Người dân Đông Mai hoảng loạn vì con em mình ngộ độc chì
Thứ bảy, 19/05/2012 07:46

Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả phát hiện gần 30 trẻ em dưới 10 tuổi ở thôn Đông Mai (trên tổng số 109 trẻ được khám) có hàm lượng chì trong máu cao vượt ngưỡng cho phép, đã khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.

Đây là hệ quả của việc phát triển làng nghề nấu chì ở Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) từ những năm thập niên 1990, người dân trong làng đã “đổ xô” theo nghề nấu, tái chế chì từ các loại phế liệu, bình ắc quy hỏng... sản phẩm làm ra được cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ắc quy, mạ kẽm...  

Làng Đông Mai trở thành nơi tập kết rác thải ác quy hỏng

Phóng viên Infonet có dịp thị sát tình hình sản xuất chì ở Đông Mai thì thấy hầu hết người dân làng nghề nấu chì, kẽm chủ yếu bằng phương pháp thủ công, từ lấy nguyên liệu chì, vận chuyển, đến đưa vào lò nấu tái chế. Và để tái chế một “hẩy” chì, kẽm chừng vài tạ phải cần từ 15 – 20 lao động.

Một công nhân tên Toàn cho biết, để có được những thỏi chì dẻo, đạt chất lượng cao, người làm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ lấy chì nguyên chất ở bình ắc quy hỏng, gột chì, kẽm, sau đó cho vào nấu ở nhiệt độ khoảng 800 độ C rồi đổ ra khuôn.  

Hàng ngày những người dân Đông Mai đều tiếp xúc với chì, bảo hộ lao động đơn sơ

Khói, bụi, nước axit... là hệ quả tất yếu trong quá trình nấu chì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân. Theo số liệu thống kê của UBND xã Chỉ Đạo, xã hiện có trên 100 lò nấu chì, kẽm, tập trung chủ yếu ở làng Đông Mai, thu hút khoảng 1.500 lao động.

Trung bình một gia đình theo nghề thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt mà người dân không ý thức được sự nguy hiểm, độc hại do chì gây nên. Trong quá trình nấu, chì có lẫn trong khói, bụi, phế phẩm thường xuyên thải ra từ hệ thống lò đốt, trong khi đó người dân không hề có những phương pháp tự bảo vệ.  

Người thợ này bổ ác quy hỏng ra để lấy chì, axit bắn tung tóe, chảy xuống cống rãnh xung quanh làng

Do diện tích mặt bằng chật hẹp, nhiều hộ dân đã xây lò nấu chì ngay tại nhà, vì vậy, trong sinh hoạt hàng ngày luôn phải tiếp xúc, hít thở với bụi chì, kẽm. Ông Nguyễn Văn Bải, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho biết, số cơ sở tái chế chì ở Đông Mai đã giảm đi nhưng sản lượng tái chế chì ở đây mỗi tháng vẫn lên đến vài chục tấn, nếu tính cả các loại phế liệu khác thì lên đến hàng trăm tấn.

Ông Bải còn cho biết, ngoài Đông Mai, 3 thôn còn lại trong xã cũng rải rác làm tái chế chì, trong đó có thôn Nghĩa Lộ phát triển khá mạnh nghề tái chế phế liệu. Tất nhiên để tồn tại được, các cơ sở tái chế chì hiện nay đều đã có ý thức đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như sử dụng công nghệ, biện pháp giảm thiểu tác hại môi trường, nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt.  

Ắc quy phá ra, chì lấy ở đây đem đi các lò nấu để tái chế

Thực tế khi về Đông Mai, trực tiếp hòa vào nhịp sống của bà con trong làng nghề này, PV mới thấy được cái nghề đã bao năm nuôi sống họ nhiều trẻ em trong thôn bị ngộ độc chì, hầu hết người dân ở làng đều nhận thức được vấn đề sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Nhưng nghề đã ăn vào máu thịt từ bao đời nay, đã sống trong môi trường này, đã làm nghề này thì phải chấp nhận bệnh tật, thậm chí tử vong, hệ lụy từ nghề.

Chúng tôi tìm vào gia đình chị Th, một trong số những hộ không làm nghề chì nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi chì. Chị Th có 2 cậu con trai, đứa lớn lên 7, đứa nhỏ lên 5 tuổi, cả 2 đều rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường về tổ chức khám sức khỏe cho một số trẻ em trong làng hồi tháng 4 vừa qua, vợ chồng chị khá cân nhắc khi đưa con đi khám. Thế rồi kết quả được thông báo khiến 2 vợ chồng bàng hoàng, cả 2 con chị đều có hàm lượng chì trong máu cao gấp đôi mức cho phép.  

Lò nấu chì hoạt động suốt ngày đêm

Nghiêm trọng hơn, không ít trẻ em bị dị tật bẩm sinh mà nguyên nhân là do cha mẹ bị nhiễm độc chì. Gia đình anh Nhinh, chị Thuỷ, hai vợ chồng theo nghề này chì từ năm 1985, khi sinh bé Hường đã bị khiếm thính. Vài năm sau đó, sinh tiếp cháu Huyền và đặt nhiều hy vọng vào cháu, nhưng số phận không mỉm cười với anh chị, vì khi mới chào đời Huyền cũng bị dị tật như chị và trí tuệ kém phát triển. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, chị Thuỷ kể mà không giấu nổi thất vọng: “Bao nhiêu tiền của tích góp từ nghề nấu chì chúng tôi chạy chữa hết cho 2 cháu, nhưng kết quả chẳng thay đổi, giờ đây thì lực bất tòng tâm rồi chú ạ!”.  

Người thanh niên này trong lò nấu chì "cấm cửa" phóng viên

Trong số 109 trẻ được khám ở Đông Mai, có 24 trẻ có hàm lượng chì trong máu cao vượt mức cho phép nhiều lần, tỷ lệ là gần 1/5, rõ ràng không chỉ những gia đình đã có con được xét nghiệm mà tất cả các gia đình khác đều không thể thờ ơ.

Từ khi có kết quả sàng lọc nói trên, ít nhất đã có trên dưới 20 hộ gia đình ở Đông Mai chủ động đưa con cháu lên Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai để xét nghiệm và điều trị, rất nhiều hộ khác cũng khắc khoải, mong muốn con cái được thải độc, tẩy chì, được sống và lớn lên trong môi trường thanh sạch. Hơn ai hết họ ý thức được rằng, thu nhập cao, kinh tế khá cũng không thể đổi mua được sức khỏe.

Infonet
Tag: Hưng Yên , Đông Mai , Huyện Văn Lâm , Nhiễm độc chì , Lò nấu chì