Giải cứu công nhân sập hầm: Những bất ngờ giờ mới tiết lộ
Chủ nhật, 21/12/2014 10:52

Trong quá trình cứu hộ 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, ngoài công tác đào hầm tiếp cận nạn nhân, công tác y tế cũng đặc biệt được quan tâm.

Giải cứu công nhân sập hầm: Những bất ngờ giờ mới tiết lộ

Giải cứu công nhân sập hầm: Những bất ngờ giờ mới tiết lộ

Kế hoạch chu đáo

Sáng 19/12, Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, phương án cấp cứu các công nhân đã được thống nhất của các lực lượng cứu hộ và lãnh đạo Bộ Y tế. Theo đó, sẽ cấp cứu tại chỗ, mọi việc tại chỗ, bằng mọi giá tiến hành tại chỗ, vì đưa ra chuyển bệnh nhân đi có thể nguy hiểm. Ngay khi có bệnh nhân ra được phải có bác sĩ có mặt tận nơi, ít nhất là 2 bác sĩ chuyên về hồi sức và chấn thương chỉnh hình tục trực để phân loại sức khỏe từng người để có phương án cấp cứu hợp lý. Sau đó có lực lượng cứu hộ di chuyển bệnh nhân ra. Lập lán trái y tế, kể cả lán trại chỉ huy cũng sẽ thành lán cấp cứu. Tại các lán trại, các phương tiện chữa trị, thuốc men đều đã chuẩn bị sẵn sàng, như chăn, túi giữ nhiệt, thuốc men, máy mở, máy xốc điện, bình ô xi…

vu-sap-ham-thuy-dien1

Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: L.H.V.

Lực lượng cứu hộ sẽ mất khoảng 5 phút để di chuyển bệnh nhân từ vị trí sạt lở tới cửa hầm, dù có thể người đó sức khỏe vẫn tốt sẽ vẫn phải đưa lên cáng và lực lượng cứu hộ đưa ra. Tiếp đó, các bác sĩ của 3 lực lượng là Quân y, Bệnh viện Chợ Rẫy, và lực lượng y tế tỉnh Lâm Đồng sẽ túc trực ở cổng hầm để đón các công nhân. “Mỗi công nhân sẽ luôn có tối thiểu một bác sĩ và y tế bên cạnh để theo dõi, dù nạn nhân có gì hay không, để phản ứng kịp thời với những diễn biến tiếp theo. Sẽ có 3 lán sẵn sàng đón bệnh nhân ở phía ngoài. Việc đầu tiên là làm ấm bệnh nhân”, bác sĩ Trường nói.

Theo bác sĩ Trường, quan điểm chung là cứu chữa tại chỗ, khi cần thiết mới phải chuyển ngay các nạn nhân tới cơ sở y tế. Sau khi theo dõi tại chỗ để các nạn nhân trở lại ổn định, lúc đó mới tính phương án chuyển tới các cơ sở y tế cao hơn. Thậm chí, nếu cần thiết sẽ chuyển thêm phương tiện, máy móc, thuốc men, bác sĩ tới tận hiện trường để cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị khu riêng cho 12 công nhân ra là đã có chỗ sẵn sàng, sẵn sàng đón những công nhân được đưa ra chuyển về đó điều trị. Đồng thời, các thiết bị giữ ấm, như chăn gối, quạt sưởi đều đã được trang bị sẵn sàng. Ngoài ra, máy móc, thuốc men cần thiết đều được chuẩn bị đầy đủ. Xe của bệnh viện cũng đã được điều động chờ sẵn ở hiện trường để khi có công nhân được đưa ra, sức khỏe ổn định là có thể chuyển ngay về bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng điều trị. Tại bệnh viện, một kíp bác sĩ, y tá cũng đều được chuẩn bị và túc trực sẵn sàng khi có bệnh nhân ra là ứng cứu kịp thời.

vu-sap-ham-thuy-dien2

Các công nhân sau khi được sưởi ấm, sức khỏe tạm ổn định được chuyển ra xe để đưa về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chữa trị. Ảnh: L.H.V

Kịch bản bất ngờ

Theo kế hoạch của lực lượng cứu hộ, dự kiến việc đào hầm tới nơi các nạn nhân mắc kẹt phải rạng sáng ngày 20/12 mới xong. Tuy nhiên, lượng đất đá sụt có độ dài ngắn hơn dự báo (dự báo 20m, thực tế chỉ khoảng 17m). Do đó, tới 16h10, lực lượng công binh và lực lượng cứu hộ của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã đào thông được hầm vào trong và bắt đầu đưa các nạn nhân ra ngoài.

Do thời gian được rút ngắn so với kế hoạch, các nạn nhân khi thấy lực lượng cứu hộ đào thông hầm đều ùa ra để ra ngoài, nên việc bố trí cáng đưa các nạn nhân ra không kịp. Cuối cùng, có nạn nhân thì được cáng, có người được cõng, có người được khiêng “tay bo” ra khỏi hầm. Nên kế hoạch phân chia bác sĩ túc trực từng công đoạn không thực hiện được. Những công nhân đưa ra liền được đặt lên những chiếc giường gần nhất, để bác sĩ dùng các biện pháp sưởi ấm cho các nạn nhân.

Tuy kế hoạch có thay đổi chút ít, nhưng việc cấp cứu vẫn diễn ra thuận lợi. Sau khoảng 30 phút được giữ ấm để tăng thân nhiệt, các công nhân dần hồi tỉnh và được đưa ra xe cứu thương chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cứu chữa. Tuy nhiên, cũng vì bất ngờ với việc cứu hộ nhanh hơn kế hoạch, lượng xe được điều động tới hiện trường bị thiếu, nên việc chuyển bệnh nhân bị gián đoạn đôi chút.

Riêng với trừng hợp chị Đặng Thị Hồng Ngọc (công nhân nữ duy nhất bị mắc kẹt), phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ hồi sức và sưởi ấm, truyền nước, thở ô xi… chị Ngọc mới dần hổi tỉnh. Tuy nhiên, khi chuyển viện chị mới đủ tỉnh để nhận biết nhưng chưa thể nói được. Tới 18h20, chị Ngọc được đưa lên xe và chuyển về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, kết thúc tại hiện trường công tác cứu hộ 12 lao động mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dân.

vu-sap-ham-thuy-dien3

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc là người cuối cùng được đưa khỏi lán y tế để chuyển về Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chữa trị. Ảnh: L.H.V.

Người mắc kẹt được ăn dung dịch “đặc biệt”

Trong quá trình các lao động bị mắc kẹt trong hầm, trong 2 ngày các công nhân phải ăn cháo gà, xúc xích, sữa. Tuy nhiên, từ tối 19/12, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cung cấp loại dung dịch dinh dưỡng năng lượng cao cho các công nhân ăn thay các loại đồ ăn khác (cháo, sữa, xúc xích…). Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, dung dịch này bổ sung dưỡng chất như đường, đạm muối…; dung dịch có màu socola, được nhập khẩu, do Công ty Nutricia (New Zealand) sản xuất.

Mỗi ngày, các công nhân được bơm tối thiểu 1000ml, 3 tiếng dung dịch này lại được bơm vào cho các công nhân một lần. Được biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn thường dùng dung dịch này cho các bệnh nhân hồi sức tích cực. Bệnh viện Chợ Rẫy đã đem tới 50 thùng (mỗi thùng 8 bịch).

Tienphong.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: sap ham thuy dien , nan nhan vu sap ham thuy dien , thuy dien da dang , tai nan sap ham , ham thuy dien , giai cuu cong nhan sap ham , tin , bao