Ngư dân Bình Minh: Hoàng Sa là một phần 'máu thịt'
Thứ bảy, 24/05/2014 11:27

Đã 8 năm trôi qua, vết thương lòng của người dân xã Bình Minh (tỉnh Quảng Nam) vì mất người thân, mất chồng, mất con… vì cơn bão Chanchu năm 2006 vẫn chưa lành.

Ngư dân Bình Minh vẫn bám biển mưu sinh

Ngư dân Bình Minh vẫn bám biển mưu sinh

Đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày siêu bão Chanchu tàn phá cướp đi sinh mạng 83 người đàn ông của 2 làng chài nghèo tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ đó đến nay, ngày 19 tháng 4 Âm lịch hàng năm được chọn làm ngày giỗ chung cho cả làng. Sự mất mát, đau thương vô cùng này tưởng chừng khiến cho những người ngư dân nghèo nơi đây không có cách gì vượt qua nổi. Thế nhưng đến khi Biển Đông “dậy sóng”, họ vẫn sẵn sàng đồng lòng, quyết tâm ra khơi bám biển cho dù có phải thêm một lần hy sinh để giữ vững phần “máu thịt” của cha ông...

Ngày cả làng cùng chịu tang

“Làng Chanchu” những ngày giữa tháng 5 vẫn còn thật buồn. Cách đây tròn 8 năm, siêu bão có tên Chanchu đã bất ngờ ập đến cướp đi sinh mệnh của 83 người đàn ông trai tráng ở nơi đây. Ngày đó, cả nước đã từng chung một nỗi đau, cùng hướng về nơi đây để được sẻ chia sự mất mát với những người thân của các ngư dân xấu số. Bão giông dù nhanh chóng qua đi, để lại cho những người ngư dân nghèo một nỗi đau in hằn cho đến tận ngày hôm nay. Sau trận bão năm ấy, làng chài nghèo hầu như “xoá trắng” bóng dáng đàn ông. Làng quê vốn đã nghèo lại càng đìu hiu hơn.

Vậy mà kể từ sau cơn bão kinh hoàng đó, vùng đất này mỗi năm vẫn còn phải đương đầu với hàng chục cơn bão lớn nhỏ khác. Mỗi khi phải gánh chịu những cơn bão đi qua, người dân lại đem chuyện cũ ra so sánh: “Cơn bão này vẫn chưa bằng cơn bão Chanchu năm nào”. Chúng tôi về lại mảnh đất này đúng dịp cả làng làm lễ đại tang cho những nạn nhân thiệt mạng trong trận “đại hồng thuỷ” năm xưa. Nhắc lại ký ức đau thương này, một lão ngư 82 tuổi đang lúi húi tất bật với công việc xếp những chiếc thúng chai ngậm ngùi: “Làng còn ai thanh niên nữa đâu...”. Bởi làng giờ chỉ còn những thân già còm cõi. Nhưng họ vẫn ngày ngày ra biển vì không làm thì biết lấy cái gì mà ăn, dẫu có sóng gió khó khăn cũng phải bám biển mà sống. Biển ngàn đời nay đã là máu thịt của người dân nơi đây. So với lúc cơn bão Chanchu đi qua, cảnh sắc thôn quê đã lắm đổi thay, không còn xơ xác tiêu điều như xưa. Con đường quê đã thay da đổi thịt, khang trang hơn. Hệ thống trường trạm đã phủ khắp. Những căn nhà ngói nhỏ đã nhiều hơn.

Nhưng trong mỗi ô cửa, vẫn còn đó hình ảnh những đôi mắt ngồi thẫn thờchờ chồng, ngóng con. Đôi mắt trầm buồn, thi thoảng ngước lên nhìn lên bàn thờ, rồi lại ngóng ra cửa nhìn bang quơ. Lão ngư Nguyễn Thân Xê (59 tuổi) ngồi níu lại mấy sợi cước bị tuột ra từ vành chiếc thúng chai. Đôi mắt ông cứ nhìn mãi ra ngoài biển khơi xa xăm vô định như thể chờ mong một phép màu nào sẽ đến cho chuyến ra khơi ngày mai. Ông Xê còn nhớ rất rõ cũng cái 19/4 Âm lịch cách đây tròn 8 năm, khi hai đứa cháu ruột của ông mãi mãi nằm lại với biển khơi.

Hai đứa cháu của ông là Nguyễn Thành Sự (học sinh lớp 6) và Nguyễn Thành Tâm (học sinh lớp 9) đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. “Ngày đó, cứ mùa nghỉ hè là chúng lại tập tành theo người lớn đi biển mưu sinh. Không ngờ rằng, chuyến đi biển đầu tiên của chúng cũng là chuyến đi cuối cùng của hai đứa nhỏ. Ngày nó đi biển, ba má hắn còn đưa tiễn ra tận nơi, cầu trời khấn Phật phù hộ. Vậy mà giờ không biết chúng nó xác trôi dạt về nơi nào nữa”, ông Xê xúc động kể lại trong dòng nước mắt nghẹn ngào.

Vẫn đôi mắt ấy, ông Xê kể chuyện cho chúng tôi nghe bằng giọng nói sặc chất Quảng Nam: “Con trai và con rể tui đang ngoài biển đó, đi đánh cá chưa có về mô. Tụi nó mới đi lại ngày hôm qua. Chuyến ni đi lâu ngày cốgắng kiếm thêm chút tiền về sửa sang lại cái nhà, trang trải cuộc sống. Nhưng cũng lo lắm, chuyến ni đi biển dài ngày là những người ở nhà nôn nóng, bồn chồn ruột gan. Chỉ sợ biển cả vô tình rồi tụi nó cũng như 2 đứa cháu tội nghiệp kia của tui mà thôi. Lo hơn nữa ở ngoài đó vẫn còn những kẻ đang tiếp tục nhòm ngó, quấy rối trên vùng biển đảo của quê hương”.

ong-xe

Ông Xê vẫn không bao giờ quên đi cái ngày 19.4 âm lịch cách đây 8 năm.

Gần nhà ông Xê là nhà bà Võ Thị Chính, sau sự ra đi của chồng và hai đứa con trai, bà Chính như kiệt quệ hoàn toàn. Mỗi khi nhắc tới chuyện chồng và con trai là bàchỉ biết lặng thinh nuốt nước mắt vào trong. Vì cú sốc quá nặng mà giờ đây bà trở nên đãng trí. Bàcon lối xóm ai cũng thương. Anh em có dẫn bà về nhàchăm sóc nhưng bà không chịu. Bà cứ nói ở vậy chờ cho đến khi chồng và hai thằng con trai trở về. Sợ chúng nó về thì lại không có ai ởnhà. Thành ra 8 năm nay, bà vẫn một mình thui thủi trong nỗi cô đơn tuyệt vọng.

Hoàn cảnh vợ chồng ông Lê Sinh (SN 1959) và bà Trần Thị Thinh (SN 1958) cũng vậy, ngày chúng tôi đến làng cũng là ngày hai ông bà cùng bà con cô bác chòm xóm lặng lẽ ngồi bên mâm cơm đạm bạc để tưởng nhớ 2 đứa con trai xấu số đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi. Trong bộ quần áo màu lam còn ướt đẫm mồ hôi. Khuôn mặt đen sạm núp dưới mái hiên tôn xi măng bạc màu đã rách nát nóng hừng hực, đôi mắt bà Thinh rân rấn những dòng xúc cảm về ký ức buồn 8 năm trước.

co-thinh

8 năm qua, cô Thinh vẫn ngày ngày lặng lẽ thắp lên bàn thờ hai đứa con trai của mình “hy sinh” trong đợt bão Chanchu 2006

Hồi đó thằng út (Lê Dương, SN 1990) còn đang còn học lớp 10. Thấy vợ chồng tôi già yếu, đau ốm nên vừa mới thi học kỳ II xong là xin theo anh trai (Lê Đạt, SN 1985) ra biển xa để kiếm tiền về lo thuốc thang cho cha mẹ. Lúc đó, tôi mới phát chứng bệnh u vú, còn chồng thì bị huyết áp. Đi được 15 ngày thì nghe điện thoại báo về gặp bão vào tránh tàu ở Đài Loan. Tối hôm có bão, nghe đài báo tin có rất nhiều tàu ngư dân mình gặp nạn ở Đông Bắc đảo Hoàng Sa, cả gia đình lòng bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên mà không có cách nào để liên lạc được với hai con”, kể đến đây thì giọng người đàn bà nghẹn lại, nước mắt cứ thế ầng ậc chảy ra.

Rồi sang ngày sau nghe đâu bão làm đắm tàu, nhiều người bị cuốn xuống biển mất tích. Vợ chồng bà Thinh cùng mấy chị em có chồng, con đi biển ngày nào cũng chạy ra sát biển khóc lóc ngóng đợi tin con. “Lúc đó, vợ chồng tui như đứng trên đống lửa, cứ chạy ra chạy vào ngoài bãi biển, nhiều lúc ngất lên ngất xuống. Chúng tôi vẫn nuôi hy vọng là hai con mình may mắn thoát chết. Thế rồi tin dữ báo về: “Hầu hết tàu bè ngư dân ta đều gặp nạn trên biển Đông, con số sống sót khá mong manh”. Cuối cùng chúng tôi cũng đành phải chấp nhận sự thật phũ phàng là hai con đã mất tích”, người mẹ kể lại.

Hy vọng của vợ chồng bà Thinh cũng giống như những gia đình khác khi xảy ra sự mất mát, đau thương là mong lần cuối được nhìn khuôn mặt của những người thân xấu số và thắp cho họ một nén nhang tiễn biệt. Thế nhưng ông Xê, bà Chính, bà Thinh và nhiều người cha, người mẹ, người vợ nơi đây thật bất hạnh khi mong ước nhỏ nhoi đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Giá như trời không nổi giông bão khiến cho những thanh niên trai tráng của làng chài phải chôn vùi tuổi xuân dưới lòng biển cả. Để rồi những người mẹ, người vợ của họ trở thành những “hòn vọng phu giữa miền cát trắng”.

Vượt lên những đau thương

Ngần ấy năm qua đi, sau nỗi tai ương ập đến với vùng quê nghèo, cuộc sống đã sang trang. Con đường làng nay đã được bê tông hoá, mở rộng, không còn nham nhở đất cát nhưng lại vắng hoe, quạnh quẽ hơn vì thiếu bóng dáng của những người đàn ông. Những cái chết không hẹn mà đến đã hầu như làm kiệt quệ nguồn sống của những gia đình quanh năm suốt tháng sống chết với biển. Mặc dù rất nhiều những tấm lòng hảo tâm đã giúp vực dậy những gia đình gặp tang thương này.

Tang thương thật lớn nhưng không phải vìthếmànhững người phụnữgóa chồng nơi đây trở nên bi lụy. Họ đã biết cách sống tốt, sống có ích, vượt qua nỗi đau thương, mất mát để tiếp tục sống và vươn lên. Giờ đây, trong những căn nhà đau thương đó. Bàn thờ là nơi những người mẹ, người vợ chăm chút công phu nhất. Họ quan niệm, chồng con đã mất tích ở ngoài biển lạnh giá, không tìm thấy xác. Người ở lại phải làm cái gì đó thật ấm cúng để mỗi lần người thân về thăm nhà sẽ có chỗ ngh ỉngơi ấm áp.

Vợ chồng cô lo được cho hai đứa hắn bàn thờ hương khói, hoa quả đầy đủ là cảm thấy an lạc, thanh thản rồi. Cũng còn máu đi biển lắm nhưng ngặt nỗi già rồi không ai cho đi. Bữa cơm qua ngày chỉ trông vào cha mấy đứa nhỏ với nghề sửa xe đạp. Còn cô thì ngày thường đi phụ làm thêm, ai kêu gì đi làm nấy, còn tối về đi chùa cầu bình an. Mong có sức khoẻ để có thể nhang khói cho con được ngày nào hay ngày đó chứ không ước mong gì thêm”, bà Thinh tâm sự.

Chị Huỳnh Thị Nhí (ngụ thôn Bình Tân, xã Bình Minh) mất đi chồng và con trai là hai người đàn ông trụ cột của cả nhà. Tưởng chừng sau cú sốc ấy, người phụ nữ nhỏ bé này sẽ gục ngã. Nhưng rồi vì 3 đứa con gái còn lại, chị cũng vươn mình đứng dậy tạo chỗ dựa vững chắc cho các con không vì tang thương mà đứt gánh chuyện học hành. Từ nỗi đau, chị lao vào vòng quay cuộc đời để làm và làm mong sao có tiền cho chị nuôi con ăn học. Hai đứa lớn chị hiện đã là sinh viên, một đưa học trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và một đứa học trường Đại học Quảng Nam, còn đứa con gái út đang học lớp 12.

Vẫn còn rất nhiều mảnh đời góa phụcủa những phụnữnơi đây vàvẫn còn những cuộc mưu sinh với thân phận giàyếu. Ngày qua ngày các bà, các mẹ, các chị vẫn thức dậy đều đặn từsáng tinh mơ ra bến đểchọn mua những mẻcámànhững ngư dân đi biển mới về. Chưa kịp thở, họ lại tất bật chạy lên chợhuyện cho kịp phiên chợ đầu ngày.

Một người phụ nữ tâm sự: “Cuộc sống dù có khó khăn tới đâu vẫn phải bươn chải để nuôi các con nên người. Dù biển đã cướp đi những người chồng và người con trai thì những người vợ, người mẹ vẫn cố gắng chăm sóc cho những gì còn lại”. Cuộc sống đang dần ổn định đối với những người phụ nữ nơi đây. Đâu đấy lại có những tiếng cười đùa của trẻ thơ mỗi lúc tan trường. Những chiếc thuyền lại ra khơi, cuộc sống vẫn tiếp diễn, và những người phụ nữ trong xóm “không chồng” này tiếp tục những công việc đời thường để gieo cho đời những mầm xanh trên mảnh đất tình người này.

Hoàng Sa là một phần “máu thịt”

Giữa bão táp phong ba, muôn trùng biển khơi đang “dậy sóng”. Nghe tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam khiến những ngư dân ở Bình Minh cũng “dậy sóng” lòng. Nhiều ngư dân khẳng định “chắc nịch”, vẫn sẵn sàng cưỡi sóng ra khơi với tâm thế tỏ rõ lòng quyết tâm không hề nao núng, lo sợ. “Hoàng Sa với chúng tôi như là máu thịt. Đó là một phần đất mẹ thiêng liêng của Tổ quốc mà chúng tôi quyết giữ”, một ngư dân bộc bạch.

Hoàng Sa - nơi đầu sóng ngọn gió, ở đó là máu thịt của bao thế hệ lớp lớp tiền nhân đã bám biển mưu sinh. “Cho dù có chết chúng tôi cũng nhất quyết không chịu dời bỏ vùng biển này”, đó là lời đồng tâm nhất trí của nhiều ngư dân ở làng chài “Chanchu” những ngày này. Họ quyết giữ biển, bám biển để giữ cho ngàn đời sau, cho bao thế hệ con cháu từng “tấc biển, tấc vàng” của tổ quốc. Bám biển không chỉ còn là gánh mưu sinh mà đã trở thành một nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi một con dân làng chài Bình Minh.

Biển như một phần sự sống của vợ chồng tui. Ngày nào không đi biển là ngày nớ nhớ biển lắm. Chồng cùng những thanh niên trong làng đã đi biển được mấy ngày rồi. Cũng khuyến khích chồng đi biển vừa để bám biển vừa để thể hiện tâm thế, trách nhiệm với Tổ quốc. Để cho thế giới thấy rằng người Việt Nam ngoan cường lắm, không hề lo sợ”, chị Võ Thị Nhanh (37 tuổi, ngụ thôn Bình Tịnh) chia sẻ.

Người phụ nữ này nhấn mạnh: “Vợ chồng tôi đã thấm hiểu sự hy sinh mất mát của chiến tranh. Có khó khăn gian khổ nào mà mình không từng kinh qua. Giờ Trung Quốc đặt giàn khoan chiếm đóng trái phép trên vùng biển Việt Nam nghe cũng ức lắm. Mong sao được ra Hoàng Sa góp một phần sức nhỏ bé này cho Tổ quốc. Thân già này còn gì nữa đâu, được hy sinh cho đất nước thì cũng cam lòng. Nếu các con tôi có còn sống thì tôi vẫn muốn chúng đi biển ra giữ đảo Hoàng Sa”.

Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo là của tất cả chúng ta”, đó là lời khẳng định của ông Hồ Thanh Thưởng (Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh) trước toàn thể ngư dân trong xã. Ông nhấn mạnh: “Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước là của tất cả người dân Việt Nam. Toàn thể đoàn viên và bà con ngư dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương”.

Những lời tuyên bố hùng hồn của ông chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá âm vang trước sóng biển ầm ào. Với khí thế ra khơi từ hàng trăm năm nay của mỗi con dân làng chài Bình Minh thì chúng tôi tin chắc rằng, dẫu có “sóng to gió lớn” chừng nào cũng không tài nào quật ngã được những ngư dân can trường và kiên cường nơi đây.

Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã Bình Minh có trên 130 tàu cá. Trong đó có 26 tàu đánh bắt xa bờ với gần 3.000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, thôn Bình Tịnh có 13 tàu cá hiện đang có mặt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Còn lại đại đa số đi thuê cho các chủ tàu lớn ở Đà Nẵng.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Hà Kiều – Lý Sơn – Thủy Sinh (Câu Chuyện Pháp Luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: ngu dan , bien dao , bien dong , tinh hinh bien dong , con bao chanchu , lang bien , lang chai , tin , bao