Một phút ra oai, 18 năm ôm hận
Thứ ba, 18/12/2012 09:36

Cuộc đời sinh viên của Long chấm dứt kể từ khi tòa tuyên án 18 năm tù giam về tội giết người.

Lý Long trong trại giam

Lý Long trong trại giam

Sau song sắt, Long không còn cơ hội để nghe lời giảng của thầy cô hay lời trách cứ của cha mẹ. Pháp luật sẽ dạy Long cách làm người, cách rũ bỏ những lỗi lầm để trở lại thành con người có ích cho xã hội.

Chuyện buồn sau song sắt

Hôm tôi gặp trong Trại giam Thủ Đức (Hàm Tân - Bình Thuận) trông Long ốm nhiều so với thời sinh viên nhưng nét mặt có phần tươi tỉnh hơn, yêu đời chứ không bi quan như trước. Long cho biết mình cũng năng lao động và tập thể dục lắm, nhưng vẫn ốm, chắc tại... quá nhớ nhà, nhớ bạn bè.

Ngày mới vào tù, Long đã khóc rất nhiều. Long khóc vì con đường tương lai của mình đang rộng mở bỗng chốc tối mù sau song sắt nhà tù. Long chán nản lắm, đôi lúc muốn chết đi nhưng nhờ cán bộ trại an ủi, động viên nên Long cảm thấy mình cần phải sống để “trả nợ” lỗi lầm. Long cho biết, hai cán bộ mà Long quý nhất ở trại 5 là Đỗ Ngọc Tú và Tô Văn Năm. Chính hai người này thường xuyên động viên Long an tâm cải tạo tốt.

Long đi tù vài năm thì người yêu của anh cũng đi lấy chồng. Nhắc đến người yêu, Long thoáng buồn: “Cô ấy đi lấy chồng sớm sẽ tốt hơn. Em là kẻ tội đồ, em không muốn ai phải khổ vì em. Khi ra tù, em sẽ không giấu thân phận mình, nếu gặp người con gái nào hiểu, thông cảm và bỏ qua cho những lỗi lầm trước đây của em thì sẽ rất hạnh phúc”.

Tôi hỏi: “Em có xăm mình không?”. Long lắc đầu: “Nhất định là không, vì em muốn trở về với thân thể không bặm trợn, không “số má”. Em muốn làm lại cuộc đời. Muốn trở thành một người chồng, người cha tốt sau này”.

Trong khi các tù nhân khác đang hào hứng hòa cùng giọng hát ngọt ngào của các nghệ sĩ nhà hát cải lương Việt Nam đang biểu diễn phục vụ thì ở góc sân thoáng mát của khu 5, Long trầm tư kể về lầm lỗi của mình.

Một phút ra oai, 18 năm ôm hận

Tết là thời điểm mọi người được nghỉ ngơi sau một năm vất vả mưu sinh. Cũng như các bạn, Lý Long (SN 1984, ngụ khu phố Tân Ngọc, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng hớn hở khăn gói về quê đón Tết cùng gia đình. Long là con thứ sáu trong gia đình có bảy anh chị em. Ba mẹ buôn bán ở chợ, cuộc sống cũng ổn về mặt kinh tế. Các anh chị lớn của Long đều đã có gia đình và cuộc sống riêng. Long là đứa học khá nên cha mẹ rất kỳ vọng. Long còn là tấm gương để hai đứa em nhỏ noi theo.

Tết năm 2005, Long đang là sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Công nghiệp 4, Khoa điện công nghiệp (TP.Hồ Chí Minh). Chỉ còn một năm rưỡi nữa là Long ra trường.

Ngày 7/2/2005 (mùng 2 Tết), Long và nhóm bạn rủ nhau đi hát karaoke. Hát hò chán chê, các bạn chia tay nhau ra về và hứa hẹn những buổi đi chơi tiếp theo. Long nhận nhiệm vụ hộ tống năm bạn nữ về chung đường. Trên đường về, Long và mấy bạn nữ vừa chạy xe vừa trò chuyện rôm rả, bất ngờ xuất hiện một tốp thanh niên chạy xe máy kè theo và buông lời chọc ghẹo các bạn nữ. Thấy nhóm thanh niên mặt mày người nào cũng đỏ hơi men nên những người bạn gái của Long không trả lời. Cho là nhóm của Long hách dịch, nên nhóm thanh niên kia ép xe Long và những người bạn vào lề đường. Xe của Long bị xe của nhóm thanh niên kia va quẹt khá mạnh. Tuy không bị thương tích, nhưng thấy nhóm thanh niên kia quá đáng nên Long lớn tiếng cự cãi. Cũng muốn ra oai trước mặt các bạn nữ nên Long quên rằng trong nhóm chỉ có mình là con trai, trong khi nhóm kia khoảng năm tên, mặt mày rất bặm trợn.

Hai bên lời qua tiếng lại rất căng thẳng. Trong số những thanh niên kia, Long biết mặt một số đối tượng là người cùng địa phương nhưng chưa hề nói chuyện và cũng không thù ghét gì. Trong cơn hăng máu, nhóm thanh niên ấy nhảy vào đánh Long. Long vừa chạy vừa gọi điện thoại cầu cứu bạn bè. Người bạn mà Long cầu cứu lại tiếp tục điện thoại gọi thêm một nhóm giang hồ khác “đem hàng” đến để tiếp cứu.

Thấy Long gọi đồng bọn, nhóm thanh niên kia, trong đó có Nguyễn Văn Trọng là người cùng địa phương với Long cũng cầu viện thêm “chiến hữu”. Ngay lập tức, nhóm của Long gồm 14 tên cầm dao, mã tấu, gậy kéo đến bao vây nhóm của Nguyễn Văn Trọng. Cuộc hỗn chiến xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành đúng ngày mùng 2 Tết khiến người dân một phen “hồn vía lên mây”. Hơn 20 thanh niên tay cầm hung khí rượt đuổi nhau. Long là người đầu vụ, hung hăng nhất. Long cố lấy mạng đối thủ đã va quẹt xe mình bằng những nhát chém không nương tay. Hậu quả cuộc hỗn chiến là Nguyễn Văn Trọng chết trên đường đi cấp cứu. Ngày 16/2/2005, Long và 14 đối tượng khác bị bắt giam.

Cố gắng để trở về

Chỉ vì nóng nảy, hiếu thắng và giao du với những đối tượng không tốt nên Lý Long đã phải chịu lãnh mức án 18 năm tù giam. Mười bốn đối tượng khác trong vụ án này cùng chịu chung số phận tù tội. Trong số đó, có ba người bạn thân cùng học chung trường cao đẳng với Long cũng lãnh án tù.

Ở trong tù, Long được học nghề điện công nghiệp và vi tính văn phòng. Nhờ có kiến thức từ ngành học ở trường cao đẳng, Long tiếp thu nghề rất nhanh. Giờ, điện chiếu sáng trong khu 5 trại giam gặp trục trặc gì Long đều có thể sửa được. Với nghề này, Long tự tin rằng khi ra tù có thể làm kiếm tiền lo cho gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già. Ước mơ của Long là khi trở về, sẽ đi học thêm nghề gì đó, lo lập gia đình, sinh con.

Long tự tin: “Mới đầu em cũng có ý nghĩ tiêu cực. Nhưng sau này nghĩ lại, khi mình ra ngoài đời người ta có nhìn nhận thế nào là do ở bản thân mình. Mình phải phấn đấu sửa chữa để trở thành người tốt thật sự, thì không có lý do gì người ta né tránh mình”.

Long đã đi gần nửa con đường tù tội, nếu lao động, cải tạo tốt thì con đường trở về sẽ càng ngắn lại. Trước khi chia tay, Long nói với tôi như tự nhắn gởi với chính mình: “Cha mẹ em già rồi, đang trông ngóng em từng ngày. Khi về, em sẽ là người khác, chững chạc hơn, không còn bốc đồng, nông nổi như ngày xưa. Ai cũng có lỗi lầm, nếu biết ăn năn làm lại từ đầu thì đời đâu có phụ mình, phải không chị?”.

CA TP
Tag: Giết người , Án mạng , Chém chết người , Vụ án , Trọng án , Tòa tuyên án , An ninh hình sự , Xã hội , Bà Rịa - Vũng Tàu , Nam sinh