Tục thờ chó đá, tín ngưỡng tâm linh 'hai trong một' thú vị
Thứ hai, 31/03/2014 22:59

Nhiều ý kiến cho rằng cũng như nhiều tín ngưỡng dân gian khác, tục thờ chó đá đã có từ lâu đời trong đời sống tâm linh người Việt cổ.

Thờ chó đá

Thờ chó đá

Khoảng chục năm trở lại đây, trong những cuộc tranh cãi tốn khá nhiều giấy mực, một số nhà nghiên cứu bàn luận xung quanh quan điểm có hay không tín ngưỡng hay tập tục thờ chó đá tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng cũng như nhiều tín ngưỡng dân gian khác, tục thờ chó đá đã có từ lâu đời trong đời sống tâm linh người Việt cổ. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm trái ngược lại, nhận định cổ nhân không thờ phụng loài vật này. Lý do bởi đây là loài vật thấp kém, thậm chí, còn là một trong những món ăn “khoái khẩu” của người Việt. Theo hướng này, họ cho rằng nếu đã là linh vật thờ phụng thì không thể… ăn được. Trong bài viết này, chúng tôi xin mạn đàm xung quanh việc trích dịch một số tài liệu cổ, nhằm làm rõ vấn đề gây tranh cãi ở trên.

Hai hình tượng thờ phụng không thể tách rời

Có thể thấy ngay từ đầu, quan điểm “vật thờ phụng thì không thể thành món ăn”, đã chưa hẳn chính xác. Cần xét ví dụ, hai loài vật được thờ phụng ở rất nhiều nơi là rắn và hổ. Trong các đền chùa miếu mạo, ít nơi nào không có ban thờ Quan Nam Dinh. Ban thờ này được đặt ở sát đất, thường là phía dưới ban thờ Mẫu. Quan Nam Dinh chính là con hổ. Hoặc trong một số loại hình thờ phụng của tín ngưỡng thờ Mẫu, người ta cũng có thể bắt gặp hình tượng Thanh Xà, Bạch Xà uốn lượn, đại diện cho thế lực cõi âm. Thanh Xà, Bạch Xà chính là rắn xanh, rắn trắng. Cả hai hình tượng thờ phụng này chẳng phải đều là món ăn của con người?

Ngày nay hổ là loài vật quý hiếm, được bảo tồn, vì thế những món ăn từ hổ không còn phổ biến. Nhưng có một thời, hổ bị con người săn bắt, xẻ thịt, nấu xương để làm cao hổ cốt. Ngay cả dù đã được bảo vệ, đến thời điểm này, thỉnh thoảng hổ vẫn bị săn bắt trái phép, phục vụ cho nhiều mục đích của con người. Rắn thì chưa vào dạng quý hiếm, vì thế vẫn bị giết thịt thường xuyên. Cách trung tâm Hà Nội không xa, có làng Lệ Mật nổi tiếng toàn quốc bởi những món ăn từ rắn. Sơ lược một số điều như trên để thấy rằng, chưa hẳn linh vật được thờ phụng đã không phải là món ăn của con người. Hơn nữa, linh vật đó chỉ mang thân xác của con hổ hoặc con rắn, nhưng ẩn sâu bên trong, linh vật đó đại diện cho một thế lực thần thánh được con người kính ngưỡng, che chở phù hộ cho con người về mặt tâm linh.

Xét như thế, hình tượng thờ phụng là loài chó cũng vậy. Xác thân là chó nhưng bên trong tượng trưng cho một linh vật, biểu hiện sự may mắn, lòng trung thành, xua đuổi tà ma, cầu tài cầu phúc. Ngoài ra, một điều rất cần lưu ý, hình tượng loài vật này luôn được tạo tác bằng đá. Mà theo nhiều ghi chép của cổ nhân, bản thân đá đã là một tín ngưỡng thờ phụng xuất hiện từ thời cổ xưa.

Như các nghiên cứu về sự hình thành của loài người, đá là chất liệu đầu tiên, gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh. Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loài người (khoảng vài triệu đến tám vạn năm trước Công Nguyên). Với một khoảng thời gian như thế, ấn tượng về đá trong con người chắc hẳn phải rất sâu sắc. Con người cổ xưa từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với đá, hang đá là nơi cư ngụ, đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa. Đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó mật thiết giữa con người với đá trong xã hội nguyên thủy khiến người xưa cảm nhận giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người, thậm chí là nơi trú ngụ cho linh hồn con người sau khi rời bỏ thân xác.

Đặc điểm cơ bản của đá là cứng rắn và con người có thể lợi dụng, tạo ra hiệu quả trong lao động. Từ đó, con người thấy rằng mình có thể dựa vào tính cứng rắn của đá. Tính cứng rắn được hiểu là có một vị thần ở trong đá tạo ra. Vị thần Đá phản ánh nhận thức của con người về sự vật luôn có tính hai mặt là vật chất và linh hồn. Trong đó linh hồn mới là cái bất diệt, và chính nó tạo ra sự cứng rắn của đá. Vì thế, theo quan niệm người xưa, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là công cụ lao động, mà chúng còn có ý nghĩa tâm linh. Những công cụ bằng đá mà họ luôn mang bên mình là vật để trừ tà, để tránh ma quỷ không làm hại.

Mặt khác, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật của họ để đạt được mục đích cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc.

Hình tượng thờ phụng có từ lâu đời

Chất liệu đá và hình tượng thờ đá có thể khẳng định đã có từ rất lâu đời. Tương tự như thế, hình tượng loài chó, linh vật luôn gắn liền với những tạo tác bằng đá, cũng xuất phát từ quan niệm xa xưa. Có thể tìm hiểu điều này qua những câu chuyện thuộc dạng truyền miệng của cổ nhân.

Tương truyền ngày xưa, có người học trò vào nhà thầy giáo, khi qua cửa thì con chó đá nhỏm dậy tỏ vẻ mừng rỡ. Lấy làm lạ, người học trò hỏi: “Anh em học trò qua đây cũng đông, sao mày chỉ mừng một mình tao?”. Con chó đáp: “Khoa thi này chỉ có mình thầy đậu thôi. Số trời đã định, tôi phải kính trọng mừng thầy”. Điều này khẳng định, chó đá là linh vật biết hết mọi sự đã định trong trời đất. Nói cách khác, chó đá giống như sứ giả của Trời, xuống hạ giới để phù trợ con người.

Tiếp tục tìm hiểu câu chuyện, người học trò nghe nói vậy liền kể cho cha mẹ nghe. Từ đó, người cha lên mặt hống hách. Ông ta dắt trâu ra đồng, cho trâu dẫm cả vào lúa non của người khác. Người dân góp ý, ông ta dọa dẫm: “Khoa này con ông đỗ, rồi chúng mày sẽ biết tay ông”. Dân làng nghe ông nói vậy, cũng có lòng sợ, không dám lôi thôi. Thời gian sau, người học trò đi qua, không thấy chó đá nhỏm dậy vẫy đuôi mừng như trước nữa. Người học trò hỏi: “Mọi buổi tao qua đây, mày vẫn đứng dậy mừng, hôm nay sao mày không đứng dậy nữa?”. Con chó đá nói: “Tại cha thầy lên mặt hách dịch với dân làng nên Thiên Tào đã gạch tên thầy đi, khoa này thầy không đỗ được nên tôi không phải mừng thầy nữa”. Ở đoạn này, chó đá giống như một vị phán quan, có thể nhận định được phải trái, thiện ác. Người làm việc không đúng sẽ bị chó đá phán xét, không thể nhờ cậy thế lực nào khác giúp đỡ.

Khoa ấy, người học trò quả nhiên thi trượt. Tuy vậy, anh không lấy làm nản, càng chăm chỉ học hành. Người cha cũng không lấy làm oán hận, càng tu thân tích đức để chuộc lỗi. Ba năm sau, người học trò đi qua chỗ con chó đá, lại thấy nó đứng dậy mừng rỡ như trước. Con chó đá bảo: “Nhà thầy tu nhân tích đức đã ba năm nay, đủ chuộc lại những lỗi lầm trước rồi nên sổ Thiên Tào lại định cho thầy khoa này thi đỗ”. Người học trò mừng thầm nhưng không nói cho cha mẹ nghe nữa, chỉ biết ra sức cố học. Khoa ấy quả nhiên thi đỗ cao. Kết thúc câu chuyện, chó đá đã trở thành hình tượng phù trợ. Người làm việc tốt, việc thiện, chó đá đều biết, âm phù dương trợ cho thành công trong cuộc sống.

Qua câu chuyện có thể nhận định, tục “nuôi” chó đá đã có từ rất lâu và sâu đậm trong văn hóa người Việt cổ. Nhiều tài liệu người xưa ghi chép khẳng định tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Thứ nhất, chôn chó đá trước cổng nhà như là linh vật để canh cổng với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc. Ở bậc cao hơn, linh vật được đặt trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, mong cuộc sống an lành hạnh phúc.

Vị thành hoàng trong dân gian

Phổ biến trong tín ngưỡng dân gian, chó đá được thờ phụng như một vị Thành hoàng làng. Như vậy, tín ngưỡng thờ Đá đã được gắn thêm một lớp văn hoá nữa. Hai loại hình tín ngưỡng dân gian hoà nhập với nhau, bởi đều là những thần “lành”, bảo trợ cho cộng đồng, làng xóm. Trong sự kết hợp đó, nội dung thờ Đá dần dần bị mờ đi, chỉ còn lớp bề mặt, là hình thức thờ thành hoàng hiện diện. Tín ngưỡng này tuy bó hẹp trong phạm vi địa lí nhất định, khá rộng là trong một vùng, hẹp lại thậm chí chỉ sau lũy tre làng. Tuy nhiên, tín ngưỡng này lại có khả năng bao trùm lên mọi tín ngưỡng dân gian khác. Bởi vì, Thành hoàng là chức sắc có thể được phong cho mọi vị thần, từ cao quý đến dân dã, từ thiên thần đến nhân thần, miễn là đối tượng đó có công với làng với nước.

Vì Thành hoàng có ý nghĩa là thần bảo trợ cho một làng, nên nhiều khi thần Đá cũng được phong tặng là Thành hoàng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó. Gắn với hình tượng chó đá, người ta kính ngưỡng gọi tránh là quan Hoàng Thạch.

Đậm đặc nhất hình tượng Hoàng Thạch là ở Định Vĩ (Đan Phượng, Hà Nội). Chính giữa bệ thờ, tượng quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 16 chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất linh động. Quan Hoàng Thạch nhìn về phía Tây Bắc, hướng núi Ba Vì. Theo tài liệu ghi chép, quan nhìn về đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn bởi nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Định Đình. Ngày nay, ngoài những ngày rằm và mùng một, dân làng thường đến đây hương khói xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau bị trắc trở, những người có tranh chấp, xung đột, những cặp vợ chồng có hiểu nhầm, va chạm cũng đến đây xin quan Hoàng Thạch soi xét, phù hộ. Tục xưa truyền lại, sau khi khấn vái, những người có mâu thuẫn thường chém ngang cây chuối hoặc đập tan chồng bát mang theo. Đây chính là lời “thề độc”, có sự chứng giám của quan Hoàng Thạch.

Chó đá được thờ phụng như vị Thành hoàng tại vùng này xuất phát từ truyền thuyết liên quan đến nỗi oan tình trời không thấy. Theo đó, hàng trăm năm trước, có hai anh em sống ở Hát Môn. Người anh sau đó đỗ đạt, vào làm quan trong triều đình, ở nhà chỉ còn em trai với chị dâu. Ngăn buồng của chị dâu và em trai là một vách đất thủng một lỗ to bằng nắm tay. Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu để chị dâu giữ tiết với anh mình. Thế nhưng, vài tháng sau khi người anh về, thấy vợ mình có chửa. Nghi em trai dan díu với chị dâu, trong lúc nóng giận, vị quan đã sai người giết chết em trai cho hả giận.

Người em sau khi chết oan, về báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và yêu cầu tạc bức tượng mình trong hình hài chó đá. Bức tượng ấy sau khi hoàn thành thì được thả xuôi theo dòng sông. Bức tượng trôi đến địa phận làng Địch Vĩ thì dừng lại. Dân làng đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ hẳn là pho tượng quý, người dân nhiều vùng cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng tượng về, nhưng không thể khiêng nổi. Bấy giờ, bốn người thôn Địch Vĩ mới hò nhau ra khiêng thử, lạ thay, bức tượng bỗng nhẹ bẫng. Biết là tượng đã chọn làng mình, người dân mới mang tượng “chó đá” về thờ phụng, tôn làm Quan lớn Hoàng Thạch.

Lại nói người anh, sau này, vợ ông đẻ ra quái vật. Biết vợ mình bị quái vật hãm hại, lúc đó, người anh mới biết em mình bị oan. Ông vô cùng hối hận, theo lời chỉ dẫn của dân làng, tìm về làng Địch Vĩ, làm lễ giải oan cho em trước tượng thờ chó đá. Sau đó, hai làng kết nghĩa anh em, làng Địch Vĩlàem, làng Hát Môn làanh. Tục cổ, trai gái hai làng không được kết duyên với nhau vì lẽ như vậy. Tuy nhiên, ngày nay, tục lệ này đã được phá bỏ. Hàng năm, đến mùa lễ hội, hai làng vẫn qua lại mật thiết, chung tay chung sức thờ phụng quan Hoàng Thạch.

Không chỉ ở làng quê, tục thờ phụng chó đá còn xuất hiện giữa những chốn phồn hoa đô hội. Tài liệu ghi chép về đền thờ Cẩu Nhi tọa lạc ở hồ Tây (Hà Nội). Theo thần tích, mẹ vua Lý Thái Tổ khi đến chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra nhà vua đúng vào năm Tuất. Chính vì thế, rất có khả năng khi định đô ở Thăng Long, nhà vua đã lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành. Đến nay, tuy giả thiết này còn nhiều tranh luận nhưng có thể thấy phần nào phù hợp với quy luật lịch sử, bối cảnh văn hóa nước ta.

Ngô Phú (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Thờ chó đá , tục thờ chó đá , thờ cúng , tâm linh