Kinh tế Việt Nam năm Giáp Ngọ sẽ 'mã đáo thành công'
Thứ bảy, 01/02/2014 05:04

Chu kỳ suy thoái thường kéo dài trung bình khoảng 5 năm. Vì vậy, nếu chúng ta có nền kinh tế thị trường và hội nhập đúng nghĩa thì năm 2014 sẽ là năm “mã đáo thành công”.

Kinh tế Việt Nam 2014 sẽ có bước phát triển mới

Kinh tế Việt Nam 2014 sẽ có bước phát triển mới

Nhiều người vẫn còn băn khoăn là liệu sau nhiều năm bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là năm 2013, kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng sẽ ra sao? 

Một trong những tín hiệu vui dễ nhận thấy là sản lượng thủy sản tháng 1/2014 ước tính đạt 399 nghìn tấn, tăng 0,8%, trong khi đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản cũng tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là lợi thế rất lớn đối với vựa thủy sản như ở ĐBSCL.

Từ tín hiệu lạc quan đó, Công ty cổ phần Gò Đàng mạnh dạn đầu tư thêm nhà máy mới và chính thức đưa vào hoạt động đầu năm nay. Đặc biệt, ngoài đối tác truyền thống, thì đơn vị có thêm nhiều thị trường mới đầy tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng - Tiền Giang cho biết: “Nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Mỹ và các nước Châu Âu đã bắt đầu hồi phục và kim ngạch xuất khẩu qua các thị trường này tăng. Ngay cả một số thị trường mới ở Trung Đông cũng nhập hành mạnh hơn. Năm nay chúng tôi đưa nhà máy mới vào hoạt động với 1.200 tấn/ngày, với mục tiêu đặt ra là mang về 50 - 60 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với 2013”.

Một mảng sáng nữa là sự phát triển ở khu vực đầu tư FDI. Điển hình như tỉnh Tiền Giang, dù nằm trong vùng trũng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng ngày từ đầu năm 2014, các khu công nghiệp của tỉnh thu hút được 6 dự án với nâng tổng số dự án FDI là 43, với vốn đầu tư là hơn 1 tỷ 200 triệu USD và hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai hay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2014, nhất là từ chính sách giảm thuế, ổn định lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch. Đây sẽ là cú hích cho nền kinh tế quốc gia.                      

Thạc sĩ Võ Thành Thật - Trưởng phòng nhân sự Công ty Hansea (Hàn Quốc) - Tiền Giang chia sẻ: “Trong năm 2014, chúng tôi đã xin UBND tỉnh thêm 20ha để mở rộng nhà máy. Theo đó, từ 3.300 công nhân như hiện nay, chúng tôi sẽ đạt mức 13.000 vào năm 2015”.                       

Trong bối cảnh khó khăn năm 2013, Việt Nam vẫn có 20 nhóm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, hiện triển vọng tăng trưởng rất khả quan. Tiêu biểu là hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đã nhận được đơn đặt hàng quý I và quý II/2014.

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu hy vọng sẽ tạo ra những xung lực mới.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là một trong 25 thị trường tăng trưởng nhanh nhờ vào thương mại và nhu cầu hàng hóa tăng cao. Hiện nay, các thị trường này đã bắt đầu lấy lại đà phát triển. Cùng với những chính sách điều hành của Chính phủ hướng đến tái cơ cấu, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, đây là cơ sở kỳ vọng diện mạo mới cho nền kinh tế đất nước vào năm 2014.

Vtv.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Kinh tế Việt Nam , Tăng trưởng , Năm 2014 , Giáp Ngọ , Thị trường tiêu dùng , Xuất khẩu