'Làm xiếc' với sim VIP
Thứ bảy, 29/06/2013 20:15

Sim số đẹp (sim VIP) có giá từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng nhưng nhiều người khi mua hoặc cầm cố, thậm chí chỉ cần hớ hênh lúc sử dụng, sẽ bị “cướp” ngay trước mặt.

Sim số đẹp được bày bán tại hầu hết các tiệm điện thoại.

Sim số đẹp được bày bán tại hầu hết các tiệm điện thoại.

Mới đây, anh Lê Tấn Thành - ngụ quận 1, TP.HCM - mua một chiếc sim còn nguyên kit có cặp số kép cuối cùng với giá 20 triệu đồng của một người rao bán trên mạng. Sau khi trao tiền và đưa thông tin cá nhân nhờ người này đăng ký, Thành tưởng mọi chuyện đã xong. Tuy nhiên, sử dụng sim này chưa đầy 1 tháng, điện thoại của anh bỗng nhiên bị khóa.

"Khi tôi đến trung tâm thông tin di động khiếu nại, nhân viên cho biết có người đến báo mất điện thoại rồi khai ra 10 cuộc gọi trùng với số sim của tôi đã thực hiện. Do đó, trung tâm đã cấp sim mới vẫn với số cũ cho người kia. Sim số đẹp của tôi đã bị 'cướp' trắng trợn như thế" - anh Thành bức xúc.

Những trường hợp "làm xiếc" với sim VIP như anh Thành xảy ra khá phổ biến gần đây. Trong đó, chị Đỗ Thanh Tuyền - ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM - bị "cướp" sim số "độc" chỉ trong vòng 1 tháng không sử dụng.

Do phải đi công tác nước ngoài dài ngày nên chị Tuyền tháo cất chiếc sim tứ quý (4 số cuối trùng nhau). Khi trở về, chị lắp sim vào thì điện thoại vẫn lặng thinh. "Tôi đến trung tâm di động của mạng Mobifone tìm hiểu thì nhân viên cho biết có một người cũng tên Tuyền đã đến khai báo mất sim. Theo quy định, chỉ cần cung cấp được 10 cuộc gọi qua sim đã mất là nhà mạng sẽ cấp lại sim mới với số cũ. Có lẽ ai đó trong cơ quan thừa lúc tôi để hớ hênh điện thoại di động đã đánh cắp thông tin cá nhân, chờ tôi đi công tác không sử dụng rồi ra tay "làm xiếc" - chị đoán.

Sim VIP có giá từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhiều người kẹt tiền đã đem cầm sim số đẹp nhưng do chủ quan khi làm thủ tục nên bị mất oan. Anh Bùi Văn Chí - ngụ quận 6, TP.HCM - ấm ức: "Vừa qua, do cần tiền gấp, tôi đến một cửa hàng ở đường Hùng Vương để cầm chiếc sim ngũ quý (5 số cuối trùng nhau). Chủ cửa hàng ra giá chỉ 15 triệu đồng, trong khi sim này trên thị trường phải là 50 - 70 triệu đồng. Vì kẹt tiền quá, tôi đành chấp nhận và làm thủ tục sang tên cho chủ cửa hàng".

Cửa hàng quy định mỗi ngày anh Chí phải trả 60.000 đồng, khi nào có đủ 15 triệu đồng thì đến chuộc sim và sang tên lại. Nếu liên tục 10 ngày không trả tiền, sim của anh sẽ bị mất. "Sang tháng thứ hai, tôi có đủ 15 triệu đồng nên đến chuộc sim về. Chủ cửa hàng thản nhiên cho biết sim này có người mua rồi, họ sẽ đền lại số tiền tôi đã trả hằng ngày.

Tôi không chịu, chủ cửa hàng liền thách cứ đi kiện. Lúc đó, tôi mới ngớ người ra vì tên chủ sở hữu sim đã thuộc về cửa hàng rồi, giờ nói gì được họ! Tôi đành gọi vào số cũ kiểm tra thì người bên kia bảo họ đã mua sim của tôi với giá 55 triệu đồng" - anh Chí ngao ngán.

Tỉnh táo và bảo mật

Theo một chuyên viên mạng VinaPhone, nhiều người còn nhầm lẫn giữa sim nguyên kit và sim mới 100%. Hiện nay, có một thiết bị gọi là hộp kích hoạt. Chỉ cần nhét thẻ nguyên kit vào hộp, nối với điện thoại di động là người ta đã có thể kích hoạt sim bằng tên của họ rồi liên lạc 10 cuộc.

Khi sim bán xong, họ đến nhà mạng báo mất và khai những cuộc gọi này để được cấp lại sim khác cùng số. Tương tự, người dùng sim số đẹp nếu không cảnh giác, kẻ gian chỉ cần nắm được tên chủ sở hữu và 10 cuộc gọi, chờ khi chủ ngưng sử dụng một thời gian là đến nhà mạng khai báo để đổi sim mới.

"Sim nguyên kit, chưa bẻ ra không hẳn đã an toàn. Để kiểm tra, người mua chỉ cần dùng số điện thoại khác gọi vào số sim định mua là biết ngay. Người mua cũng nên đăng ký thuê bao trả sau với đầy đủ thông tin cá nhân. Đây sẽ là bằng chứng để khiếu nại khi xảy ra tình trạng bị "cướp" sim" - chuyên gia này khuyên.

Soha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: tứ quý , Việt Nam , VinaPhone , Mobifone , Hùng Vương , Hóc Môn , , Vip , Piaggio , sim số đẹp