơi và ít nước chảy ra (khác với những xác khác bụng lép). Không có một vết rạch hay châm chích gì trên cơ thể...

Quan tài của vua Lê Dụ Tông được làm bằng gỗ ngọc am, một loại gỗ quý được các vị vua chúa rất chuộng dùng. Sau tấm chăn bông vỏ gấm, thi hài được liệm cùng nhiều lớp quần áo, vải liệm, áo mặc, giấy bản, túi thơm...

Những chiếc áo hoàng bào có thêu nhiều hình rồng 5 móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế. Môi của thi hài bị teo để lộ hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc. Chiếc áo hoàng triều vẫn còn giữ được nguyên màu lấp lánh sợi kim tuyến. Đặc biệt, xác ướp vẫn sực nức mùi thơm.

Xác ướp vua Lê Dụ Tông ở thời điểm khai quật.

Quan tài của vua Lê Dụ Tông có hai đáy, giữa có một lớp gạo rang dày 10 cm, đáy trên lớp gạo rang có một tấm ván mỏng trổ 7 lỗ tròn theo hình thất tinh. Sau tấm chăn bông vỏ gấm, xác được liệm bởi nhiều lớp quần áo, vải liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc kích thước 1,5mx5m, buộc bằng 5 đai lụa; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải.

Áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ; 3 lớp lụa kép; 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.

Từ năm 1964 đến trước thời gian con cháu dòng họ Lê đưa xác vua về hoàn táng tại quê hương thì xác ướp của vua Lê Dụ Tông được lưu giữ và bảo quản ở bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Là người nhiều năm chăm sóc xác ướp của vua, đã có lúc thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm (Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) phải nằm ngủ bên cạnh xác, tắm rửa cho xác ướp. Thạc sĩ Thơm cho hay, xác ướp vị vua nhà Lê đã nằm ở nơi này từ khi chị chưa vào làm việc ở Bảo tàng. Những câu chuyện về xác ướp được nhiều thế hệ đi trước kể lại cho chị nghe khá tỉ mỉ và chị thấy hào hứng với nó.

Hiện đã trải qua hơn 200 năm nhưng xác ướp vị vua Lê Dụ Tông vẫn giữ nguyên được hình dáng. Điều này, một lần nữa chứng tỏ nghệ thuật ướp xác của người xưa đã phát triển đến trình độ cao.

Thế nhưng, công tác khám phá nghệ thuật ướp xác của cha ông ta xưa kia, hiện nay bị hạn chế phần nào, bởi khi người dân phát hiện ra lăng tẩm đã làm vỡ một mảng quách khiến cho không khí và nước ngấm dần vào quan tài dẫn đến những tạp chất không đáng có xâm nhập vào. Từ khi phát hiện ra lăng mộ, phải vài năm sau chúng ta mới tiến hành khai quật.

Xác của vị vua dưới lăng mộ đã bị ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên bên ngoài nên biến đổi khá nhiều. Chị Thơm cho hay, xác ướp đang ở trong môi trường yếm khí nên khi được đưa ra ngoài môi trường tự nhiên, các chất liệu như tơ vải, xác cơ thể người... dễ bị biến đổi, phân hủy. Vì thế, sau một thời gian trưng bày ở bảo tàng, xác của vua Lê Dụ Tông được gửi sang viện Vệ sinh dịch tễ để có điều kiện bảo quản tốt hơn.

Viện Vệ sinh dịch tễ đã xử lý kỹ thuật, ngâm phoóc môn... Một thời gian sau, xác vua Lê Dụ Tông lại được chuyển về Bảo tàng để bảo quản. Do điều kiện thời đó còn khó khăn, thời gian đầu, chưa có phòng bảo quản riêng mà cụ phải "nằm" chung trong kho bảo quản.

Đến những năm 90 của thế kỷ trước, cơ sở vật chất của Bảo tàng đã tốt hơn, cụ được đưa vào phòng có điều hòa nhiệt độ để luôn được chăm sóc bằng những điều kiện môi trường ổn định, có tủ kính và được định kỳ vệ sinh, chống nấm mốc.

Thạc sĩ Thơm cho biết: "Cán bộ của phòng không nhiều nên mọi việc chăm sóc, vệ sinh cho cụ tôi đều được tham gia làm. Mỗi năm, chúng tôi vệ sinh cho cụ hai lần. Chúng tôi dùng cồn vệ sinh rồi dùng hóa chất để khử trùng, diệt khuẩn trong tủ kính chứa thi hài cụ".

Việc bảo quản xác ướp trong phòng điều hòa 24/24h, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm ổn định (20 độ C - 22 độ C và ở độ ẩm phù hợp là 55% đến 60%) giúp cho xác ướp có tuổi thọ lâu hơn. Việc thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột sẽ càng làm cho các cổ vật nói chung và xác ướp nhanh bị phân hủy.

Để đảm bảo môi trường bảo quản ổn định thì cần thiết phải vận hành máy điều hòa, hút ẩm 24/24h. Tuy nhiên, những năm trước đây, hệ thống điện của Bảo tàng chưa hiện đại và an toàn như ngày nay. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, phòng và phát hiện cháy nổ kịp thời, Bảo tàng phải phân công cán bộ thay phiên nhau ngủ đêm tại Bảo tàng.

Chị Thơm kể: "Tôi ngủ ở phòng làm việc ngay cạnh phòng cụ. Cứ đến 10h đêm, tôi lại đi vòng các kho, trong đó có phòng chứa xác cụ để kiểm tra thông số kỹ thuật, phát hiện xem có những hiện tượng bất thường không, để kịp thời xử lý.

Không ít người đã hỏi tôi, giữa đêm khuya, vào những khu vực toàn xương và hài cốt người như vậy, có sợ không. Tôi chỉ cười, bởi mình làm việc cẩn thận, thành tâm chăm sóc các cụ, chắc hẳn, các cụ sẽ phù hộ, không nỡ lòng nào làm hại con cháu.

Trước khi làm vệ sinh cho cụ tôi thường thắp hương xin vua Lê Dụ Tông và các cụ cho phép. Từ khi được làm việc tại Bảo tàng và chăm sóc cụ tôi chưa gặp điều gì bất trắc, nhờ các cụ phù hộ, tôi luôn sống mạnh khỏe và an lành. Sau này, thiết bị của Bảo tàng hiện đại hơn, cán bộ không phải ngủ lại nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên chăm sóc xác các cụ".

Ngày cụ về quê để hoàn táng theo nguyện vọng của dòng họ Lê, các cán bộ trong Bảo tàng bùi ngùi như sắp phải xa một người thân. Không ai bảo ai, từng người một xếp hàng vào thắp hương viếng cụ như đưa tiễn một người thân trong gia đình.

Chị kể, nhiều người truyền tai nhau rằng, mỗi lần di chuyển cụ từ nơi này sang nơi khác thì hôm sau những người vận chuyển đó thường bị trượt chân, ngã, hoặc gặp điều không may.

Cũng có người lại nói, sau ngày xác ướp vua Lê Dụ Tông được con cháu đưa về quê hương để hoàn táng thì họ vẫn mơ thấy xa giá vua hiện về bảo rằng, vẫn thích ở Bảo tàng hơn và thường xuyên về Bảo tàng chơi. Mọi người còn truyền nhau về nhiều chuyện vua hiện về. Tuy nhiên, gần hai chục năm chăm sóc cụ, chưa một lần nào chị Thơm cảm thấy những chuyện như lời đồn thổi.

ĐS&PL

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam , Xác ướp , Vua Lê , Vua Lê Dụ Tông , Phong kiến