'Mắc bệnh hiểm nghèo', tình tiết gây tranh cãi trong vụ án 'bầu' Kiên
Thứ ba, 03/06/2014 14:07

Phiên sơ thẩm vụ án “bầu” Kiên đã “nóng” ngay từ đầu khi bị cáo là ông Trần Xuân Giá được Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án với lý do đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Ông Trần Xuân Giá trong vụ bầu Kiên

Ông Trần Xuân Giá trong vụ bầu Kiên

Tranh luận đã xảy ra xung quanh xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo để ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này.

Pv: Thưa ông, bị can Trần Xuân Giá bị truy tố về tội gì?

- Cáo trạng đã truy tố bị can Trần Xuân Giá về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Theo đó, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương định hướng hoạt động kinh doanh của ngân hàng ACB theo định của pháp luật, là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB nên biết rõ các quy định của Nhà nước về kinh doanh tiền tệ, chứng khoán nhưng ông Trần Xuân Giá đã chủ trì việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và tổ chức mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 1.400 tỷ đồng.

Pv: Căn cứ để Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá?

- HĐXX đã căn cứ Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS): “Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 của Bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh”.

Pv: Như thế nào thì bị cáo được coi là “bị bệnh hiểm nghèo”?

- Hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể Khoản 1 Điều 187 BLTTHS để xác định như thế nào thì bị cáo được coi là bị bệnh hiểm nghèo. Chỉ có Nghị quyết 01/2007/ NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Theo đó, tại Điểm a Khoản 2.1 quy định: ““Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị”.

tran-xuan-gia-trong-vu-bau-kien-3

Ông Trần Xuân Giá tại bệnh viện

Pv: Ngoài việc luật chưa xác định cụ thể danh mục bệnh hiểm nghèo để áp dụng tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo, còn có những bất cập nào khác?

- Nghiên cứu quy định của BLTTHS, cho thấy đã có sự “vênh” giữa trường hợp bị can và bị cáo được tạm đình chỉ vụ án đều do bị bệnh hiểm nghèo. Cụ thể, Khoản 2 Điều 169 BLTTHS quy định: “Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây: a) Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y…”. Trong khi Khoản 1 Điều 187 BLTTHS lại quy định: “Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh”.

Như vậy, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bị bệnh hiểm nghèo thì phải có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y, còn đối với bị cáo thì lại không quy định.

Pv: Việc HĐXX chỉ căn cứ vào đơn đề nghị tạm đình chỉ vụ án của bị cáo Trần Xuân Giá, cùng công văn Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết bệnh viện đã hội chẩn đối với sức khỏe ông Giá, chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng đã phẫu thuật, viêm đường tiết niệu, tăng huyết áp, cần tiếp tục điều trị kháng sinh kéo dài để nâng cao thể trạng, hiện ông Giá mệt, yếu không đi lại được là có hợp lý không, thưa ông?

- Việc bỏ qua chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y là chưa hợp lý?

Pv: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số đơn vị. VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.

Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB); Lý Xuân Hải, (nguyên tổng giám đốc ACB); Phạm Trung Cang (nguyên phó Chủ tịch HĐQT ACB); Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là gần 1.700 tỷ đồng.

Hưng Hà (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: vo bau kien , bau kien , xet xu bau kien , tran xuan gia , huyen nhu , nguoi phu nu cua bau kien , tin , bao