Để vớt vát phần nào thiệt hại, người dân thường giết mổ heo chết để bán cho các thương lái, các lò heo quay.
Sau khi bán hết phần thịt, phần mỡ của heo chết được bán cho các cơ sở chế biến mỡ. |
Nhiều năm trở lại đây, tại Thừa Thiên - Huế tồn tại nhiều lò chế biến mỡ heo, bò không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tận mắt chứng kiến quy trình chế biến mỡ bẩn mới thấy được hiểm họa khôn lường từ loại thực phẩm này.
Nhiều lò chế biến mỡ bẩn chuyên thu gom mỡ không đảm bảo vệ sinh tại các chợ, các cơ sở giết mổ heo, bò để chế biến thành tóp mỡ, mỡ lỏng, rồi bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Mỗi ngày có rất nhiều mỡ heo không rõ nguồn gốc và đã bốc mùi hôi thối được tuồn vào các lò chế biến mỡ tại TP.Huế.
Mỡ thối vào lò chế biến
Trong vai những người đi mua mỡ heo số lượng lớn đưa về chế biến, chúng tôi tiếp xúc với nhiều tiểu thương bán thịt heo tại chợ Đông Ba (TP.Huế). Đã cuối giờ chiều nhưng tại nhiều quầy thịt ở chợ vẫn còn lượng lớn mỡ đã được đựng sẵn trong những bao nylon. Chúng tôi hỏi mua nhưng các tiểu thương cho biết hàng đã có nhiều người của các cơ sở chế biến mỡ đặt mua và họ sẽ đến thu gom trong ngày hoặc vào hôm sau. Nếu chúng tôi muốn thu mua mỡ thì phải đặt hàng từ trước, mỗi kg giá từ 10- 15 nghìn đồng, tùy loại mỡ.
Qua quan sát, chúng tôi thấy phần nhiều số mỡ đựng trong các túi nylon đều đã có màu nhợt nhạt, thâm tím, bốc mùi rất khó chịu, ruồi bâu dày đặc. Theo một tiểu thương, số mỡ này đều có nguồn gốc rõ ràng, vì được cắt ra từ thịt mà họ mua từ các lò mổ về bán. Về việc mỡ bốc mùi, người này nói là do mỡ đã để cả ngày không được bảo quản, hơn nữa trong số mỡ đang chờ người đến nhận có cả mỡ của ngày hôm qua để lại. “Nhiều khi các lò chế biến họ chờ chúng tôi trữ được nhiều mỡ mới đến thu gom một lần, dẫn tới mỡ phải để lâu nên bốc mùi”- tiểu thương này giải thích.
Tại chợ Đông Ba, chúng tôi gặp chị M, người chuyên thu mua mỡ heo thuê cho một lò chế biến mỡ tại phường An Hòa. Chị này cho hay, bình quân mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn mỡ heo tại nhiều chợ trên địa bàn TP.Huế và các vùng lân cận đưa về cho lò chế biến. Chúng tôi hỏi vì sao lại thu mua cả mỡ heo đã bốc mùi hôi thối, chị M nói mình chỉ là người làm thuê, nên chủ lò bảo như thế nào thì phải làm theo như thế.
Cũng như chợ Đông Ba, tại nhiều chợ khác trên địa bàn TP.Huế và các chợ trung tâm huyện, thị xã ở Thừa Thiên - Huế, mỡ heo, bò luôn được người của các lò chế biến mỡ tìm đến thu mua. Ngoài các chợ, các lò mổ cũng là nơi cung cấp đáng kể lượng mỡ cho các cơ sở chế biến mỡ. Nhiều ngày tìm hiểu đường đi của mỡ từ chợ, lò mổ về cơ sở chế biến, chúng tôi được biết, trong tổng lượng mỡ khổng lồ tuồn vào các lò chế biến mỗi ngày có không ít mỡ đã bốc mùi hôi thối.
Gom cả mỡ heo chết dịch
Các thôn Xuân Hòa, Dạ Lê, Công Lương, Vân Dương của xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) là nơi chuyên nuôi heo số lượng lớn. Chị Lê Thị B - chủ cơ sở nuôi heo ở thôn Xuân Hòa, cho biết, hầu như năm nào heo ở xã này cũng bị chết vì dịch, nhiều thì hàng nghìn con, ít thì vài chục con. Để vớt vát phần nào thiệt hại, người dân thường giết mổ heo chết để bán thịt hoặc bán nguyên con cho các thương lái, các lò heo quay. Nếu tự giết mổ, sau khi bán hết phần thịt, phần mỡ của heo chết được người dân mang đến bán cho các cơ sở chế biến mỡ trên địa bàn TP.Huế và các khu vực lân cận.
Theo sự chỉ dẫn của chị B, chúng tôi tìm gặp bà Trần Thị T - chủ một lò heo quay ở phường An Hòa, TP.Huế. Nghe chúng tôi nói có 2 con heo vừa bị chết dịch cần bán gấp, bà T sốt sắng hỏi địa chỉ và bảo sẽ cho người đến mua ngay. Theo bà T, vì kinh doanh heo quay thu nhập bèo bọt nên muốn có chút lời thì phải mua cả heo dịch về quay rồi bán. Phần mỡ của những con heo này được bán cho các lò chế biến mỡ trên địa bàn với giá rẻ.
“Chủ lò họ nói khi đưa vào chảo rán thành mỡ nước, mỡ tóp, nhiệt độ lên tới hàng nghìn độ thì mọi vi khuẩn đều chết hết, nên mỡ tươi cũng như mỡ đã bốc mùi”. Lời một tiểu thương
Năm 2010, khi trên địa bàn xã Thủy Vân và các địa phương Thủy Phù, Thủy Thanh, Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), Hương Toàn (thị xã Hương Trà), Phú Mỹ (huyện Phú Vang)… có hàng nghìn con heo chết dịch, nhiều lò heo quay và lò chế biến mỡ heo trên địa bàn TP.Huế và các vùng lân cận được dịp ăn nên làm ra. Một con heo dịch nặng 45-60kg, người dân chỉ bán với giá 150-200 nghìn đồng nên nhiều chủ lò heo quay và lò chế biến mỡ heo có được nguồn thịt, mỡ dồi dào trong khi giá cả thì rất rẻ.
Tiếp xúc với một số chủ lò chế biến mỡ heo trên địa bàn TP.Huế, chúng tôi được biết, trong lượng lớn mỡ mà các cơ sở này thu gom để chế biến hàng ngày có nhiều loại mỡ không có nguồn gốc rõ ràng. Những cơ sở này thường thuê người thu gom mỡ tại các chợ, cơ sở giết mổ gia súc hoặc thu mua mỡ do các anh chị hàng thịt mang đến bán mà không hề quan tâm nguồn gốc mỡ. Tình trạng này khiến không ít mỡ heo chết dịch được tuồn vào các lò chế biến mỡ hàng ngày.
Bài 2: Vào lò “độ chế”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?