Kỳ bí câu chuyện 'Thần rừng' biết… bắt vợ
Thứ năm, 10/04/2014 18:32

Thôn Đèo Giả (xã Đèo Gia, Lục Ngạn, Bắc Giang) phần lớn là người dân tộc Cao Lan sinh sống. Ở đây, không ai không biết tới câu chuyện về thần rừng Thó linh thiêng, kỳ bí.

Ở nhiều nơi, người dân xem cúng thần rừng là một tục thiêng liêng (Ảnh minh họa)

Ở nhiều nơi, người dân xem cúng thần rừng là một tục thiêng liêng (Ảnh minh họa)

Thực hư thế nào chưa ai rõ, chỉ biết rằng trong rừng có nhiều cây gỗ quý, nhưng ai cũng sợ, không dám bén mảng xâm phạm.

“Thần rừng” biết… bắt vợ

Thôn Đèo Giả nằm cách trung tâm huyện Lục Ngạn khoảng 40km, lọt thỏm giữa khu rừng đại ngàn, đường đi không mấy thuận lợi. Dù cuộc sống của người dân ở đây đã hiện đại hơn trước rất nhiều, song họ vẫn có phần tách biệt với bên ngoài. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng riêng biệt của dân tộc Cao Lan. Đặc biệt, câu chuyện về vị thần rừng ngự trị trên khu rừng Thó, từng “đoạt mạng” một người đàn bà có chồng ở thôn Đèo Giả, đã trở thành câu chuyện truyền miệng của người dân bao năm nay.

Tuy vậy, để người lạ có thể tìm hiểu rõ ngọn nguồn của câu chuyện, không phải là việc đơn giản. Người dân dường như rất e ngại mỗi khi nhắc tới khu rừng Thó, họ sợ bị “thần rừng” trách phạt. Bởi vậy, khi thấy có người hỏi thăm về khu rừng Thó, bà con đều xì xào, bàn tán với nhau bằng tiếng Cao Lan với vẻ mặt đầy khó hiểu. Sau đó, họ tìm cách lảng tránh, không tiếp chuyện. Phải mất rất nhiều thời gian, tìm đến một cao niên trong thôn, câu chuyện mới được kể lại.

Bà Tống Thị Chựn (68 tuổi) e dè cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, đã được nghe người già kể lại rồi. Rằng rừng Thó có vị thần ngự trị. Thần thích một người đàn bà trong thôn, dù người đàn bà đó đã có chồng con đề huề nhưng vẫn quyết bắt về làm vợ thần”.

Theo bà Chựn, ngày đó có cặp vợ chồng rất nghèo, để mưu sinh, họ phải lặn lội vào rừng kiếm củi, kiếm rau về bán. Trong một lần lên rừng chặt gỗ, người chồng không may bị cây gỗ đè gãy một chân, từ đó, không lên rừng được nữa. Thương chồng thương con, người vợ vẫn ngày ngày cần mẫn một mình vào rừng kiếm củi. Thấy khu rừng cạnh làng bấy lâu nay âm u, ít người qua lại, nghĩ củi ở đó sẽ nhiều, người vợ bèn tìm đường vào chặt củi. Kể từ ngày người vợ “liều lĩnh” vào rừng mới, cuộc sống gia đình khá lên trông thấy. Không cần nhọc công chạy chỗ này chỗ kia, mà chỉ cần nhặt nhạnh ngoài bìa rừng là đã được rất nhiều củi mang về. Sau đó, thấy trong rừng có nhiều gỗ lim, người vợ không ngần ngại một mình đốn cây kéo ra chợ bán. Càng lúc, chị càng vào sâu trong rừng.

“Người già kể lại, hôm ấy vào rừng, không thấy chị trở ra. Mấy ngày sau, người nhà lo lắng chuẩn bị đi tìm thì bỗng chị trở về. Cả làng tá hỏa khi thấy trên người chị có nhiều vết thương và đầu óc không còn minh mẫn. Miệng chị cứ lẩm bẩm “Tôi có chồng con rồi, tôi không thể theo ông được” hoặc “Tôi đã gặp thần rừng, thần rừng muốn bắt tôi làm vợ”. Tình trạng ấy tiếp diễn nhiều ngày, khiến người nhà vô cùng lo lắng”, bà Chựn kể lại.

Sau đó, người nhà mời thầy mo về cúng bái, thầy phán rằng người đàn bà đã bị ma rừng bắt mất hồn, không có cách nào cứu chữa. Nửa tháng sau, người đàn bà qua đời. Chứng kiến chuyện kỳ bí, dân làng đồn đại vì chị dám vào rừng kiếm củi, nên bị thần rừng bắt về làm vợ. “Nghe câu chuyện lạnh sống lưng, dân làng ai ai cũng sợ. Ít lâu sau, làng cử những người đàn ông khỏe mạnh lên bìa rừng xây một cái miếu để thờ cúng “thần”, mong được bình yên. Cũng từ đó, không ai dám bén bảng vào rừng nữa”, bà Chựn chia sẻ.

than-rung-101

Ảnh minh họa

Sự thật về khu rừng thiêng

Tuy thế, khi tìm đến gặp ông Chung Văn Thao, trưởng thôn Đèo Giả, để tìm hiểu về câu chuyện, lại được nghe một sự thật khác hẳn. “Khu rừng Thó luôn linh thiêng trong tâm trí người dân thôn. Nhưng câu chuyện “thần rừng” bắt vợ là không có thật. Bởi người đàn bà đó chính là cô ruột của tôi, tên Chung Thị Dít”, ông trưởng thôn cười khẳng định.

Ông Thao kể cô mình vốn là xinh đẹp có tiếng trong vùng. Việc bà Rít lấy người chồng nghèo khó, rồi ông bị gỗ đè vào chân đều là có thật. “Khi ấy, cô tôi mới có con gái đầu lòng. Chú ấy bị thương không làm việc nặng nhọc được nữa, gánh nặng gia đình đều do cô cáng đáng. May mắn, cô tôi có sức khỏe, ngày nào cũng lên rừng kiếm gỗ, kiếm củi mang ra chợ bán, kiếm tiền nuôi chồng nuôi con”, ông Thao chia sẻ về cô ruột mình.

Vào cái ngày định mệnh, ông Thao nhớ lại, khoảng cách đây hơn 60 năm, khi ông mới lên sáu, lên bảy tuổi. Hôm ấy, đang chơi với cô con gái bốn tuổi của vợ chồng bà Dít, ông bỗng thấy nhiều người khiêng bà Dít ở đâu về trong tình trạng mình mẩy đầy máu me. “Người làng xì xào, bàn tán rằng cô Dít vào rừng kiếm củi, mạo phạm đến thần rừng nên bị trách phạt. Sau đó, người nhà mời thầy mo về cúng mà không đưa cô đi chữa chạy vết thương nên mấy ngày sau cô đã không qua khỏi”, nhắc tới người cô xấu số của mình, ông Thao đỏ hoe mắt.

Sau này, khi lớn lên, nhiều lần ông được cha mẹ kể, cô ông bị thương và qua đời là do bị ngã. Làm việc quá sức nên khi cố vần củi từ trên rừng xuống, bà ngất đi, lăn từ trên núi xuống. Khi người dân phát hiện, bà đã mất máu nhiều, không còn sức để chống chọi vết thương. “Cô tôi là người đầu tiên đặt chân vào rừng Thó để kiếm củi, chặt gỗ. Vì thế, dân làng đồn thổi chuyện thần rừng báo oán rồi xây miếu thờ. Thực ra, cô tôi mất vì bị thương nặng, không được chữa trị kịp thời mà thôi”, ông trưởng thôn nhận định.

Trao đổi với câu chuyện, anh Trần Văn Sỉu, bí thư thôn Đèo Giả, cho biết, người Cao Lan vốn rất tin vào những thế lực siêu nhiên. Vì vậy, khi tai nạn xảy ra với người phụ nữ, họ mới cho rằng có vị thần rừng ngự trị trên khu rừng Thó. “Câu chuyện thực hư thế nào không ai biết. Nhưng nhờ đó mà bao đời nay, cây cối trong rừng Thó vẫn luôn xanh tươi, um tùm”, anh Sỉu chia sẻ.

Theo vị bí thư thôn, rừng Thó chủ yếu là cây lim, cây trám cổ thụ. Những cây gỗ to hai người cao lớn vòng tay ôm không xuể. Thế nhưng, dù biết là gỗ quý cũng chẳng ai dám động vào. Tin rằng có “thần rừng”, nên từ lâu, dân làng đã xây miếu thờ. “Miếu có chín ngăn với chiều dài khoảng 6 mét, làm nơi thờ cúng chung cho cả làng. Mỗi năm làng tổ chức ba đợt cúng bái, mong mùa màng bội thu, cuộc sống an lành. Đó là vào ngày mùng 2/1, mùng 2/2 và mùng 2/6 theo âm lịch”, anh Sỉu cho biết.

Vị bí thư thôn giải thích, chọn cúng vào ngày mùng 2, vì theo quan niệm của người Cao Lan, ngày này là ngày đẹp nhất trong tháng. Lễ to nhất là ngày mùng 2 Tết, cả làng cúng lễ để động đất động thổ cho cả năm. Họ quan niệm nếu không tổ chức động thổ, xin phép thần rừng, dân làng sẽ không được ra đồng hay lên nương.

Bên cạnh đó, anh Sỉu còn chia sẻ, trong thôn còn có đình thờ thần làng cũng liên quan mật thiết tới việc thờ thần rừng Thó. Ngôi đình này thờ năm người đứng đầu năm dòng họ ở thôn. “Theo người già, năm vị này cai trị năm dòng họ đầu tiên trong thôn. Ở mỗi khu đều có đền thờ họ nhưng hằng năm, cứ vào ngày 15 các tháng: hai, tư, bảy, chín, người dân trong thôn lại tập trung về đình cúng lễ. Khi nào bà con xuống đồng cấy hái tiếp tục ra đây làm lễ để xin xuống đồng. Cấy hái xong, mang cơm mới ra đình trình thần làng. Mọi trình tự cúng lễ ở đình đều được thực hiện sau khi người dân tiến hành cúng lễ ở trên rừng Thó. Đây là trình tự bất di bất dịch bao đời nay dân làng luôn thực hiện”, anh Sỉu nhấn mạnh.

An Khang (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: than rung , rung Tho , Bac Giang , truyen thuyet than rung , tin nguong , bao ve rung , dan toc thieu so , tin , bao