Lính cứu hộ bật khóc khi nhìn thấy 12 công nhân mắc kẹt
Chủ nhật, 21/12/2014 22:03

"Khi nhìn thấy các công nhân, tôi đã khóc. Khóc vì hạnh phúc. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa tôi xuất ngũ...."binh nhất Hoàng Văn Thảo xúc động kể lại.

Lính cứu hộ bật khóc khi nhìn thấy 12 công nhân mắc kẹt

Lính cứu hộ bật khóc khi nhìn thấy 12 công nhân mắc kẹt

“Qua ánh sáng nhạt bên trong hầm, biết sắp tiếp cận 12 nạn nhân bị mắc kẹt, tôi la lớn 'Có ai đó không? Có ai đó không?'. Phía đầu bên kia trả lời: 'Cứu chúng tôi với mọi người ơi. Cứu chúng tôi với'. Niềm vui dâng trào, trái tim tôi và các đồng đội thôi thúc phải đào thật nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người. Những nhát cuốc, xẻng dồn dập hơn để đến nơi các nạn nhân đang chờ mình giải cứu từng giây”, trung úy Phạm Văn Tiền, người đầu tiên tiếp cận với 12 nạn nhân sập hầm, kể lại.

cuu-ho-nan-nhan-sap-ham1

Hầm thủy điện Đạ Dâng, nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 12 công nhân mắc kẹt gần 4 ngày.

Không để 12 nạn nhân chờ thêm giây nào nữa

Hai ngày sau cuộc giải cứu thành công 12 nạn nhân kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), nhiều người vẫn còn cảm giác xúc động khi nhắc lại thời điểm các nạn nhân được đưa ra ngoài sau hơn 80 giờ bị kẹt trong hầm. Những người đầu tiên tiếp cận với các nạn nhân không ai khác chính là lực lượng công binh thuộc Lữ đoàn Công binh 239 –Bộ Tư lệnh Công binh C3.

Sau khi nhận được lệnh ứng cứu các nạn nhân sập hầm thủy điện Đạ Dâng, các chiến sĩ công binh thuộc Lữ đoàn Công binh 239 đã lên đường đến hiện trường làm nhiệm vụ. Thời điểm này, lực lượng cứu hộ Vinacomin vẫn đang đào ở ngách bên phải đường hầm để tiếp cận với nạn nhân. 

Trong cuộc hội ý bàn phương án cứu hộ, đại diện lực lượng công binh đề xuất mở thêm đường hầm cứu nạn thứ 2 bên vách trái và được đồng ý. Lực lượng công binh chia làm 3 ca làm việc suốt ngày đêm, một ca 8 - 10 người. Người nào mệt, ngay lập tức sẽ có người vào thay thế để nhanh chóng tiếp cận các nạn nhân.

Binh nhất Hoàng Văn Thảo, thuộc Lữ đoàn Công binh 239 – Bộ Tư lệnh Công binh C3 cho biết: “Ê kíp của chúng tôi gồm 10 người, vào nhận nhiệm vụ thay ca đào cho các đồng đội lúc 14h ngày 19/12. Căn hầm nhỏ hẹp, nước ngầm từ trên trần luôn chảy xuống khiến việc đào hầm gặp nhiều khó khăn. Chỉ với cuốc, xẻng, xà beng cùng một số máy móc, chúng tôi vừa đào vừa gia cố kè hầm để tiến sâu vào khu vực có các nạn nhân”.

cuu-ho-nan-nhan-sap-ham2

Lực lượng công binh đưa 12 nạn nhân ra ngoài an toàn.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Chỉ huy trưởng các lực lượng cứu nạn trong hầm thủy điện Đạ Dâng cho biết, do hầm quá chật hẹp, khó đưa máy móc, thiết bị vào nên lực lượng công binh đã đào hầm theo phương pháp “hầm trong cát”. Đây là phương pháp được bộ đội áp dụng hiệu quả trong thời chiến, nhằm tránh tác động của địa chấn. Phương án này đã phát huy hiệu quả khi lực lượng công binh tiếp cận với 12 nạn nhân chưa đầy 24 giờ đào hầm.

“Đào hầm trong cát là phương án rất khó khăn bởi mức độ sụt trượt của cát rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự tinh nhuệ của lực lượng công binh, chúng tôi đã thành công, 12 nạn nhân được giải cứu an toàn”, đại tá Hùng nói.

Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn Công binh 293 (Binh chủng Công binh) kể lại: “Khi đào ở mét thứ 14 trong hầm, một tia sáng lóe lên phía trước, ngay lập tức, chúng tôi báo với chỉ huy, và nhận được chỉ đạo phải bình tĩnh và tăng tốc đào hầm xác định nguồn ánh sáng đó. Biết sắp tiếp cận với các nạn nhân, chúng tôi không đào diện tích lớn như ban đầu mà chỉ đào nhỏ đủ một người chui. Làm sao phải tiếp cận với các nạn nhân một cách nhanh nhất”.

“Qua ánh đèn phía trước, tôi gọi to: 'Có ai đó không? Có ai đó không?' Phía bên kia đáp lại: 'Cứu chúng tôi với mọi người ơi, cứu chúng tôi với'. Guồng tay công binh của chúng tôi đào nhanh hơn. Trái tim tôi và các đồng đội thôi thúc phải đào thật nhanh tiếp cận đưa các nạn nhân ra ngoài, không để họ phải chờ thêm một giây phút nào nữa nhưng đào phải đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người”, trung úy Tiền thuật lại.

Niềm hạnh phúc của người lính trước khi xuất ngũ

"Sau những nhát cuốc cuối hầm, lực lượng công binh đã thông với khu vực 12 nạn nhân gặp nạn. Từ phía đoạn hầm kia, một nạn nhân băng qua dòng nước trong hầm ngập tới ngực lao tới. Nhìn thấy người này, tôi mừng đến trào nước mắt, nhưng kịp nén lại và khẩn trương tiếp cận với các nạn nhân. Khi thấy lực lượng cứu hộ, mọi người hét toáng lên 'Được cứu rồi, được cứu rồi'. Có người muốn ngất xỉu, chúng tôi phải liên tục trấn an: 'Cứu được rồi, mọi người an tâm nhé. Chúng tôi sẽ đưa mọi người ra ngoài'", trung úy Tiền, người đầu tiên tiếp cận với các nạn nhân, kể.

Binh nhất Hoàng Văn Thảo, người thứ 2 tiếp cận với các nạn nhân, xúc động kể lại: “Lúc thấy chúng tôi, mọi người từ vẻ hoảng loạn sang vui mừng, một số nạn nhân khóc vì được cứu sống. Lúc đó, các nạn nhân yếu lắm, biết mình được cứu, nhiều người xúc động quá đã lịm đi. Các nạn nhân sau đó lần lượt đưa ra ngoài. Lúc đó tôi đã khóc. Khóc vì hạnh phúc. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa tôi xuất ngũ. Đây là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời lính của tôi”. 

Các nạn nhân lần lượt được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn sau hơn 80 giờ mắc kẹt trong hầm trong màn đêm kèm theo cái lạnh thấu xương và nỗi sợ hãi bao trùm.

Chị Hoàng Thị Hằng (quê Nam Định, chị ruột của nạn nhân Hoàng Đình Thịnh) khi thấy lực lượng cứu hộ đưa em trai mình ra khỏi hầm đã lao đến bên em trai khóc và quỵ xuống vì quá xúc động. Chị Hằng nói: “Cứ tưởng tôi không bao giờ gặp được em trai mình nữa. Cha mẹ già ở quê mấy ngày nay hay tin em gặp nạn cứ khóc hoài. Giờ em tôi đã được cứu rồi. Tôi đã gọi điện thoại về nhà thông báo em đã được cứu”.

Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết, việc đào 2 đường hầm cùng lúc thể hiện quyết tâm cao của lực lượng cứu hộ. Với điều kiện địa chất thuận lợi hơn nên đội cứu hộ ngách bên tay trái đã tạo bất ngờ khi giải cứu các nạn nhân sớm hơn kế hoạch. Theo dự kiến, ở ngách của lực lượng công binh phải đào 30m mới tới các nạn nhân nhưng ở mét thứ 14 thì đã phát hiện những người mắc kẹt.

Hiện sức khỏe và tinh thần của 12 nạn nhân đã ổn định và họ đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng theo dõi sát sao.

Diễn biến vụ việc

Trước đó, vào 7h ngày 16/12, 12 công nhân đang làm bên trong hầm thủy điện bị mắt kẹt do sập hầm. Sau đó, lực lượng cứu hộ tham gia tổ chức giải cứu các nạn nhân. Đến 21h cùng ngày, một mũi khoan được khoan vào nơi các nạn nhân để tiếp sữa và cháo.

Đến ngày 17/12, các nạn nhân vẫn mắc kẹt bên trong. Trong khi đó mực nước trong hầm đã dâng cao đến ngực nhưng phương án khoan và đào hầm vẫn chưa vào được bên trong.

Đến ngày 18/12, các mũi khoan để hút nước và thông hơi gặp khó khăn do vấp phải đá. Trong ngày 18/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thị sát tình hình và đồng ý cho lực lượng công binh đào ngách hầm bên trái để đề phòng khi đào ngách hầm bên phải không đến đích.

Ngày 19/12: hai đường hầm cứu nạn được đào nhanh hơn, nhiều tín hiệu cứu sống khả quan hơn. Đến 16h30, đường hầm của lực lượng công binh đã tiếp cận với nạn nhân và các nạn nhân được giải cứu an toàn.

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: nan nhan sap ham , sap ham , sap ham da dang , lam dong , sap ham thuy dien , cuu ho nan nhan sap ham , tin , bao