Kỳ án vườn mít: Sáng mai sẽ tuyên án Lê Bá Mai
Thứ sáu, 04/01/2013 08:37

Luật sư Nghiêm đề nghị xem xét trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo khi phân công điều tra viên thiếu kiến thức và non kinh nghiệm vào điều tra vụ án.

Bị cáo Lê Bá Mai tại phiên tòa sáng nay

Bị cáo Lê Bá Mai tại phiên tòa sáng nay

Sáng nay (4/1/2013), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục ngày xử thứ hai kỳ án vườn mít với bị cáo là Lê Bá Mai, người mà chiều qua Viện kiểm sát nhân dân tỉnh này đã đề nghị tòa tuyên tử hình về hai tội: giết người, hiếp dâm trẻ em.

8h20 phút: Hội đồng xét xử vào phòng xử.

Luật sư Nghiêm đề nghị quay lại phần xét hỏi 5 phút.

Tòa: - Quá trình xét hỏi, tòa đã tạo đều kiện và có hỏi có ai hỏi thêm gì không, không ai hỏi thêm và viện kiểm sát cũng đã phát biểu quan điểm luận tội nên không cần thiết phải quay trở lại phần xét hỏi. Trong quá trình tranh luận, luật sư có thể thực hiện việc hỏi.

Luật sư hỏi tòa có áp giải được mấy nhân chứng hôm qua vắng mặt không. Tòa cho biết chiều tối qua cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lời không thể dẫn giải.

Luật sư Trịnh Thanh bắt đầu phần bào chữa cho bị cáo Lê Bá Mai.

Luật sư Thanh nêu ba ý trong bài bào chữa:

1- Người thanh nhiên chở Út đi có phải Mai không?

2- Chứng cứ có đủ buộc tội hay không?

3- Ý kiến buộc tội của viện kiểm sát.

Giám đốc thẩm mới hủy án. Nhân chứng Điểu Ky nhìn nhận đơn trình bày của mình chỉ bảo "nghi là Mai" thôi. Lời khai của ông Trần Văn Sinh (công an xã lúc xảy ra vụ án- PV) mà viện kiểm sát đang sử dụng trong cáo trạng cũng nêu ông Sinh thấy người thanh niên giống Mai. Từ đó cho thấy lời khai của hai người này đáng tin cậy vì hoàn toàn không bị ai ép buộc. Từ khi xảy ra vụ án đến năm 2007 có thể xác định cháu Hằng không biết người thanh niên là ai.

Về đồ vật, cháu Hằng khai là Mai mặc áo xanh, chưa bao giờ trong các lời khai Mai khai vậy. Khi được thẩm vấn công khai, cháu Hằng hoàn toàn không xác nhận có bình xịt màu xanh, nón màu đỏ. Có sơ sở kết luận người thành niên chở Út đi có dấu hiệu không phải là Mai.

Luật sư chuyển sang ý mới nhất: cơ quan tố tụng khi nghiên cứu hồ sơ bị lệ thuộc vào kháng nghị giám đốc thẩm. Lời khai nhân chứng nhiều lần thay đổi theo hướng bất lợi cho Mai.

Điểm thứ hai: lời khai nhận của Lê Bá Mai có phù hợp và chứng cứ buộc tội có vững chắc? Thứ nhất, cần xem xét lời khai nhân chứng, xem xét đến hiện trường, đường đi theo cháu Hằng khai là đi sâu vào bên trong, đi vào không thấy gì do hai bên là rừng tràm, có trong xen kẽ cây mỳ, sợ quá không đi nữa mới về báo cho cha mình biết.

Luật sư Thanh đề nghị xem xét biên bản hiện trường. Theo bản vẽ của Mai trong trại năm 2004, hiện trường của Mai chỉ là tưởng tượng không trùng khớp với hiện trường thật của vụ án. Xin xem xét qua 2 bản vẽ: của Mai và của điều tra viên. Bản vẽ Mai vẽ không dẫn đến nơi có xác chết. Mai vẽ bản vẽ này khi không bị đánh đập.

Điểm thứ ba: lời khai nhận của Mai so với nhân chứng. Căn cứ vào đường đi và đồ vật, có thể thấy lời khai của Mai mâu thuẫn căn bản với lời khai nhân chứng, vì người thanh niên đó đi theo một hướng khác.

Luật sư Thanh cho rằng Mai bị điều tra viên Huấn nhắc nhiều, lời khai khi điều tra lại rất logic vì nhớ nhiều. Trước đây, viện kiểm sát thừa nhận có sự mớm cung, vì có mớm hay không đọc hồ sơ là biết ngay. Luật sư Thanh đồng ý với sự thẳng thắn của viện kiểm sát. Đúng là Mai không có chứng cứ chứng minh bị đánh, nhưng có thể chứng minh Mai bị lệ thuộc. Luật sư Thanh nêu dẫn chứng: Mai đang ở trên công an huyện mà vẫn phải ký là bị bắt ở công an xã, cho thấy thời điểm đó Mai bị tê liệt ý chí.

Từ đó ít nhiều thấy Mai bị gò ép, mớm cung, lời khai có thể không đúng với sự thật. Luật sư Thanh suy luận, nếu anh là hung thủ vụ án, anh có bị mớm cung, bị o ép thì cũng không thể khai chi tiết vậy. Nếu thực sự Mai là người hiếp dâm thì Mai sẽ khai khi thực hiện hành vi hiếp dâm Mai khai âm hộ cháu bé có lông hoặc không nhớ chứ không phải khai là không có lông như đã khai.

Theo luật sư Thanh, cơ quan điều tra có dấu hiệu mớm cung, thông cung cho cháu Thị Hằng khi  lấy lời khai người khác nói cho Hằng biết, xét về mặt tố tụng là không ổn vì không được phép lấy lời khai của bên này cho bên kia biết.

Luật sư Thanh tiếp tục phần bào chữa: xin tòa xem xét kỹ biên bản ghi lời khai của Mai và biên bản ghi lời khai của ông E. Dùng chứng cứ gián tiếp là lời khai của bà Thị Đê để buộc tội Mai là không ổn, trong khi có các chứng cứ trực tiếp là ông Sinh, ông Ky... Nếu cháu Hằng đã biết Mai từ tước, khi Mai đi qua như những lời khai sau này thì Hằng phải nói là Mai chứ không phải nói là "người thanh niên". Hoàn toàn có thể kết luận "người thanh niên" không phải là Mai. Luật sư đề nghị tòa xem xét toàn bộ lời khai sau này Hằng đều khai theo hướng nhìn thấy Mai.

Tiếp theo, luật sư Thanh đề nghị xem xét Mai ngoại phạm. Dấu vết bánh xe: thời điểm đó hầu như chỉ có một loại bánh xe Cub 81, 67 chứ không nhiều như bây giờ. Cũng vậy, án sơ thẩm khẳng định rất vững là dấu dép không phải của Mai vì rất nhiều người đi vào khu vực này. Mai khai cầm cây quất cháu Út nhưng kiểm tra hiện trường không có cây xà bất. Củ đậu thu được tại hiện trường màu sắc sáng, không thể cho là củ đậu cháu Hằng ăn dở 5 ngày trước.

Về 4 cọng tóc có ở hiện trường: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã nhìn nhận yếu kém của điều tra viên thu giữ nhưng không đưa vào hồ sơ. Giả sử Mai là hung thủ, thì cũng không phù hợp chi tiết 4 cọng tóc, tóc đương nhiên khác lông, Mai là người có tóc ngắn, vậy 4 cọng tóc dài này ở đâu ra?

Luật sư Thanh gút lại: đề nghị tòa xem xét Lê Bá Mai không phải người chở Út đi vào ngày xảy ra vụ án. Hướng đi của "người thanh niên" theo lời khai của Hằng khác lời khai của Mai. Lời khai và các chứng cứ không đủ để buộc tội vì hiện trường là hiện trường giả do Mai tưởng tượng, không dẫn đến chỗ của xác chết.

Luật sư Thanh kết thúc bài bào chữa.

9h20 phút: Đến lượt luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho Lê Bá Mai.

Theo luật sư Nghiêm, cơ quan điều tra đã mớm cung, dụ cung khi hỏi những câu hỏi cung như: “Anh suy nghĩ thế nào về việc nhân chứng xác định ngày đó anh chở Út đi bằng xe máy?”, câu hỏi này khẳng định nhân chứng đã khai và bị cáo phải trả lời suy nghĩ của mình. Cách hỏi cung này luật không cho phép điều tra viên sử dụng vì như vậy làm mất cơ hội để bị can chứng minh mình không phạm tội. Một điều tra viên muốn tìm sự thật khách quan phải tránh dùng những biện pháp nghiệp vụ mà luật không cho phép như dọa nạt, ép buộc, bức cung…

Cách điều tra duy nhất của cơ quan điều tra trong vụ này là để phục vụ cho mục đích khẳng định Mai có tội. Sau lại dùng lời khai nhân chứng để làm cơ sở buộc tội. Thêm nữa, việc sử dụng lời khai của ông Điểu Ky - người có mâu thuẫn quyền lợi đất đai với phía ông Tuân - chủ trang trại nơi Mai làm thuê là không khách quan.

Quang cảnh phiên tòa sáng nay

Luật sư Nghiêm chứng minh: trong khi lời khai ghi rõ bình xịt 16-18 khi chưa xác định người thanh niên là ai, cho thấy hình ảnh của Mai gắn liền với bình xịt qua những công việc hằng ngày phun thuốc diệt cỏ, rồi đến lúc bị lập biên bản cho rằng "người thanh niên" là Mai thì bình xịt cũng được thể hiện trong biên bản lời khai luôn...

Lời khai nhận của ông Sinh - công an viên - rất có ảnh hưởng đấn tâm lý điều tra viên. Khi ông Sinh khai "người thanh niên" là Mai thì rất được tin tưởng, và từ đó cơ quan điều tra đi theo hướng Mai là người có tội. Từ đó, luật sư Nghiêm khẳng định lời khai của các nhân chứng không khách quan vì họ có mâu thuẫn quyền lợi quyết liệt trước đây.

Lời khai của Hằng thay đổi liên tục, bất lợi cho Mai. Ví dụ lời khai của Hằng là bình xịt để trên ghi đông xe, mà cháu Hằng thì không xài từ này bao giờ, chỉ ông Sinh vì ông là người miền Bắc mới xài từ này. Lời khai của Hằng ảnh hưởng nhiều từ ý chí của ông Sinh.

Trải qua quá trình tố tụng dài, Mai khi nhận tội khi không nhận tội, Mai hầu như đều nói "không nhớ". Nhưng khi đi vào chi tiết lại khai rất thống nhất, chính xác, là do Mai đã bị điều tra viên miêu tả hành vi ghi vào lời khai và sau đó được thể hiện trong cáo trạng - tài liệu duy nhất mà mấy năm liền trong trại giam Mai đọc.

Luật sư Nghiêm đề nghị tòa chấp nhận ý kiến căn cứ buộc tội của viện kiểm sát là rất mong manh, tuyên bị cáo không phạm tội với lý do chứng cứ và lập luận không đủ để buộc tội.

Luật sư Nghiêm đã bào chữa xong.

9h45 phút: Bị cáo Mai trình bày thêm: - Những đồ dùng mà Hằng khai tôi mang thì hoàn toàn không có trong trang trại. Tôi không phải người gây án, tôi không phạm tội, đề nghị tòa xem xét.

Ông Tuân tranh luận: bổ sung ý luật sư Thanh về việc lời khai của Hằng và ông Điểu Ky là "người thanh niên" chở Út đi thẳng. Tòa liên tục yêu cầu ông không tranh luận phần này vì không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Ông Tuân khẳng định rất ảnh hưởng. Ông tranh luận tiếp về chiếc xe máy của ông mà cơ quan điều tra đang thu giữ. Hôm qua (3-1-2013), tòa không cho nói nên hôm nay ông nói tiếp. Đã hơn 8 năm chưa nhận xe, đề nghị trả ngay xe cho ông. Khi vụ việc xảy ra, ông Sinh đã dụ cha của nạn nhân vào cuộc khi gọi điện cho ông bảo đưa 20 triệu cho cha nạn nhân. Lúc này hoàn toàn chưa có việc lấy lời khai gì cả.

Ông Tuân nhiều lần bị tòa ngắt lời. Tòa liên tục yêu cầu ông chỉ nói những vấn đề ông liên quan đến quyền lợi của ông. Tòa mời về chỗ ngồi nhưng ông Tuân vẫn muốn nói tiếp, tòa phải nhờ công an đưa ông về chỗ ngồi.

10h: Đại diện viện kiểm sát đang tranh luận.

Theo viện kiểm sát, biên bản hiện trường vẽ khi khám nghiệm hiện trường và về vị trí, hướng đi của công an và sơ đồ do Mai vẽ cơ bản giống nhau, qua cây cầu, đi về phía vườn mít, cách trình bày khác nhau do trình độ vẽ mà thôi. Nếu luật sư cho rằng điều tra có sự điều chỉnh của điều tra viên thì hai bản vẽ phải trùng khớp chứ.

Kiểm sát viên khẳng định: dấu vết xe để lại hiện trường nằm trong hiện trường vụ án. Biên bản phù hợp với lời khai khi thể hiện quá trình Mai chạy xe đến cầu, để xe đó rồi dẫn Út vào vườn Mít thực hiện hành vi phạm tội. Bánh xe là cùng loại xe với xe của ông Tuân giao cho Mai chạy. Về chuyện luật sư cho rằng lúc này chỉ rất ít loại vỏ xe cùng loại với xe ông Tuân là rất chủ quan, bởi theo kiểm sát viên thời điểm này xe máy đã có rất nhiều loại rồi.

Kiểm sát viên cho rằng những câu hỏi mà điều tra viên đặt ra trong quá trình điều tra là do không nhận thức ý nghĩa của câu hỏi chứ không phải mớm hay ép cung như luật sư nói. Kiểm sát viên khẳng định điều tra viên hỏi vậy là do trình độ, do sai lầm. Cũng giống như luật sư Nghiêm hôm qua hỏi bị cáo có đọc cáo trạng không, rồi luật sư lại hỏi thỉnh thoảng có đọc phải không, hỏi như áp đặt. Kiểm sát viên cho rằng cách hỏi của luật sư cũng giống cách hỏi của điều tra viên.

Kiểm sát viên cũng khẳng định điều tra viên không mớm cung cho Thị Hằng, chỉ nói với Hằng là bị cáo có nói câu gì đó thôi.

Việc bị cáo nói rằng bị cáo nhận tội ngay khi nhận cáo trạng luôn (chưa đọc) vì để cho phiên tòa sớm mở là không ổn. Thì tại sao trong quá trình điều tra bị cáo không nhận, khi nhận kết luận điều tra cũng không nhận? Giả sử có điều tra viên vẽ cho bị cáo khai thì ít nhất cũng hai trang giấy, liệu trong ba năm bị cáo còn nhớ để khai không? Có hai trường hợp: đầu óc Mai quá siêu phàm – thực tế Mai khẳng định trí nhớ mình rất kém, hoặc chỉ là người thực hiện mới nhớ thế.

Luật sư cho rằng cáo trạng là tài liệu duy nhất bị cáo đọc trong ba năm mới nhớ thế, thì ở đây rõ ràng bị cáo chưa đọc cáo trạng đã nhận tội. Hơn nữa, thời gian sau đó việc lấy cung, lấy lời khai đều có luật sư mà bị cáo vẫn nhận tội. Kiểm sát viên cho rằng lời khai của bị cáo là khách quan và phù hợp chứng cứ. Viện kiểm sát đã căn cứ vào chứng cứ phù hợp đó để sử dụng làm căn cứ buộc tội.

Kiểm sát viên cho rằng vụ án đang điều tra thì không bình luận, đề nghị luật sư Thanh không dẫn lời bình của ông Dương Thanh Biểu - nguyên lãnh đạo ngành kiểm sát. Khi cho Hằng nhận dạng cái áo, bình inox, cơ quan điều tra đã thực hiện hết sức khách quan, đúng quy trình, do điều kiện về độ tuổi (lúc đó Hằng mới 9 tuổi), ánh sáng… nên có lúc nhầm lẫn, không thống nhất, nhưng lời khai này phù hợp với chứng cứ khác. Vì điều tra là quá trình chứng minh, từ biết ít đến biết nhiều.

Đại diện viện kiểm sát nói đã tranh luận xong. Tòa nhắc đại diện viện kiểm sát có ý kiến về việc trả xe máy cho ông Tuân.

 

10h45 phút: Một lần nữa kiểm sát viên khẳng định truy tố Mai tội giết người và hiếp dâm trẻ em là đúng người, đúng tội.

Đại diện viện kiểm sát cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đến đưa thông tin trung thực, khách quan. Đại diện viện kiểm sát nhắc đến trường hợp hơn 8 năm cha mẹ nạn nhân tới lui tòa khốn khổ mà vẫn chưa tìm ra hung thủ giết con.

Luật sư Thanh đối đáp: khi lời khai của nhân chứng không thống nhất thì phải cho đối chất. Có nhiều lời khai về hướng đi. Luật sư đang mở bản đồ trình bày về bản đồ khu vực xảy ra vụ án.

Luật sư Trịnh Thanh tiếp tục phần tranh tụng và đưa ra bản đồ về lời khai của Mai hoàn toàn bị ép cung. Bản đồ luật sư Trịnh Thanh đưa ra có chiều dài khoảng 60 cm, chiều rộng khoảng 40 cm. Trên tấm bản đồ chứng minh lời khai của Mai tại cơ quan điều tra không đúng với hiện trường thực tế.

Luật sư Trịnh Thanh lập luận và đưa ra dẫn chứng để thuyết phục hội đồng xét xử bị cáo Mai bị buộc tội oan. Luật sư cho biết xuyên suốt vụ án, nhận thức, tâm sinh lý của Mai không ổn định. Luật sư Thanh dẫn lại xác nhận của bệnh viện về bệnh tình của Mai sau khi được tha, và nói nếu tòa cần ông sẽ bổ sung sổ khám chữa bệnh.

Luật sư Nghiêm tranh luận: luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo khi phân công điều tra viên thiếu kiến thức và non kinh nghiệm vào điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, từ đó thiếu tôn trọng tính khách quan, chỉ phụ thuộc vào những lời khai của nhân chứng, mà thiếu kiểm tra quan hệ của họ với bị can, đặt ra hướng điều tra để tìm chứng cứ nhằm buộc tội Mai. Như vậy tính khách quan đã không được tôn trọng.

Tòa nhắc luật sư Nghiêm bình tĩnh khi tranh luận, không được chỉ tay, đập bàn.

11h25 phút: Kết thúc phần tranh luận.

Bị cáo Mai nói lời sau cùng. Bị cáo không có tội, bị cáo bị ép cung, mớm cung. Bị cáo không đồng ý bồi thường vì không có tội.

Tòa vào nghị án. Song sau đó tòa lại vào phòng xử. Chủ tọa thông báo việc nghị án kéo dài nên đến 9 giờ sáng mai (5/1/2013) mới tuyên án.

Sáng mai, chúng tôi sẽ tiếp tục tường thuật tòa tuyên bản án đối với bị cáo Lê Bá Mai để bạn đọc theo dõi.

PL TP

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Giết người , Án mạng , Chém chết người , Vụ án , Trọng án , Tòa tuyên án , An ninh hình sự , Xã hội , Bình Phước , Kỳ án vườn mít