Nhiều người mắc bệnh thần kinh đến mức chiếm tỉ lệ hơn 10% dân số, đó là ở xóm Chùa (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Một căn nhà có người bị bệnh |
Từng có đề xuất dời làng đi nơi khác tránh “mảnh đất kỳ quái” nhưng người dân không chịu… Thế nên nhiều năm nay, xóm nhỏ vẫn mang tiếng “người khùng nhiều hơn người tỉnh”.
Tuyệt tự, sạt nghiệp vì bệnh tật
Trưởng thôn Phú Gia, ông Tôn Thất Tuấn liên tục thở dài ảo não khi kể về sự thật ảo não tại xóm Chùa. Lục trong đống sổ sách lưu số liệu những người bị bệnh tật hành hạ, ông Tuấn rầu rĩ thuật lại một câu chuyện điển hình là gia đình ông Trịnh Mai, nay không còn ai nối dõi tông đường. “Toàn bộ anh em, vợ con đến cháu chắt ông ấy đều đột nhiên bị đổ bệnh, tinh thần không ổn định mà người ta vẫn gọi là bị điên.
Dần dần tất cả người bệnh đều qua đời. Người thì chết tại nhà, người bị tai nạn giao thông cũng bỏ mạng dọc đường. Chỉ còn lại đứa con gái nhưng bỏ nhà đi lang thang nay mất tích luôn. Ngôi nhà hoang nơi gia đình đó sinh sống vẫn còn nguyên”, vị trưởng thôn chỉ tay về mái nhà xập xệ hoang tàn.
Đồng cảnh ngộ bi thảm là hộ ông Phan Tường có đến 3 người con bị bệnh tâm thần. Vẻ mặt tiều tuỵ, người cha tuổi xấp xỉ lục tuần cho biết vợ chồng ông có cả thảy bốn đứa con thì nay 3 đứa bị “giật giật, tê tê” (tiếng địa phương ám chỉ người bị bệnh tâm thần). Ông nhớ như in cách đây đúng 13 năm, đứa con gái đầu vì si tình rồi thay đổi tính cách, ngày ngày đi lang thang ngoài đường chửi bới lung tung, hễ gặp người lạ lại la hét.
Lúc đầu cứ tưởng con gái mình bị phụ tình, dần sẽ trở lại bình thường nhưng không ngờ bệnh tình ngày một nặng. Hoảng hốt, vợ chồng ông bán hết thóc gạo trong nhà chạy chữa cho con hết chỗ này đến chỗ khác đều thất bại. “Bác sĩ nói nó bị chứng bệnh tâm thần phân liệt. Chữa trị mãi nhưng bó tay, nay để ở nhà, suốt ngày nó hết đứng bụi chuối lại trùm chăn nằm thui thủi góc giường”, người mẹ rớm nước mắt dỗ dành đứa con gái bất hạnh.
Người mẹ chua xót cho biết thêm tai hoạ tiếp tục ập xuống gia đình bà khi vài năm sau đó hai người con khác cũng lần lượt bị bệnh tâm thần. Giọng bà đứt quãng : “Năm năm trước, thằng con trai đang làm thợ hồ thì đột nhiên đổ bệnh, gia đình đem lên viện thuốc thang cũng chỉ được mấy hôm rồi đâu lại vào đó, nó phá phách dữ quá nên tui phải gửi vào trại bảo trợ xã hội tỉnh. Chị gái nó thời gian sau cũng phát bệnh theo, theo chân em vào trại”.
Một con số kinh hoàng khác do vị trưởng thôn cung cấp là ở xóm Chùa, ngoài những gia đình nêu trên, vẫn còn hơn chục hộ dân khác trên tổng số 30 hộ dân rơi vào cảnh ngộ éo le, cùng quẫn do bệnh thần kinh.
Một người dân bên đứa con gái thần kinh hơn 10 năm nay
Chết tên “xóm điên”
Người đi ngang Quốc lộ 1A đoạn chân đèo Phú Gia ít ai biết đây là nơi ẩn chứa nhiều số phận bất hạnh đến vậy. Trưởng thôn Tuấn cho biết từng nghe cha ông kể lại từ xa xưa, ở xóm đã có hiện tượng nhiều người bị điên. Thực tế kinh hoàng ấy tiếp diễn và đeo đuổi đến hiện tại. “Đa phần người bị điên loạn đều phát bệnh ở độ tuổi từ 20 trở lên, trước đó không có biểu hiện gì bất thường, đều minh mẫn và khoẻ mạnh bình thường.
Đặc trưng khác nữa của những người điên ở xóm là hiếm khi ra đường phá hoại, gây mất trật tự mà chủ yếu đi lang thang khắp nơi, hoặc nằm lì một chỗ trong nhà. Hiện xóm có khoảng 200 nhân khẩu thì đã trên 20 người bị điên”, ông Tuấn nói.
Chưa hết xôn xao chuyện xóm nhỏ có quá nhiều người bị bệnh tâm thần, mới đây xóm Chùa tiếp tục đón nhận một “người khỉ”. Đó là cái tên dân làng vẫn quen dùng để gọi em Hứa Văn Huy (SN 2002), con trai một gia đình trong xóm. Mặc dù năm nay tròn 10 tuổi nhưng vóc dáng cậu bé còn tệ hơn đứa trẻ lên 5 tuổi. Mẹ Huy cho hay lúc sinh ra em nặng 1,2 kg và bây giờ sau 10 năm, em cũng chỉ nặng chưa đầy 10kg. Khác với nhiều đứa trẻ bình thường, cậu bé sở hữu thân hình nhỏ nhoi, đến nay chưa thể ăn được cơm, chưa một lần cất tiếng gọi mẹ.
“Suốt ngày cháu nó chỉ thích chơi một mình, hễ thấy bóng dáng người lạ là bỏ chạy vào nhà trốn kín. Chân tay nó lúc nào cũng ngọ nguậy, đầu thì ngóc lên ngóc xuống như khỉ nên người ta thường gọi nó là “cu khỉ”, “người khỉ””, người mẹ não lòng. Chị nhớ lại lúc vừa sinh con đã dự cảm được điều dữ bởi trẻ bình thường chỉ ít giờ sau khi sinh đã biết bú sữa mẹ, đằng này Huy phải sau bửa tháng trời mới tự bú được.
Người mẹ không giấu được nước mắt sụt sùi: “Hồi trước tôi có đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ bảo rằng cháu bị tổn thương từ lúc còn trong bào thai và không thể phát triển thêm nữa. Ngoài mẹ ra nó chẳng chịu chơi với ai, tôi có bảo gì nó cũng chỉ ngây mặt ra nhìn”. Thương con nhưng do kinh tế khó khăn, người mẹ chỉ biết phó mặc cho “số trời”. Cứ mỗi dịp có đoàn thầy thuốc từ thiện nào ghé địa phương, chị lại bế con đến khám và không biết bao nhiêu lần người mẹ này đã nhen nhóm hi vọng, rồi tuyệt vọng.
Chưa lời giải mã
Chưa ai có thể lí giải tại sao miền quê này lại có quá nhiều người điên đến vậy. Trưởng thôn Tuấn cho hay ngày trước người dân đổ lỗi cho nguồn nước bị nhiễm độc dẫn đến bệnh tật, UBND tỉnh sau đó đã cử đơn vị chuyên môn về xét nghiệm mẫu nước, cấp phát bình lọc nước, làm hệ thống nước máy miễn phí cho tất cả hộ dân ở xóm. Thế nhưng như lời ông Tuấn ngán ngẩm: “Có nước sạch rồi tình hình vẫn y nguyên, người tâm thần vẫn xuất hiện đều đều”. Có ý kiến khác lại cho rằng bệnh điên là do di truyền từ đời này sang đời khác, nhưng giả thiết này vẫn chưa đủ sức thuyết phục bởi nhiều gia đình có ông bà, bố mẹ đều khoẻ mạnh; bất chợt con cháu lại điên.
Chưa thể lí giải về mặt khoa học, người dân đổ lỗi cho “thần linh quở trách”. Người ta cho rằng rằng trong xóm có ngôi chùa cổ nên mới có tên xóm Chùa, qua thời gian hàng trăm năm, cổ tự xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa và “ngôi chùa nắm giữ mạch sống của xóm, nay chùa bị hư hỏng nên thần linh trách phạt để nhắc nhở dân làng”. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cách đây hai năm người dân cùng nhau đóng góp tiền trùng tu ngôi chùa cổ. “Tình hình vẫn dậm chân tại chỗ, ít bữa lại được tin nhà này nhà kia có thêm người bị điên”, vị trưởng thôn ngán ngẩm.
Đại diện chính quyền xã, ông Trần Thiện Diệu, cán bộ văn phòng xã cho biết tình trạng người bị tâm thần ở xóm Chùa đã xuất hiện từ lâu, từ năm 2007 đến nay số lượng người bị bệnh tăng lên Các biện pháp khắc phục tạm thời, theo ông Diệu là chính quyền xã đã cấp phát thuốc miễn phí thường xuyên, hướng dẫn người dân khám chữa bệnh cũng như ưu tiên mọi chế độ chính sách- xã hội đối với dân cư xóm Chùa. Cũng theo ông Diệu, dù hàng chục đoàn nghiên cứu đã về tìm hiểu nhưng chưa thể lí giải nguyên nhân. Trong quá khứ, chính quyền địa phương từng đưa ra phương án di dời toàn bộ cư dân xóm sang nơi ở mới nhưng người dân không đồng tình bởi không muốn rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn.
Vị cán bộ xã cho biết qua bài báo này, địa phương cũng mong những nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, giúp người dân xóm Chùa thoát khỏi thảm trạng buồn nêu trên.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?