Loạt chuyện hãi hùng trên các hòn đảo bí ẩn (kỳ 1)
Thứ hai, 19/01/2015 11:31

Hòn đảo lớn nhất của Mexico là nơi các nhà thám hiểm có thể đổi đời nhờ vàng, song đảo cũng là quê hương của những thổ dân ăn thịt người và nhiều loài vật có nọc độc.

Loạt chuyện hãi hùng trên các hòn đảo bí ẩn

Loạt chuyện hãi hùng trên các hòn đảo bí ẩn

Tiburon - Hòn đảo của vàng và những thổ dân ăn thịt người

Tuy có diện tích lớn nhất trong số các đảo của Mexico, Tiburon chỉ là vùng đất nóng, cằn cỗi – nơi những loài động vật có nọc độc và một bộ tộc thổ dân mang tên Seri sinh sống. Người ta đồn rằng bộ tộc Seri ăn thịt người. Hòn đảo hấp dẫn vì nó có trữ lượng vàng rất lớn.

dao-bi-an-1-1421638858

Tom Grindell – một nhà thám hiểm tại bang Arizona, Mỹ - tới đảo lần đầu tiên vào năm 1903. Ông chỉ ghé vào rìa của đảo để xem nó xứng đáng với một chiến dịch khai thác hay không. Sau khi nhận thấy trữ lượng kim loại quý khổng lồ ở đây, Tom quay về Mỹ và tuyển người để đưa ra đảo. Cuối cùng ông chỉ tuyển được 3 người. Họ khởi hành tới đảo vào ngày 10/6/1905 với rất ít dụng cụ. Trên thực tế, họ chỉ mang nguyên liệu cần thiết để chế tạo máy chưng cất nước ngọt, bởi họ biết nước ngọt sẽ là thứ khan hiếm nhất trên đảo. Tom hứa rằng đoàn sẽ trở về Mỹ vào cuối tháng 7. Nhưng họ không bao giờ trở về, The Huffington Post đưa tin. 

Edward, em trai của Tom, tới đảo vào tháng 9 để tìm hiểu số phận của đoàn. Khi Edward tới thành phố mà Tom khởi hành, ong nghe tin đồn từ một nhóm thợ săn rằng thổ dân trên đảo đã ăn thịt vài người Mỹ. Phần cơ thể còn lại của họ là những cánh tay bị buộc bằng dây trên cọc gỗ. Người ta vẫn đồn đại rằng thổ dân Seri luôn trói tù nhân vào cọc gỗ hoặc bè gỗ để cắt thịt và ăn, đồng thời chứng kiến nạn nhân chết dần.

Không tin rằng những bàn tay trên cọc gỗ thuộc về Tom và 3 người đồng hành, Edward nhờ một người đưa ông tới vị trí của các cọc gỗ. Sau khi thấy những bàn tay, Edward khẳng định đó không phải là phần cơ thể của nhóm mà anh trai ông dẫn dắt.

Lần theo bước chân của anh trai, Edward và những người đồng hành phát hiện một số bàn tay. Họ xác định đó là bàn tay của những công dân Mỹ nhờ những chữ cái đầu tiên trên dây đeo camera gần vị trí những bàn tay. Sau đó họ tìm thấy di vật của đoàn – gồm xác một con lừa, một khẩu súng trường, một cuốn sách của Tom. Nhưng họ không thấy bất kỳ thi thể nào. Hai năm sau, người ta thấy thi thể của Tom, song đó chỉ là những mẩu xương. Họ biết chúng thuộc về cơ thể Tom nhờ những dòng chữ mà ông viết trên một tờ giấy gần đó.

Nửa thế kỷ sau, một đoàn thám hiểm tới đảo để tìm hiểu tập tục của thổ dân Seri. Họ gặp một nhóm thổ dân khá thân thiện và sẵn sàng chia sẻ phong tục, tập quán của họ với khách. Khi đoàn thám hiểm hỏi nhóm thổ dân về hành vi ăn thịt người, họ chỉ đáp: “Ồ, chúng tôi thích thịt người đấy”. Nhưng sau đó họ khẳng định chính phủ Mexico cấm họ ăn thịt người và nếu một du khách nào đó mất tích bí ẩn, chính phủ sẽ trừng trị họ bằng án tử hình.

Đảo Rác ở thiên đường nhiệt đới

Quần đảo Maldives là một thiên đường nhiệt đới trên trái đất, với những bãi biển trắng mịn và nước trong veo. Đó là hình ảnh mà quốc đảo Maldives quảng bá với du khách. Thế nhưng du khách cũng mang tới vấn đề cho quốc đảo.

dao-bi-an2-1421638858

Thilafushi là một hòn đảo nhân tạo mà chính phủ Maldives tạo ra để chứa rác. Đây là một giải pháp bắt buộc với một đất nước tiếp nhận tới hơn 10.000 du khách mỗi tuần. Đảo Rác, tên phổ biến của đảo, là nơi khoảng 150 người cư trú. Công việc của họ là nhặt những thứ có thể tái chế trong núi rác khổng lồ và đốt những loại phế liệu không thể tái chế. Với hơn 330 tấn rác tới đây mỗi ngày, những người trên Đảo Rác đối mặt với cuộc chiến bất tận. Hoạt động của họ trên núi rác là cảnh tượng đáng sợ mà du khách không bao giờ thấy. Phần lớn rác – bao gồm thiết bị điện tử, các loại pin, đồ nhựa - sẽ tan biến bởi ngọn lửa. Trong quá trình cháy, chúng thải các loại chất độc hại vào không khí và nước, Livescience khẳng định.

Thảm kịch trên đảo North Brother

Đảo North Brother là nơi mà một trong những thảm kịch đẫm máu nhất của thành phố New York, Mỹ từng xảy ra. Vào ngày 15/6/1904, hơn 1.000 tín đồ Thiên Chúa lên tàu hơi nước General Slocum để tới làng Eaton’s Neck thuộc thị trấn Huntington, bang New York. Làng Eaton’s Neck là nơi họ nghỉ ngơi hàng năm. Nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em.

dao-bi-an4-1421638899

Khi tàu di chuyển trên sông East, lửa bất ngờ xuất hiện và trùm kín nó. Hỏa hoạn xảy ra chỉ khoảng nửa giờ sau khi tàu xuất phát. Tàu lao vào đảo North Brother và mắc cạn ở đó. Có lẽ thuyền trưởng lái tàu vào đảo với hy vọng những người sống sót sẽ có chỗ an toàn. Vào buổi sáng hôm ấy, trong số 1.358 người lên tàu, 1.021 người đã thiệt mạng, The Washington Post cho hay.

Nếu không tính những vụ khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York vào năm 2001, vụ hỏa hoạn trên tàu General Slocum là thảm kịch có số lượng người chết lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Xác hành khách xấu số dạt vào bờ biển trên đảo, trôi nổi gần các cầu cảng và bãi cát. Đó là một cảnh tượng rất thương tâm. Thân nhân của người chết bước giữa những thi thể cháy đen và ướt để tìm người thân yêu. Thuyền trưởng phải ra tòa vì cảnh sát phát hiện thủy thủ đoàn không tuân thủ các quy định về an toàn. Các nhà điều tra phát hiện những ống dẫn nước mục ruỗng nên không thể giúp con người dập lửa, xuồng cứu sinh vẫn ở nguyên vị trí. Ngay cả những áo phao cũng mục đến mức chúng trở nên vô dụng. Như vậy, nhiều hành khách đáng thương vẫn chết đuối dù họ mặc áo phao.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: hon dao bi an , chuyen la lung , chuyen hai hung tren dao bi an , hon dao , tin , bao