Khi con bị đâm, người mẹ quỳ lạy khắp làng xin tiếp máu cho con nhưng cuối cùng đứa con vẫn qua đời vì mất quá nhiều máu.
Bị đâm trầm trọng, nam thanh niên đã qua đời do mất máu (Ảnh minh hoạ) |
Bênh bạn, thiệt thân
Vào mỗi dịp 30/4 hằng năm, người dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế lại náo nức đón chào lễ hội “Sóng nước Tam Giang”. Thanh niên ở địa phương dù đang làm ăn xa vẫn tranh thủ về quê trong những ngày này chơi lễ, tổ chức gặp mặt.
Vụ án oan nghiệt xảy ra vào lễ hội năm 2014. Nhóm gây án gồm Trần Văn Kiểm (SN 1997), Trần Văn Chiến (SN 1996), Hoàng Văn Vũ (SN 1995, cùng ngụ thôn Cư Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) và Nguyễn Văn Hơn (SN 1998, ngụ xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) tại nhà Chiến. Cách đó chừng vài trăm mét, nhóm của nạn nhân Văn Đầy (SN 1994) ngồi uống bia tại nhà Đầy.
Hơn 10h đêm 26/4/2014, cuộc vui ở nhà Đầy tan. Mọi người giải tán. Một người bạn trong nhóm Đầy đưa bạn gái về nhà. Khi đến trước ngõ, cả hai còn nấn ná đứng bên đường tâm sự. Lúc này, nhóm Kiểm vẫn chưa tàn cuộc vui, nhưng hết rượu nên Kiểm chở một người bạn đi mua. Trên đường về, cả hai nhìn thấy đôi nam nữ tình tự. Thấy hai thanh niên hùng hổ bước đến,
Chàng trai sợ bị đánh liền co giò bỏ chạy. Đuổi một hồi, cả hai quay lại chỗ cô gái đang đứng, một người bực bội, nhặt đôi dép chàng trai bỏ chạy ném đi, hất hàm với cô gái: “Muốn tìm tau thì lên nhà Chiến”.Khi hai thanh niên đã đi mất dạng, cô gái lập cập lấy điện thoại nhắn tin cho Đầy cầu cứu. Nhận được tin nhắn “Anh mô rồi? Tụi em bị đánh”, Đầy vội vã chạy đến trước ngõ nhà cô gái đi tìm chàng trai, thấy bạn đang nấp phía ngoài con đường nhỏ chạy dọc đầm. Ấm ức vì bị xử tệ, liền kéo lên nhà Chiến “hỏi tội”.
Vừa bước vào nhà hàng xóm, Đầy hoạnh họe: “Thằng mô đánh bạn tau? Mi hả Kiểm?”. Vừa dứt câu, Đầy tung nắm đấm vào mặt Kiểm. Bạn Đầy dùng dây nịt bồi thêm một cú vào đầu “kẻ thù”. Rồi thấy đối phương đông người hơn, lại phần nào đã rửa được “hận”, Đầy và bạn tháo chạy, bỏ lại chiếc xe máy trước sân. Nhóm kia vác dao, gậy gộc đập nát xe, kéo sang nhà Đầy , gặp mẹ Đầy nói tránh con trai đã đi ngủ, cả nhóm mới rút đi.
Nghĩ mọi chuyện đã êm thấm, Đầy núp trong nhà giờ mới dám bước ra, rồi lò dò sang nhà người bác có việc. Không ngờ mới rẽ vào đường xóm, Đầy bị nhóm của Kiểm tấn công. Kiểm dùng dao đâm Đầy một nhát sau lưng, Chiến đuổi theo, bắt được rồi vật ngã ra đất. Kiểm tiếp tục đâm nạn nhân 4 nhát, ba kẻ còn lại dùng gậy tre, tay chân đánh đập. Khi được mọi người phát hiện, đưa đi cấp cứu, nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch, rồi trút hơi thở cuối cùng sau một tuần nằm ở bệnh viện. Cảnh sát xác định nạn nhân chết do mất máu cấp không hồi phục dẫn đến suy đa phủ tạng, vết thương mặt trong đùi trái đứt động tĩnh mạch đùi.
Ngày 11/9/2014, TAND huyện Quảng Điền mở phiên tòa xét xử các bị cáo Kiểm, Chiến, Vũ và Hơn về tội “cố ý gây thương tích”, phạt Kiểm và Chiến 4 năm tù giam, Vũ 3 năm tù giam và Hơn 18 tháng tù giam. Bản án cho các đối tượng đã tuyên, nhưng còn một “bản án” khác, mà gia đình thủ phạm vẫn day dứt.
Mất máu khiến cho Đầy ra đi để lại nỗi đau cho gia đình Đầy và nỗi khổ của cha mẹ kẻ giết người (Ảnh minh hoạ)
Mẹ quỳ khắp làng xin máu
Ngồi bần thần trong quán tạp hóa nhỏ giữa một ngày lất phất mưa, gương mặt mẹ nạn nhân thẫn thờ, đôi mắt trũng sâu vì đã lâu không ngủ. Chị lê bước đi tìm chồng ngoài xóm. Anh đang buộc hàng hóa cho khách, thấy vợ ra kiếm liền tất tả chạy về, lầm lũi mở cánh cửa sắt. Thứ ánh sáng ảm đạm của một ngày mưa tràn vào không xóa nổi cái lạnh lẽo toát ra từ căn nhà.
Anh bảo, từ ngày con trai mất, cả nhà cứ vật vờ sống, chẳng ai buồn nói, buồn cười. Thấy cảnh nhà lạnh lẽo, người con trai út cũng bỏ nhà đi miết không muốn về. “Mỗi lần bước vô nhà, ngẩng mặt nhìn thấy bàn thờ anh, nó xót quá nên cứ bỏ đi lang thang. Đang học nghề dang dở, anh mất, nó buồn quá bỏ luôn không học”, cha nạn nhân bần thần.
Người đàn ông ngồi thu lu bên khung cửa sổ, vẻ mặt u uất. Anh kể, do vợ bị bệnh tim, nên một tuần con trai nằm cấp cứu, anh nhất quyết không cho vợ đặt chân đến bệnh viện. Chị được anh phân công ở nhà, chạy vạy, vay mượn tiền bạc để chữa chạy cho con. “Do mất máu nhiều, nên nhập viện là con tui được truyền máu liên tục. Tui cứ ngồi bên con, hết nắm tay lại vuốt tay hắn. Cứ cầu khấn ông trời ngó lại. Đừng để hắn ra đi tội nghiệp như rứa. Hắn mới 20 tuổi. Tui nói hắn cố gắng, ba nhất quyết cứu được con. Rồi tui chỉ hắn mấy bịch máu bác sĩ treo sẵn mà nói, chỉ cần truyền thêm ít nữa là sẽ qua khỏi. Con tui chắc cũng hiểu ý, nên cứ đưa mắt ngó theo. Rứa mà ngày sau, hắn cứ trợn mắt. Nằm được ba ngày, tui thấy con không còn sự sống. Hai mắt đã đứng tròng”, anh vội quay đi, giấu vội nước mắt đang chực trào.
Mẹ nạn nhân kể, đêm đó, khi đám thanh niên hùng hổ đến tìm, chị nghe đám thanh niên nói loáng thoáng “phải kiếm thằng Đầy đánh chết mới hả giận”. Sợ con gây họa, chị nhốt Đầy trong nhà. Khi đám thanh niên rút đi đã lâu, chị mới mở cửa cho con trai ra ngoài. Đầy bảo sang nhà bác có chút việc. Chị với con gái cũng đi quanh quẩn xem đám thanh niên kia có còn lảng vảng trong xóm không. Khi đến gần nhà bác của Đầy, con gái chị nghe tiếng rên hừ hừ vọng ra trong bóng tối. Hai mẹ con chạy đến thì thấy Đầy nằm đó, máu me lênh láng. “Hắn bị đâm nhiều quá. Khi con trai tui nằm cấp cứu, vì truyền nhiều máu quá nên thiếu. Tui phải chạy quanh làng xin. Tui quỳ từ ngoài ngõ vào đến nhà, xin người ta lên bệnh viện cứu con mình. Rứa mà hắn đành đoạn ra đi”, chị nấc nghẹn, sụt sùi.
Vẻ mặt đầy phẫn nộ, mẹ Đầy nói, nỗi đau mất con chưa nguôi, chị càng uất ức hơn khi những kẻ hại chết con trai mình chỉ nhận mức án 4 năm tù. “Cái giá phải trả cho một mạng người rẻ mạt quá”, chị chua xót. Sau phiên tòa, vợ chồng chị giận dữ cho rằng mức án quá nhẹ, cũng muốn kháng cáo đòi tăng mức hình phạt, nhưng rồi lại thôi. Chị nghĩ, 4 năm, 5 năm, hay 10 năm, rồi cũng ra tù cả, nhưng con trai chị thì mãi mãi nằm yên dưới ba tấc đất. Chị có kiện cáo, con trai cũng không sống dậy được. Đành ngậm đắng nuốt cay, coi như con mình phận bạc.
Gia đình thủ phạm thế chấp nhà, thay con chuộc tội
Nhà thủ phạm nằm sát bờ phá, chênh vênh trên nền đất cao ngất ngưởng. Mái nhà lợp tôn, tường chưa kịp tô trét. Mái tôn cũ kỹ rách nát một mảng dài ngay giữa nhà. Bên trong trống huơ trống hoác, không tủ, không bàn, không ghế. Em trai Chiến nhỏ thó ngồi nơi góc nhà, đang túm tụm với mấy đứa trẻ hàng xóm. Đứa trẻ cho biết, cha mẹ đang vào trại thăm anh. Em kể, nhà mình nghèo lắm. Cha bị mù, mình mẹ bươn chải ngoài phá, bạc mặt kiếm tôm cá nuôi mấy anh em, nuôi luôn cả ba. Đưa ngón tay nhỏ tí chỉ lên trần nhà, đứa trẻ “méc”: “Tấm tôn nớ rách lâu lắm rồi, mà mạ chưa có tiền mua tấm mới để lợp. Chút nữa trời mưa to, cả nhà ngập nước lênh láng. May mà nhà không có cái chi cả, nên không sợ ướt, chỉ tội mỗi nền nhà”.
Bên nhà Kiểm cũng cửa đóng then cài kín mít. Một lát, cha mẹ Kiểm và cha mẹ Chiến vừa về đến. Họ cho biết mình vừa vào trại “viện trợ” thức ăn cho con. Cha của Kiểm ngồi bần thần nơi hiên nhà, tỉ tê từ ngày con trai gây họa, vợ chồng anh chẳng sống yên ổn được ngày nào. Cả nhà phải chạy vạy khắp nơi để thay con khắc phục hậu quả. Vay mượn người thân, hàng xóm láng giềng không đủ, hai vợ chồng anh phải chỉ nhau vào tận ngân hàng, thế chấp sổ đỏ vay thêm, bồi thường cho người ta. Anh bảo, từ ngày Đầy mất, vợ chồng anh chẳng dám đi đường lớn, sợ chạm mặt gia đình nạn nhân. Có phương việc gì phải ra khỏi làng, anh chị đều men theo con đường nhỏ mép bờ phá Tam Giang để đi, chứ chẳng dám đi ngang nhà Đầy. “Chẳng thà hắn gây chuyện mô xa, đằng này người trong làng cả. Là hàng xóm láng giềng, ra vào đụng mặt nhau, chẳng biết khi mô nhà tui mới dám nhìn mặt họ”, cha Kiểm thở dài.
Mẹ của Chiến thì kể, để có tiền bồi thường cho nhà bị hại, đến sổ đỏ chị cũng thế chấp: “Tiền lời hằng tháng, nhà nghèo, tiền còn không có đong gạo nên tui khất nợ tiền lời bên ngân hàng đã 3 tháng nay. Mấy bữa giờ người ta cứ gọi đòi miết, nhưng đành trốn”. Chị bảo, mỗi sáng ra chợ, hễ thấy mặt mẹ nạn nhân từ đằng xa, chị lại trốn chui trốn lủi, đi tránh đường khác. Mà mẹ nạn nhân cứ thấy chị, lại chửi, chị chỉ biết ngậm ngùi, cúi mặt mà đi. “Biết con họ chết, họ đau lòng nên mới làm rứa. Con mình sai thì mình chịu. Nhưng chẳng biết khi mô thì họ thôi không chửi bới nữa. Để tui còn dám ngẩn mặt lên với đời, làm lụng mà trả nợ cho con”, chị nói.
Câu chuyện của những người làm cha làm mẹ có con lầm lỗi cứ nối dài giữa chiều mưa. Biết rằng, con dại thì cái phải mang, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng chẳng biết những người làm cha làm mẹ, đến bao giờ mới nhìn được mặt nhau sau lỗi lầm của con trẻ.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%