Ngày 22/12 có lẽ là ngày cuối cùng của năm 2014, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh đánh dấu mốc kỷ lục điều chỉnh của giá xăng dầu với 24 lần trong suốt cả năm.
Năm 2014: Giá xăng dầu điều chỉnh kỷ lục 24 lần. Hình minh họa |
Thay đổi giá xoành xoạch…
Ngày 22/12, giá xăng trong nước đã được các doanh nghiệp đầu mối điều chỉnh giảm 2.050 đồng/lít, đưa giá xuống 17.880 đồng/lít xăng Ron92. Đây là lần giảm thứ 12 liên tiếp của giá xăng dầu.
Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 1.420 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 1.570 đồng/lít và dầu mazut giảm 1.690 đồng/kg.
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã có tới 24 lần điều chỉnh, trong đó 5 lần điều chỉnh tăng và 19 lần điều chỉnh giảm. Đây cũng là năm có sự thay đổi về giá xăng dầu nhiều nhất từ trước tới nay.
So với cuối năm 2013, giá xăng hiện rẻ hơn 6.330 đồng/lít, tương đương mức giảm 26%; giá dầu diesel cũng giảm 26% trong khi giá dầu hỏa giảm 22% và dầu mazut giảm 28,2%.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho biết, giá xăng dầu giảm đã đem lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, từ giá giảm, chi phí vận tải giảm, chi phí sản xuất cũng giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa...
Thực tế, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế bởi nó chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Do vậy, xét về mặt lý thuyết có thể ngân sách bị hụt thu từ khoản xăng dầu nhưng đổi lại toàn nền kinh tế lại được kích cầu, sản xuất tốt hơn, tạo gia nhiều giá trị gia tăng hơn. Như vậy, cái lợi cho nền kinh tế là lớn hơn, tốt hơn rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nếu các cơ quan quản lý giá điều hành thị trường tốt hơn thì những tích cực của việc giảm giá xăng dầu sẽ còn lớn hơn, ví dụ giá vận tải giảm nhanh hơn, phù hợp với giảm giá xăng dầu sẽ kích thích cho các hàng hóa khác giảm xuống nhanh hơn, lạm phát đã có thể thấp hơn nữa chứ không chỉ dừng ở mức 1,84%, hay hơn 4% nếu tính lạm phát theo bình quân của cả năm 2014.
Người dân vẫn không ít phàn nàn…
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: Giá xăng dầu giảm mạnh năm qua song người dân vẫn có không ít phàn nàn. Tất cả là do giá xăng giảm mà giá vận tải, hàng hóa thiết yếu khác vẫn cứ “trơ trơ” không chịu giảm hoặc chỉ giảm lấy lệ.
Giá cước vận tải không giảm rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, các nhà sản xuất, nhà phân phối đều phải hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng. Người tiêu dùng vẫn phải gánh chi phí vận tải trong tiêu dùng hàng hóa. Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi thực sự từ việc giảm giá xăng dầu.
Giá xăng dầu giảm năm qua chính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phàn nàn, kêu lỗ, gây khó hiểu cho người dân. Doanh nghiệp kêu lỗ hàng tỉ đồng do phải dự trữ xăng dầu tới 30 ngày trong khi lúc bán ra thì giá đã hạ. Tập đoàn xăng dầu phải lên tiếng rằng, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, cho nên việc lỗ là khó tránh khỏi. "Dù có lỗ chúng tôi không dám kêu ca gì bởi đây là quy luật chung của kinh doanh cũng như xu hướng của giá dầu thế giới”-lãnh đạo tập đoàn này cho biết.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ xăng dầu cũng chịu thua thiệt chứ không có lãi.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp xăng dầu đang “lờ” đi khoản chi phí định mức, bởi không có lý do gì cước vận tải nói chung đã giảm mà riêng vận tải xăng dầu lại không điều chỉnh xuống. Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu nên về mốc 860 đồng/lít là hợp lý, thay vì giữ ổn định ở 1.050 đồng/lít như hiện nay.
Rõ ràng, giá xăng dầu giảm cũng lắm chuyện. Nhưng nhìn rộng ra, theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, giá xăng dầu giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm, hàng hóa không giảm tức là sản xuất kém, không có khả năng kích thích nền kinh tế phát triển, chưa tạo ra sức lan tỏa với nền kinh tế. Nghĩa là nền kinh tế đang gặp phải bất lợi.
Dưới đây là thống kê 12 lần giá xăng giảm trong năm 2014:
- Ngày 28/7, xăng lần đầu tiên giảm giá trong năm với mức 330-350 đồng/lít. Trong đó, xăng RON 92 giảm 330 đồng /lít từ 25.640 đồng/lít còn 25.310 đồng/lít.
- Ngày 7/8, lần thứ hai xăng giảm giá theo chu kỳ với mức 500 đồng/lít. Xăng RON 92 giảm từ 25.310 đồng/lít còn 24.810 đồng/lít.
- Ngày 18/8, xăng lần thứ 3 giảm giá 600 đồng/lít về mức 24.210 đồng/lít (RON 92)
- 12 giờ trưa ngày 29/8, xăng lại giảm 470 đồng/lít. Mức giá mới của xăng RON 92 là 23.740 đồng/lít.
- Đến ngày 9/9, xăng tiếp tục giảm 30 đồng lít về mức 23.710 đồng/lít với xăng RON 92.
- Chiều ngày 30/9, xăng RON 92 và 95 giảm nhẹ 150 đồng/lít về mức 23.560 đồng/lít (RON 92) và 24.160 đồng/lít (RON 95)
- 12 giờ trưa ngày 13/10, xăng lại giảm 670 đồng xuống còn 22.890 đồng/lít (RON 92) và 23.490 đồng/lít (RON 95)
- Từ 18 giờ ngày 23/10, giá xăng tiếp tục giảm 550 đồng/lít, từ mức 22.890 đồng/lít xuống chỉ còn 22.340 đồng/lít (RON 92)
- 11 giờ sáng (7/11), xăng lần thứ 9 liên tục giảm giá khi rẻ thêm 950 đồng/lít. Giá xăng RON 92 chỉ còn 21.390 đồng/lít từ mức 22. 340 đồng/lít.
- Từ 11 giờ (22/11), xăng lần thứ 10 giảm giá. Giá xăng RON 95 và RON 92 cùng giảm mạnh 1.140 đồng/lít về mức 20.850 đồng/lít (RON 95) và 20.250 đồng/lít (RON 92).
- Từ 13 giờ trưa (6/12), với mức giảm 320 đồng/lít, lần đầu tiên trong năm giá xăng dưới mức 20.000 đồng/lít. Cụ thể RON 92 còn 19.930 đồng/lít, xăng RON 95 còn 20.530 đồng/lít. Đây cũng là lần thứ 11 liên tiếp xăng giảm giá.
- 15 giờ chiều (22/12), xăng lần thứ 12 liên tiếp giảm giá với mức kỷ lục từ trước đến nay 2.050 đồng/lít. Xăng RON 92 còn 17.880 đồng/lít, RON 95 còn 18.480 đồng/lít.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?