Mạo danh nhà báo có thể bị phạt tới 10 triệu đồng
Thứ ba, 19/11/2013 20:52

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản vừa được Chính phủ ban hành, mức tiền phạt đối với việc mạo danh nhà báo là 10 triệu đồng.

Nghị định cho biết, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo; phóng viên.

Điều 7 của Nghị định cũng nêu rõ quy định phạt đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Điều 9 của Nghị định nêu quy định về việc vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí. Phạt từ 200 đến 500 nghìn đồng đối với việc cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; Không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định; Thực hiện không đúng các quy định về đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phẩm báo chí.

Đối với việc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí hoặc không đúng nội dung thông tin do người phát ngôn của cơ quan hành chính nhà nước cung cấp; không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời phỏng vấn của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Không viện dẫn nguồn tin phạt từ 200-500 nghìn đồng

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả.

Đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng; minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác thì sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

Cũng tại Nghị định này, đối với một trong các hành vi: Đăng, phát bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Trục lợi , Xử phạt , Mạo danh , Nhà báo , Phóng viên , Nghị định