Đề phòng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng
Chủ nhật, 09/02/2014 04:57

Trong số các loại thức ăn không loại trừ có loại không phù hợp với cơ thể bạn. Khi đó dị ứng thực phẩm sẽ gây cho bạn nhiều phiền toái.

Ăn hải sản dễ gây dị ứng

Ăn hải sản dễ gây dị ứng

Dị ứng thực phẩm là phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian histamin và gây ra dị ứng. Dị ứng với thức ăn dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...).

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây dị ứng thức ăn như: protein và các phân tử không thay đổi khi đi vào tuần hoàn. Hệ miễn dịch tại ruột và tính miễn dịch của niêm mạc ruột. Một số chất gây tăng tính thấm của niêm mạc ruột như rượu, aspirin, nhiễm virut, ký sinh trùng, nấm. Sau khi ăn thức ăn gây dị ứng mà làm công việc gắng sức có thể dẫn đến sốc phản vệ.

Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Ở người lớn, thực phẩm dễ gây dị ứng là: cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc chẳng hạn) và các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng. Ở trẻ em, thường dị ứng với trứng, sữa (đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), đậu phộng, đậu nành (đỗ tương), lúa mì, quả óc chó...

Có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau. Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê, cừu, trâu, thịt bò. Nếu đã dị ứng với trứng gà thì cũng có thể dị ứng cả thịt gà, các loại bánh có sử dụng trứng... Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng: di truyền (nếu cha/mẹ bị dị ứng thì 20-30% con cũng có khả năng bị dị ứng, nếu cả cha cùng mẹ bị dị ứng thì tỉ lệ này đến 50-60%), một số điều kiện kết hợp như đang nhiễm siêu vi, tổn thương niêm mạc ruột...

Thời gian xảy ra dị ứng có thể trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Một số trường hợp nhạy cảm, chỉ cần chạm vào hoặc hít phải thực phẩm dị ứng là có thể xảy ra triệu chứng. Nhưng cũng có trường hợp phản ứng chậm, xảy ra sau vài ngày với những biểu hiện không rõ ràng như bứt rứt, khó chịu, mẩn ngứa, nôn ói, đau bụng, tiêu lỏng và phân lẫn máu. Cần theo dõi để phân biệt với những bệnh lý khác.

Dị ứng thực phẩm xảy ra như thế nào?

Khi sử dụng một thực phẩm nào đó, ngay cả với một lượng rất nhỏ, ta có thể bị các phản ứng. Phản ứng dị ứng với thực phẩm có thể là nhẹ và thoáng qua nhưng đôi khi gây một tình trạng bệnh lý trầm trọng, thậm chí tử vong. Triệu chứng của dị ứng thực phẩm có thể là một hay nhiều biểu hiện như: nổi mẩn đỏ, ngứa ở da. Mẩn đỏ thường mất đi trong vài ngày. Một số trường hợp có thể tồn tại rất lâu được gọi là viêm da dị ứng. Ngứa mũi và mắt, hắt hơi và chảy nước mũi, có thể có các triệu chứng của hen suyễn như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở. Ngứa và sưng quanh môi và miệng, đặc biệt khi môi và miệng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn. Một số triệu chứng khác như: đau bụng, buồn nôn, đau kiểu chuột rút, phù nề, nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể xảy ra.

Phản ứng phản vệ nặng là biểu hiện trầm trọng nhất của dị ứng thực phẩm và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của phản vệ thường gặp là ngứa vùng hầu họng, phù mạch (chẳng hạn phù thanh quản), cò cử, khó phát âm, ho, khó thở, khò khè, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, bừng mặt, mẩn ngứa. Tử vong có thể xảy ra là do một hoặc phối hợp nhiều biến cố: phù thanh quản trầm trọng, co thắt phế quản không hồi phục, hạ huyết áp khó hồi phục.

Các yếu tố nguy cơ của phản ứng phản vệ đe dọa tử vong do thức ăn bao gồm: bệnh nhân đã mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là bệnh nhân bị hen suyễn nhưng không được kiểm soát tốt; trước đây đã bị phản ứng phản vệ do thực phẩm; không phát hiện được những triệu chứng sớm của phản vệ; chậm hoặc không dùng những thuốc cấp cứu để điều trị những trường hợp dị ứng thực phẩm.

Dự phòng dị ứng thực phẩm

Dự phòng dị ứng thực phẩm là rất quan trọng, bởi vì nếu xảy ra dị ứng thực phẩm nặng như phản ứng phản vệ thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém… có thể để lại hậu quả lâu dài. Các biện pháp dự phòng gồm: Cần có hiểu biết về thực phẩm gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng thực phẩm. Tránh sử dụng những thực phẩm và các sản phẩm có nguyên liệu làm từ thực phẩm mà bản thân đã bị dị ứng, kể cả tránh tiếp xúc qua da hay hít chúng. Nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng. Ghi nhớ các triệu chứng biểu hiện lâm sàng thường gặp ở dị ứng thực phẩm trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Khi phản ứng dị ứng thực phẩm xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với trẻ em, khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm, gia đình nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, ghi nhật ký ăn uống và tìm hiểu trong gia đình có ai bị dị ứng thực phẩm như trẻ hay không. Khi biết loại thực phẩm gây dị ứng thì nên tạm ngưng và chọn thức ăn khác thay thế cho trẻ. Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở... phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

Suckhoedoisong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Dị ứng thực phẩm , Dị ứng thức ăn , Dị ứng miễn dịch , Hải sản gây dị ứng , Sức khỏe