Cũng từ khi bước chân theo chồng, người phụ nữ bất hạnh ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết suốt gần 30 năm.
Bà T. chỉ tay lên dấu vết cái huyệt giữa nhà mà trước đây chồng đào đòi chôn sống mình. |
Ông chồng tàn ác
Trong ngôi nhà nhỏ ẩn khuất sau rặng tre ở xóm Đô Hành, xã Mỹ Lộc, bà Trần Thị T. (52 tuổi), khuôn mặt khắc khổ, gầy gò, hốc hác mở đầu câu chuyện trong nước mắt: "Có lẽ không ai lấy chồng mà khổ, nhục như tôi. Cố gắng cắn răng chịu đựng hàng chục năm rồi, nhưng đã quá sức, nếu không tố cáo thì có ngày tôi bị chồng đánh chết không ai biết...". Cố nuốt nước mắt, người phụ nữ bất hạnh buồn bã kể, năm 1982, bà lấy ông Trần Đình H. (SN 1960). Cũng từ đó, bà bị những trận đòn của chồng mỗi khi làm những việc gì chồng không ưng ý, đôi khi chỉ là những lời nói.
Sau khi sinh được 2 đứa con nhỏ, có lần chồng đuổi đánh, bà đành bỏ trốn. Tức, chồng châm lửa đốt cháy 4 gian nhà gỗ. Khi ngọn lửa đã bốc cao, 2 đứa con suýt bị thiêu sống. May mà ông sực nhớ, kịp chạy vào nhà xách 2 đứa nhỏ ra.
Vài năm sau, có lần bà bị chồng đánh xong còn trói tay, cởi quần áo rồi tấp rơm lên người đòi đốt. May mà nhờ hàng xóm can ngăn nên bà thoát chết. Tình cảm vợ chồng càng rạn nứt, bà bị chồng tàn bạo, đánh đập nhiều hơn trong khoảng 5 - 7 năm nay, khi ông chồng bắt đầu bồ bịch, ruợu chè, làm được bao nhiêu, cất tiên tiêu riêng không đưa cho vợ.
Giơ cánh tay gầy gò, xương xẩu với dấu vết còn để lại, bà T. cho biết, đó là vết tích của trận đòn cách đây khoảng 5 năm, khi chồng cầm gậy vụt vào làm bà gãy tay trái. Đến nay, khi trái gió trở trời vẫn còn đau nhức.
"Một lần, khi ông ấy đưa người đàn bà lạ về đi gặt lúa. Ra ruộng, tôi có nói lời qua tiếng lại, thì bị ông ấy dìm nước cho gần chết, mặt mũi, áo quần lấm lem bùn đất..." - bà T. kể trong tủi nhục.
Lần khác, khi bà đang nằm, chồng đi đâu về nghe vợ nói vài lời đã cầm gậy vụt vào 2 đầu gối. Bà đau đớn, chân sưng vù nằm cả tháng không đi lại được vậy mà người chồng vẫn không đưa đi viện. Đỉnh điểm nhất, cách đây 3 năm, ông chồng vũ phu sau khi đánh đập bà T. một trận nhừ tử xong đã tự tay đào huyệt ngay giữa gian nhà đòi chôn sống vợ.
"Ông ấy đào huyệt, thắp hương, lấy cả gỗ vứt ra ngoài sân nói là đóng hòm để chôn sống tôi. Sợ quá, tôi phải bỏ trốn, đi ở nhờ nhà hàng xóm mấy ngày mới dám về" - bà T. chỉ tay xuống nền nhà, nơi cái huyệt đã lấp vẫn còn in hằn dấu vết kể lại.
Không chỉ hành hạ vợ, ông chồng vũ phu còn đối xử tàn bạo với con cái. Vào mùa đông năm 2011, đứa con gái út tên Trần Thị Quỳnh A. (8 tuổi) lấy của bố 70 ngàn trong túi áo, ông đã đưa con ra dìm xuống ao, mặc cho trời rét cắt da, cắt thịt. Sau khi nhấn nước, ông còn trói con bé vào gốc cây xoài.
Em chồng cũng hành hạ chị dâu?
Theo bà T., không chỉ thường xuyên phải chịu những trận đòn đau đớn của chồng, mà còn bị gia đình chồng chửi bới, em chồng là ông Trần Đình Đ. nhiều lần đến đánh đập dù họ sống riêng, ai ở nhà nấy.
Tính đến nay, ông Đ. đã đánh bà 5 lần. Cách đây 9 năm, khi đang mang thai đứa con út, bà T. bị ông Đ. đánh, còn lấy đá chấn vào đầu. May mà sau đó bà không bị sẩy thai. Vào tháng 4/2012, ông Đ. cho rằng bà T. trộm cái bơm của nhà mình nên đã dùng ghế đánh chị dâu khiến bà mặt mũi bầm tím, rách tai.
"Chuyện cái bơm chỉ là cái cớ để chú đánh mẹ em. Khi em đang làm ở Vũng Tàu, nghe mẹ nói bị chú đánh. Em gọi điện hỏi bố, thì bố nói cái bơm đó là do bố mua. Không phải mẹ trộm" - anh Q. (con bà T.) cho biết. Những lần khác, không có lý do gì, ông Đ. cũng gây chuyện rồi đánh chị dâu. "Chồng đánh đập đã lắm rồi. Lại còn cả em chồng chẳng có quyền hành gì cũng nhiều lần đánh đập tôi. Thật không hiểu sao họ độc ác, quá đáng đến như thế?" - bà T. bức xúc.
Vừa kể, bà vừa lấy những tấm hình mặt mũi bầm tím, rách tai...mà bà cho rằng sau khi bị ông Đ. đánh, đã chụp lại để tố cáo lên xã.
Quá sức chịu đựng
Nhiều lần chứng kiến mẹ bị bố đánh đập, những người con của bà T. từ lâu đã khuyên mẹ nên ly dị, nhưng bà vẫn cố gắng chịu đựng chỉ vì: "Sắp hết đời người rồi, con cái cũng đã lớn. Ly dị chỉ thêm tai tiếng, làm khổ các con".
Những tấm hình theo bà T., sau khi bị ông Đ. đánh đập, bà đã chụp lại để tố cáo lên công an xã.
Nhưng rồi sự chịu đựng cũng có giới hạn, khi người chồng ngày càng tàn bạo, ngang ngược. Mẹ chồng, và em chồng cùng hùa theo. Cách đây khoảng 20 ngày, khi ông Trần Đình Đ. sang chặt tre, tro (lá cọ) trong vườn bà T. mà không xin phép, bà ra nói mấy lời thì bị ông cầm dao đuổi đánh.
Khi bà T. chạy vào nhà chốt cửa còn bị ông Đ. phá cửa xông vào đánh, đập bể cả nồi cơm điện. Quá bức xúc, anh Q. đang làm ăn ở Vũng Tàu phải đón xe về để làm đơn tố cáo gửi đến xã nhờ can thiệp. Vì theo anh, mẹ anh càng chịu đựng thì họ càng lấn tới.
"Trước hết, tôi muốn nhờ chính quyền can thiệp, để chồng không bạo hành, em chồng không đánh đập tôi nữa. Nếu không được, tôi sẽ quyết định gửi đơn li hôn, không thì có ngày họ đánh chết tôi mất" - bà T. khẩn cầu.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng công an xã Mỹ Lộc Trần Đình Dũng cho biết, năm 2011, ông có nhận được đơn của bà T. tố cáo bị chồng đánh đập. Sau đó, vợ chồng họ cũng bình thường trở lại. Còn nói về những trận đòn trước đây mà ông H. đánh vợ, ông Dũng cho rằng không được rõ vì chỉ mới làm công an xã từ năm 2011.
Ông Dũng cũng cho biết, ngày 11/7/2012, ông có nhận được đơn của bà T. tố cáo ông Trần Đình Đ. đánh đập. Sau đó xã đã mời hai bên đến làm việc. Vụ việc hiện công an xã vẫn đang xác minh, làm rõ.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%