Ẩm thực và những trào lưu 'hóm hỉnh' thời @
Thứ ba, 27/01/2015 09:10

Dù nhiều hay ít, người Việt vẫn chọn quán ăn theo hình thức nghe người này khen một ít, người kia góp ý một tẹo. Mà ngày nay, phần lớn là theo hình thức “follow” (một từ chuyên dùng trong “văn hóa facebook”).

Ăn theo quảng cáo
 
Hàng quán ngày nay thức thời và thông minh lắm. Các phương thức quảng cáo hiện đại rất linh hoạt, một quán ăn mới mở có nhiều cách thu hút khách hàng như giảm giá, khuyến mại (cái này...xưa rồi), quảng cáo qua mạng xã hội (chi phí khá thấp) hay kì công hơn là thuê hẳn một tay "gõ phím" nào đó viết một bài trên một tờ báo mạng tên tuổi. Đã đầu tư đến đó, khả năng đông khách ngay lập tức rất cao, bởi hiệu ứng từ mạng xã hội cũng như thông tin thu nhận online ngày nay vô cùng lớn.
 
 
Người ta ngày nay dễ ăn bằng...ảnh chụp, bằng câu chữ hơn là cất công lang thang, tự mày mò khám phá hàng ngon quán lạ. Trên facebook, người ta mua quảng cáo, mua vị trí hiển thị đẹp. "Thực khách" họ đánh dấu (tag) nhau vào một tấm ảnh món ngon lung linh, họ nhận xét rằng "nhìn" ngon quá. Trên báo, họ cũng gõ những câu như thế này: "Nghe tả đã chết thèm, phải đi thử mới được", "Nhìn thôi đã ứa nước miếng"...Ngày nay, muốn chọn một quán lạ để ăn không khó, người ta có thể dễ dàng lựa chọn giữa vô vàn đường dẫn trên internet, trên facebook chứ không phải theo nhận xét của một người thân quen đã từng ăn. Đi ăn vì quán người ta đông khách, người ta quảng cáo trên mạng xã hội được nhiều người "like" chứ chưa hẳn khẩu vị của mình đã thích nghi.
 
Văn hóa check-in
 
Giới trẻ ngày nay còn có một trào lưu rất lạ, đó là "check-in". Quán nào đang là trào lưu nóng trên mạng xã hội, nhất định phải đi bằng được, rồng rắn kéo nhau đi. Cố gắng một chút, chịu cảnh chờ đợi lâu một chút, đồ ăn mang ra chậm một chút, cốt chỉ để có bức ảnh món ăn thật lung linh,và bức ảnh nhóm hay selfie ưng ý.
 
 
Người ta để ý nhau lắm, dòng địa chỉ "check-in" là một thứ trang sức đầy ẩn ý đánh giá mức độ sành sõi của người sở hữu facebook. Món ăn có thể không ngon như...ảnh, nhưng mang tới sự thỏa mãn đôi phần về người chủ sở hữu facebook trong xã hội ảo. Cứ như vậy, cùng một loại đồ ăn, nhưng cứ đúng phải quán ấy, thậm chí…cái góc bàn trong quán ấy mới đủ tiêu chuẩn để “check-in”. Các quán còn lại, dù có ngon không kém, lạ sánh ngang nhưng không thể đông khách bằng những địa điểm được nhiều người đánh dấu vị trí trên facebook kia. Phải chăng, chúng ta đang được chủ động chọn món ăn, nhưng lại bị động hoàn toàn trong cách thưởng thức.
 
Tiếng xấu…đồn ra cũng không màng
 
Không ít người đã từng nói về thói dễ dãi trong ăn uống của người Việt. Ngày nay, vào một quán cà phê đông khách, người tinh ý có thể không chịu nổi vị cà phê đắng ngắt, mùi nhạt nhẽo rặt pha từ bột bắp, phẩm màu, hương liệu. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ, chìm đắm trong không gian xô bồ người nói người cười, người vui vẻ bàn tán chuyện của người của ta, tay vẫn không quên khuấy đều li cà phê, đầu gật gù ưng ý.
 
 
Hay như một loại bún Thái nổi tiếng lắm, nực cười là hàng ăn đông khách nhất thủ đô lại có thứ nước dùng nếm thế nào cũng không ra chất Thái, chỉ thấy chua lè, gắt gỏng nhưng khách khứa vẫn kéo nhau vào nườm nượp. Một dãy phố bán cùng món ăn, nhưng chỉ hàng đông khách nhất được chọn, người người cố sống cố chết lao xe vào, bất chấp quán xá khác mời gọi. Rồi chuyện quán bình dân kiêu ngạo, khách gọi ít đồ không bán, nhưng vì họ nổi tiếng mà, nên thế là “thường”… Không phải người ta không biết, bởi cảnh báo nguy cơ đã và vẫn đang đầy rẫy trên các trang báo mạng, nhưng người Việt vẫn vậy, vẫn có thói quen ăn và uống theo số đông, và mặc nhiên chấp nhận thứ mình đang được phục vụ là tốt, là hay.
 
 
Tiếng xấu đầy ra đấy, nhưng bởi họ…quảng cáo tốt, nên xấu mấy cũng thành “lành”. Dở chưa?
Maskonline.vn/Depplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: am thuc , cach chon quan an , quan an ngon , tin , bao