Làm trái ý người đã khuất có bị báo oán?
Thứ sáu, 19/07/2013 15:01

Chuyên gia tư vấn tâm linh trở lại với bạn đọc xung quanh vấn đề hình thức mai táng người đã khuất.

Ở một số nơi, tro cốt người chết sau khi hỏa táng sẽ được rải xuống sông, biển (Ảnh minh họa)

Ở một số nơi, tro cốt người chết sau khi hỏa táng sẽ được rải xuống sông, biển (Ảnh minh họa)

HỎI: Chồng tôi bị bệnh nan y, trước khi mất có dặn dò hãy đem đi thiêu rồi rải tro xuống sông, xuống biển, nhưng các con của tôi nói rằng nên địa táng để thỉnh thoảng thăm viếng mồ mả. Chúng tôi đã làm trái ý người mất, nay rất băn khoăn, day dứt. Ngày nào tôi cũng tụng kinh, niệm Phật, ăn chay kỳ 10 ngày/ tháng. Như vậy về mặt tâm linh có ảnh hưởng như thế nào không, cách giải quyết sao cho tốt nhất? Xin chân thành cám ơn (T. Ch -  Thủ Đức, TP.HCM).

TRẢ LỜI:

Chuyện xa lìa người thân, dù gia đình cô đã dự kiến trước, nhưng vài tháng đầu ít nhiều gia quyến vẫn không khỏi nhớ nhung buồn bã do sự trống vắng, hụt hẫng bởi những kỷ niệm của người thân rất khó nhạt phai, từ giọng nói, tiếng cười… Sự luyến tiếc cộng với kém hiểu biết của con cháu dẫn tới xử lý việc mai táng chủ quan, không theo ý nguyện của người mất cũng ảnh hưởng đến sự siêu thoát của vong hồn. Nhiều nơi ở nông thôn, gia đình còn chôn cất ông bà ngay trong khu vườn cạnh nhà ở, để họ cảm nhận người mất vẫn gần gũi; nhưng mọi người có biết đâu, chính tấm lòng tiếc nuối này lại làm cho ông bà càng khổ sở và khó được siêu thoát.

Việc chồng cô có dặn dò khi mất đưa đi hoả táng có ý nghĩa rất tích cực, vừa hợp với thời đại như hợp vệ sinh, gọn gàng đỡ tốn kém, vừa giúp cho vong hồn không còn phải nhìn ngắm thân xác rã tan, khổ đau mỗi khi con cháu ra mộ khấn vái kêu về. Nguyên nhân là lúc còn sống cha mẹ chưa giải thích cho các con hiểu hết ý nghĩa về hoả táng, hiện nay nhiều gia đình khác cũng mắc phải trường hợp của cô. Tuy nhiên việc lỡ chôn cất rồi cũng không nên buồn khổ day dứt làm mất hoà khí gia đình, vì đối với tâm linh, khi thật sự thấy biết lỗi lầm của mình thì hoàn toàn giải quyết được, quan trọng là sự thành tâm sám hối. Cô và các con hãy xem mồ mả, hài cốt chỉ là cát bụi và luôn hướng tất cả vong hồn của gia tộc về bàn thờ Phật và tổ tiên, thường xuyên tụng niệm, ăn chay như cô đang làm, đó là cách báo hiếu công ơn ông bà, cha mẹ tuyệt vời nhất; còn mồ mả hãy chọn thời điểm nào phù hợp nhất đem thiêu, rồi rải tro ra sông biển theo lời dặn dò của người thân, tôi nghĩ chồng cô chắc cũng an lòng.

Trong quá trình tìm mộ trước đây, tôi có dự một vài buổi Lễ Cầu Siêu. Nhiều trường hợp hương linh liệt sĩ nhờ tôi trao lại lời nhắn nhủ cho các gia đình đi dự lễ: "Chúng tôi đã hy sinh vì dân vì nước có ham muốn gì cái xương cái mả, cõi giới chúng tôi đang ở hầu hết đỡ khổ hơn cõi giới ông bà đang ở nghĩa trang rất nhiều. Đi tìm mộ chỉ là cái cớ để mong mọi người nhớ lại giai đoạn lịch sử để sống thực sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; vì với lối sống ứng xử vị kỷ như hiện nay, chúng tôi rất lo khi họ mất đi sẽ tự đày đoạ về cõi giới của ma quỷ đau khổ hơn chúng tôi gấp trăm vạn lần. Chúng tôi rất yêu thương mọi người nên mới nói lên lời này". Thông điệp này lặp đi lặp lại với tôi nhiều lần, khi tìm hiểu và thực hành Phật pháp tôi mới ngộ ra được, và tôi luôn xem đây là lời dạy quí báu của hồn thiêng đất nước, anh linh tổ quốc, của các bậc Bồ Tát thị hiện. Nay tôi xin được ghi lại để gia đình cô và mọi người cùng chiêm nghiệm để tránh chủ quan ngay khi làm người từng hành vi tham sân si nhỏ vẫn rất dễ bị cuốn hút vào cõi giới xấu khi lìa trần.

Kính chúc gia quyến cô được an vui, tinh tấn thực hành Phật pháp!

PV

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Giải đáp tâm linh , Tâm linh , Mê tín , Tín ngưỡng , Nhà ngoại cảm , Hỏi đáp , Mai táng