Các bạn trẻ ấy có một thời quậy phá làng xóm, là nỗi ám ảnh của bà con. Nay, họ đã trở thành những thành viên tích cực trong các hoạt động của Đoàn.
|
Thành viên nhóm Mầm xanh cùng lội xuống kênh vớt lục bình với các bạn trẻ trong quận để cải thiện môi trường kênh rạch lưu thoát ra sông Sài Gòn - Ảnh: Q.Linh
Từ vài ba bạn ban đầu, sau gần một năm hoạt động số thành viên nhóm Mầm xanh - thuộc chi đoàn khu phố 2, P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - hiện đã tăng lên khoảng 20 người.
Đi cùng...
Họ vốn là những đứa trẻ bỏ học sớm, một thời chỉ biết đến đánh nhau, tụ tập ăn nhậu, dạt phố đêm khuya. Người học nhiều nhất cũng chỉ dừng ở lớp 6, còn lại đa số chưa hết tiểu học và cũng có bạn chưa từng đến trường một ngày nào. Tất cả họ đã biết mưu sinh ngay từ lúc mới vài tuổi đầu từ bán vé số, lượm ve chai, lượm rác và... tụ tập về khuya chứ không thích đến trường.
“Nhiều lần muốn đến nhưng khá vất vả, bởi cứ thấy mình là các bạn tản đi ngay” - Âu Mỹ Lệ Xuân, bí thư chi đoàn KP2, kể. Nhưng cô bí thư vẫn kiên trì tìm mọi cách để có thể nói chuyện được với họ. Và cái cách mà Xuân nghĩ ra chính là nhờ uy của cảnh sát khu vực Nguyễn Đức Minh. Vốn có trong tay danh sách những thanh thiếu niên cần được quản lý, anh Minh đã thành cầu nối để tổ chức Đoàn đến với các bạn.
Lần đầu thấy cảnh sát đến gặp, kêu đi tham gia sinh hoạt bạn nào cũng sợ. Võ Thanh Hậu nhớ lại: “Năm đứa đầu tiên được đưa đến trung tâm văn hóa quận tham gia sinh hoạt thiếu nhi. Lúc về thấy vừa vui vừa không có gì đáng lo nên lần sau rủ thêm mấy đứa khác cùng đi”. Bạn bè thân nhau từ nhỏ, lại sống cùng xóm, đi... đánh lộn chung nhiều lần nên khi nghe kể lại là tin ngay. Vậy là Mầm xanh chào đời, gặp nhau vào mỗi cuối tuần, lần gặp sau lại tăng thêm một vài người so với lần trước, nhiều bạn là anh chị em ruột.
... Và giữ chân bạn
Sinh hoạt thiếu nhi hè, các ngày hội lớn của Đoàn, Hội không khi nào thiếu mặt của nhóm. Chưa từng lội kênh, vậy mà khi được huy động tổng vệ sinh các kênh rạch lưu thoát ra sông Sài Gòn trên địa bàn quận, các bạn không ngần ngại lội luôn xuống kênh nước đen. “Điều tôi băn khoăn nhất từ lúc lập nhóm và mãi đến lúc này không phải là tiếp cận, đưa họ vào nhóm, mà chính là phải có môi trường, có hoạt động để giữ chân các bạn dài lâu” - Lệ Xuân tâm tư.
Vậy là chương trình một ngày làm chiến sĩ Mùa hè xanh ra đời. Đích thân bí thư chi đoàn kết nối với các chiến sĩ Mùa hè xanh của một trường đại học để đưa các bạn xuống Cần Giờ làm chiến sĩ trong một ngày.
“Tự tay giúp bà con làm nhiều việc, chiến sĩ các trường làm gì mình cũng làm vậy nên nhớ hoài không khí làm việc của ngày đó, ít ra thấy mình cũng còn có ích chứ không như trước kia chỉ biết chơi” - Quỳnh Như, một trong bốn cô gái của nhóm, kể.
“Có lần sinh hoạt hè, phường tổ chức đưa thiếu nhi đến Thảo cầm viên, mỗi bạn được phân công quản lý một nhóm vài em và bạn nào cũng hoàn thành nhiệm vụ rất tốt” - Xuân tiếp lời.
Nhưng có lẽ điều làm nhiều người vui nhất chính là thay đổi trong nhận thức của mỗi bạn. Trung Nam tự nhận thấy mình lớn hơn, biết kềm tính nóng, nhất là có thể tổ chức sinh hoạt vui chơi cho thiếu nhi, những điều mà trước đây chưa từng nghĩ đến. Còn Thanh Hậu tâm đắc: “Giờ đi ra đường lỡ gặp chuyện gì đã biết bình tĩnh hơn chứ không như hồi trước, chỉ cần vài câu qua lại là nhảy vào đánh nhau ngay”.
Đã không còn cảnh tụ tập thâu đêm suốt sáng ngoài đường. Lúc rảnh, vài bạn lại rủ nhau ra bờ kè uống ly nước mía, tán gẫu vài chuyện rồi về ngủ sớm để hôm sau đi làm. Bởi giờ ai cũng có việc giúp cha mẹ kiếm sống, có bạn là lao động chính, làm ra những đồng tiền chân chính bằng chính công sức lao động của mình với công việc dán keo xe, phục vụ quán cà phê, thợ sắt...
“Rất muốn có nhiều đội nhóm như thế này trong TP để những bạn từng có hoàn cảnh như tụi mình được giao lưu và thay đổi, để ngày càng sống tốt hơn”, Trung Nam chia sẻ.
Và cái tên Mầm xanh mà cả nhóm cùng thống nhất chọn sau nhiều cái tên được đưa ra với lý giải: mỗi thành viên của nhóm sẽ tự thay đổi tốt hơn từng ngày, bật lên và vươn tới như những mầm sống căng tràn sức xanh.
Nhân rộng mô hình Bí thư Đoàn phường 15 Trần Thanh Liêm cho biết với Mầm xanh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng được lãnh đạo phường, các cô chú hưu trí đánh giá đây là cách làm khá hiệu quả trong việc tập hợp các bạn trẻ có nguy cơ hư hỏng. “Đoàn phường đang tính toán sắp tới có thể áp dụng mô hình này tại các khu phố còn lại của phường” - anh Liêm nói. Bí thư Quận đoàn Bình Thạnh Nguyễn Thị Tuyết Mai thông tin: “Mô hình này đã được UBND phường cùng quận đoàn báo cáo với ban chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội quận. Hiện đang chờ công an quận thẩm định, công nhận kết quả và triển khai mô hình này như một cách làm hiệu quả để cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên có nguy cơ phạm pháp”. |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?