Lo ngại sang tên đổi chủ lọt xe gian?
Thứ sáu, 14/12/2012 07:12

Nhiều ý kiến lo ngại kẻ xấu có thể lợi dụng việc Bộ Công an sửa Thông tư 36/2010 để hợp thức hóa xe gian.

Xử lý một trường hợp vi phạm giao thông tại TP Hà Nội.

Xử lý một trường hợp vi phạm giao thông tại TP Hà Nội.

Chiều 13/12, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết trong cuộc họp tại Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an vừa diễn ra đã có nhiều ý kiến phản biện xung quanh các nội dung sửa đổi trong Thông tư 36 về đăng ký xe.

Cần mở rộng thời gian sang tên, đổi chủ

“Cơ quan soạn thảo đang hình dung việc thực hiện sang tên, đổi chủ phương tiện quá đơn giản, chưa đi vào chiều sâu vấn đề. Bản chất của sự việc liên quan đến quyền sở hữu tài sản, sở hữu phương tiện nên nếu không quy định chặt chẽ thì người dân sẽ bị cán bộ gây phiền hà hoặc dễ xảy ra những tranh chấp giữa chủ cũ và mới của chiếc xe” - ông Sơn nhận định.

Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 quy định trường hợp người đang sử dụng xe (chủ xe) không có chứng từ chuyển nhượng thì phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe và xác nhận của công an xã/phường/thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của chủ xe.

Nếu thấy đáp ứng yêu cầu, cơ quan đăng ký xe cấp giấy đăng ký tạm thời (theo biển số cũ), thời hạn 30 ngày và đóng dấu “Không được chuyển nhượng xe” vào giấy đăng ký tạm để quản lý; đồng thời gửi thông báo tới địa chỉ của người đứng tên trong giấy đăng ký xe và niêm yết tại trụ sở cơ quan đăng ký. Sau 30 ngày từ ngày gửi thông báo, nếu không có khiếu kiện, tranh chấp thì cấp giấy đăng ký cho chủ xe.

Theo ông Sơn, phải quy định cụ thể trong hồ sơ xin xác nhận tại công an xã/phường/thị trấn gồm những loại giấy tờ gì? Thời gian xác nhận là bao lâu? Trong trường hợp chủ cũ của chiếc xe sau khi nhận được thông báo mà tìm tới cơ quan đăng ký để phản ánh chiếc xe đó bị mất trộm chứ không phải mua bán thì giải quyết thế nào? Lúc ấy, có căn cứ vào trình báo của người dân tại thời điểm mất xe hay không?

Những người không trình báo nhưng lại có người làm chứng thì giải quyết ra sao? “Hiện có khoảng 30% - 40% xe không chính chủ nên khi được tạo điều kiện sẽ có tình trạng ồ ạt làm thủ tục. Chắc chắn sẽ có rất nhiều trường hợp phức tạp nên chỉ cho người dân thời hạn 6 tháng để làm thủ tục sang tên, đổi chủ là chưa hợp lý mà cần mở rộng lên 1 năm” - ông Sơn kiến nghị.

Chuyển qua tòa nếu có tranh chấp

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Nguyễn Kim Hải, Trưởng Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt - Bộ Công an - người trực tiếp tham gia soạn thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36, khẳng định không có chuyện quy định tạo kẽ hở để kẻ xấu dễ dàng lợi dụng hợp thức hóa xe gian. “Đồng thời với việc sửa Thông tư 36, chúng tôi sẽ sửa cả các văn bản khác liên quan đến nghiệp vụ của công an làm thủ tục cấp đổi đăng ký xe, trong đó có Thông tư 37/2010 về quy trình đăng ký xe. Đối với những trường hợp mất chứng từ mua bán và xe đã được mua bán qua nhiều đời chủ chỉ khi xác định chắc chắn mới được sang tên, đổi chủ” - ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, nếu lực lượng công an phát hiện hành vi gian dối để hợp thức hóa xe gian thì sẽ tịch thu xe, đồng thời chuyển hồ sơ để xử lý hình sự. Trường hợp xảy ra tranh chấp dân sự giữa chủ cũ và mới của xe mà không thể giải quyết được thì cơ quan công an sẽ chuyển hồ sơ vụ việc qua tòa án.

Ông Hải cho biết việc sửa đổi Thông tư 36 và các quy định liên quan vẫn đang được Bộ Công an tiến hành trên cơ sở phối hợp, trao đổi với Bộ Tài chính. “Bộ Tài chính quy định mỗi lần bán xe phải xuất trình đầy đủ giấy tờ và nộp phí sang tên, đổi chủ. Tuy nhiên, thực hiện theo cách của chúng tôi sẽ thuận tiện cho người dân nhưng có thể gây thất thu thuế nên phải được Bộ Tài chính đồng ý” - ông Hải nói.

Phải giảm phí hết mức

TS Lê Hồng Sơn cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an rốt ráo thực hiện sửa quy trình, thủ tục để người dân dễ dàng thực hiện sang tên, đổi chủ phương tiện thì Bộ Tài chính cũng phải nhanh chóng sửa quy định về lệ phí. “Trước đây, người dân không đi làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện vì chính sách trong quá khứ (Hà Nội không cho đăng ký xe tại 4 quận nội thành; mức lệ phí trước bạ tại TPHCM, Hà Nội cao gấp nhiều lần so với địa phương khác; mỗi người chỉ đăng ký 1 xe...). “Đa số phương tiện không chính chủ hiện nay là xe máy nên phải giảm phí hết mức để người dân chủ động làm thủ tục và phải thực hiện cùng lúc với thời điểm thông tư về đăng ký xe có hiệu lực”- ông Sơn nói.

 

NLĐ
Tag: Phạt xe không chính chủ , Thu phạt , Vi phạm giao thông , Xử phạt , Xe mượn , Tai nạn giao thông , Sang tên đổi chủ , Xe gian , Vi phạm giao thông , Sang tên đổi chủ , Xã hội , Tin tức