Ngư dân 'làng ChanChu' gom tiền tỉ lại đóng tàu ra Hoàng Sa
Thứ tư, 28/05/2014 14:55

Ghi nhớ tổ tiên từng hàng chục đời đánh bắt, ăn lộc biển, anh Ân cũng không quên giúp đỡ những ngư dân còn lại ở quê, trang bị tàu thuyền, yên tâm vươn khơi.

Làng 'ChanChu' vươn dậy vượt sóng ra Hoàng Sa

Làng 'ChanChu' vươn dậy vượt sóng ra Hoàng Sa

 Đến làng biển Bình Minh những ngày này, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi quá nhanh của một làng quê ven biển. Mới vài năm trước, cả vùng cát nhộm trắng màu tang, tiêu điều, sơ xác sau cơn bão Chanchu (năm 2006) cướp đi hàng trăm sinh mạng. Gạt nỗi đau đại tang, những ngư dân còn lại thoát nạn trong cơn bão dữ năm đó, đã cùng con cháu mình “bẻ ngoặt” hướng đi, chọn cách xuất ngoại sang các nước Hàn Quốc, Malaysia để đánh cá thuê, đều đặn gửi tiền về cho gia đình, làm giàu quê hương.

Xuất ngoại kiếm tiền tỉ

Đầu tiên phải kể đến gia đình ông Nguyễn Thanh Hiền (SN 1964, thôn Hà Bình, xã Bình Minh) với 4 người con cùng lúc xuất ngoại, đánh bắt thuê hơn 2 năm nay. Vài 3 tháng, các con góp lại gửi về cả trăm triệu đồng cho vợ chồng ông xây nhà cao cửa rộng, mở một quầy tạp hóa to buôn bán. Mà cũng chỉ ở nhà buôn bán cho đỡ “cuồng tay cuồng chân” thôi, chứ theo người dân trong làng, khi nào “buồn buồn”, vợ chồng cùng mấy đứa cháu lại lên đường đi du lịch khắp nơi. Năm 2014 này, ông Hiền còn tậu được chiếc ô tô để “chủ động muốn đi thì đi”.

Ông Hiền kể, mình vốn có không dưới 30 năm bám biển Hoàng Sa, rất dày dạn kinh nghiệm . Tuy nhiên, phải đến năm 2006 ông mới vay mượn, chính thức ra riêng cho mình một con tàu trên 300CV để cùng đám con đi đánh bắt. Không ngờ, lần ra khơi đầu tiên lại gặp ngay cơn bão Chanchu. Những tưởng người, của nằm lại nơi biển sâu, nhưng may mắn mấy cha con lại thoát chết. Ngày quay về đất liền, vì ám ảnh cuộc sinh tử trong bão lần đó, ông bàn với vợ con ở nhà một thời gian. Rồi vì mưu sinh mà ông Hiền chưa thể quay lại tàu, nên 4 con trai ông chấp nhận “nghiệp” “đi bạn”. Được thời gian, một hôm con trai cả ông Hiền quay về nhờ cha vay tiền để đăng ký lên đường sang Hàn Quốc đánh bắt thuê. Đi được nửa năm, thấy thu nhập cao, lại ổn định, người anh gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ, đồng thời cũng lo nốt cho 3 em trai lần lượt “nối gót” xuất ngoại đánh cá.

Cách nhà ông Hiền khoảng 2m là căn biệt thự khang trang vừa mới xây xong của vợ chồng bà Lê Thị Ngọ (SN 1954). Trước sân nhà bà đỗ chiếc ô tô cáu cạnh có giá 600 triệu như càng tôn thêm vẻ giàu có. Bà Ngọ xởi lởi: “Thằng con trai thứ 3 của tui đi đánh cá bên Hàn Quốc mới gửi tiền về mua đó. Tui mua để rứa thôi, mấy đứa cháu ai biết thì đi, vài năm thằng con về lấy lại, chứ vợ chồng tôi già cả rồi, không biết dùng. Thằng con trai lớn thì gửi tiền cho vợ chồng tôi mở sổ tiết kiệm, còn thằng út thì dồn tiền cho xây nhà. Đám con tui đều đi xuất khẩu Hàn Quốc 2 - 3 năm ni. Chúng gom tiền gửi về để vợ chồng tui giữ giúp, sau ni hắn có vốn mà làm ăn”. Hỏi bà Ngọ có biết con mình làm được mỗi tháng bao nhiêu tiền không, bà cười: “Cũng mới đi thôi mà mỗi năm, lo ăn uống, chi tiêu cho mình xong, mỗi đứa còn gửi về 400 - 500 triệu đồng”.

Mà không chỉ ông Hiền, bà Ngọ đâu, cả cái làng ni thành tỉ phú hết rồi, nhà cao cửa đẹp. Hết lớp này đến lớp kia, cứ thế tiền “chảy về” đều đều, đã giúp bộ mặt quê từng ngày thay da đổi thịt”, ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết. Theo ông Minh, phong trào ngư dân xuất ngoại sang Hàn Quốc, Malaysia làm nghề đánh cá, manh nha từ sau cơn bão Chanchu. Tuy nhiên, “rộ” nhất vẫn nằm khoảng giữa năm 2012 đến nay. Số liệu thống kê cho thấy, toàn xã có gần 150 người đã xuất ngoại. Số này đi theo diện chính ngạch, được Trung tâm xúc tiến việc làm tỉnh Quảng Nam đến tuyển đưa đi và được xã quản lý con số cụ thể. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp xuất khẩu lao động bằng nhiều con đường khác, con số này cũng có đến cả trăm nhưng xã không nắm rõ.

Không quên chuyện tổ tiên hàng chục đời đánh bắt, ăn lộc biển

Vị chủ tịch xã lý giải, phần lớn ngư dân sau thảm họa Chanchu đều bị ám ảnh những cái chết, phần nữa cũng mất hết của cải, muốn đóng lại thuyền phải tốn tiền tỉ. Trong khi đó, nếu chọn “đi bạn” cho chủ tàu ở xã, hay ra Đà Nẵng thì cũng rủi ro không kém, mà thu nhập không cao. Vì thế, sau khi có chương trình xuất khẩu lao động cho ngư dân, mọi người đều đua nhau đi vay mượn để sang Hàn Quốc, Malaysia. Nhiều nhất ở xã Bình Minh phải kể đến thôn Tân An và thôn Hà Bình, nhà nhà đều có từ 3 - 4 anh em trai, ít nhất 1 người đi Hàn Quốc.

Hiện đã có một số ngư dân xuất ngoại trở về, lấy vốn xây nhà, đầu tư hướng làm ăn mới. Đơn cử rõ nhất như trường hợp anh Lê Thanh Ân (SN 1969, ngụ thôn Tân An). Anh Ân xuất ngoại ở “lứa” đầu tiên. Sau 4 năm làm việc, anh trở về rồi mua xe ô tô, mở dịch vụ du lịch hơn 1 năm nay. Anh Ân kể, lúc đầu sang Hàn Quốc làm ngư dân cho tàu nước bạn, nhưng nhờ có tay nghề sửa chữa máy thuyền đánh cá ở Việt Nam mà chỉ vài tháng, anh được “đặc cách” thêm nghề sửa chữa tàu mỗi khi không ra khơi. Lương của anh khi đó mỗi tháng được hơn 2.000 USD (khoảng hơn 40 triệu VNĐ). Dù có gần 10 năm đi biển ở quê và 4 năm đánh bắt ở nước bạn, nhưng về lại quê, anh dứt khoát từ bỏ nghiệp biển, lấy tiền làm giàu hướng khác. Tuy nhiên, vì ghi nhớ tổ tiên từng hàng chục đời đánh bắt, ăn lộc biển, anh Ân cũng không quên giúp đỡ những ngư dân còn lại ở quê, trang bị tàu thuyền, yên tâm vươn khơi.

Đi cùng đợt với anh Ân, anh Trần Văn Hùng (SN 1975, ngụ thôn Hà Bình), kết thúc 5 năm hợp đồng nơi xứ người, trở về với số vốn gần 4 tỷ đồng. Cũng như nhiều người có vốn khác, anh giải nghệ nghề đánh bắt, ở quê mở quán cà phê và tạp hóa buôn bán kiếm lời. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, thấy ngư dân hăng hái ra khơi thể hiện lòng yêu nước, anh Hùng cũng hùn hạp vốn, mua thêm trang thiết bị để theo các tàu người thân vươn khơi trở lại…

Lại đóng tàu ra vùng biển quê hương

Người dân giàu lên đấy, nhưng cũng kéo theo nhiều nỗi âu lo. Thứ nhất, vì ngư dân Bình Minh chọn hướng xuất ngoại hết nên nhiều tàu thuyền ở Đà Nẵng, các xã bạn trong tỉnh Quảng Nam đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lượng lao động có tay nghề, kinh nghiệm để “đi bạn”. Đặc biệt, khắp các thôn xóm, trai tráng vắng bóng khiến những ngôi nhà bề thế, khang trang chỉ còn lại những phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Cũng chính vì thế mà sau phút hồ hởi, ông Trần Công Hòe (SN 1945, ngụ thôn An Tân, cha của 3 người con đang đánh cá thuê ở Hàn Quốc) thở dài: “Thấy người ta gởi tiền về ào ào, cũng vui, các con quyết tâm càng để cho đi. Nhưng mà “nghiệp” ăn lộc biển của cha ông lâu nay rồi, không bán thuyền được”. Nhiều người già đang lo chiếc tàu đánh cá xa bờ của gia đình rồi đây không ai tiếp quản, nối nghiệp. Những ngày qua, khi biển cần ngư dân, các cụ già phải tìm thuê người làm thuyền trưởng đưa tàu ra khơi dù có khi ra rồi về, chứ cũng không đánh bắt được mấy.

Các bà cũng có nỗi niềm riêng: “Đánh bắt ở nhà, bình thường con cái, người thân có đi biển, cũng 1 tháng rồi về một lần. Những ngày mưa bão thì nhà dài dài, nên còn nhìn thấy mặt. Chứ xuất ngoại, có tiền nhưng nhà vắng người, không biết khi trái gió trở trời, mấy người già cả có mệnh hệ chi, biết nhờ vả ai”.

Lời động viên của ông Chủ tịch UBND xã Bình Minh đã khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng: “Ra nước ngoài lao động, mang vốn về làm giàu cho quê hương cũng là một cách làm để bày tỏ lòng yêu nước. Đợi khi hết hợp đồng trở về, ngư dân lại có tiền đóng tàu, lại ra khơi bám biển, phát triển đội tàu xa bờ để giữ ngư trường truyền đời của ta”.

Vân Anh (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: bao chanchu , lang binh minh , lang chanchum hoang sa , truong sa , tinh hinh bien dong , tin , bao