Kiểm soát độc quyền còn quá sơ sài!
Chủ nhật, 18/11/2012 09:51

Từ đề nghị của bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển quyền quản lý giá thuốc cho một cơ quan khác, cho thấy quyết tâm xóa bỏ tình trạng “vừa đá banh, vừa thổi còi” trong lĩnh vực dược của bộ này.

Ở Việt Nam ta, giờ đây Nhà nước chủ trương độc quyền quản lý vàng nên Việt Nam không có một thị trường vàng mở mà ông thống đốc thì lại thẳng thừng bác bỏ việc bình ổn giá vàng.

Ở Việt Nam ta, giờ đây Nhà nước chủ trương độc quyền quản lý vàng nên Việt Nam không có một thị trường vàng mở mà ông thống đốc thì lại thẳng thừng bác bỏ việc bình ổn giá vàng.

Việc định giá, quản lý giá nên được trao cho một đơn vị độc lập, không trực thuộc chính đơn vị quản lý chất lượng hay sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó.

Nhìn rộng ra, tình trạng này đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực như xăng dầu, điện, cấp nước, hàng không, đường sắt, vàng... Đã đến lúc Quốc hội phải thảo luận để ra quyết định về lộ trình cụ thể kiểm soát độc quyền.

“Tôi hoan nghênh ý tưởng đó. Bởi đây là khởi đầu cho việc xóa bỏ tình trạng “vừa quản lý, vừa định giá” mà chúng ta vẫn gọi vui là “vừa đá banh, vừa thổi còi” hay việc “khép kín” trong việc quản lý thị trường thuốc”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.

“Khép kín” còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực

TS Lê Đăng Doanh: Việc đề xuất chuyển giao “quyền định giá” cho một cơ quan khác như vậy là hành động mạnh dạn của bà bộ trưởng. Bởi từ trước tới nay dư luận bàn tán rất nhiều về việc tồn tại những vấn đề rất bất bình thường trong định giá thuốc nhập khẩu và giá thuốc ở bệnh viện, hay sự móc nối của các công ty dược nước ngoài với các bác sĩ kê đơn làm cho giá một số thuốc, nhất là một số biệt dược nhập khẩu ở Việt Nam, rất cao so với giá khu vực và giá thế giới, gây thiệt thòi cho người bệnh.

Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ và Quốc hội hiện đã có phương án cụ thể như việc trao quyền cho bộ nào, cơ quan nào để xóa bỏ tình trạng này hay chưa thì tôi không rõ.

Theo ông, hiện nay có những bộ, ngành, lĩnh vực nào còn đang duy trì tình trạng “vừa đá banh, vừa thổi còi” như trên?

Thực tế hiện nay là cơ quan quản lý chất lượng xăng dầu (Công Thương) lại cùng với Bộ Tài chính quản lý giá và điều chỉnh giá xăng dầu. Bởi thế, việc định giá xăng dầu hiện đang còn rất nhiều điều bất bình thường so với mức giá quốc tế như Quốc hội vừa rồi đã thảo luận và nêu lên.

Mặc dù xăng dầu không phải là lĩnh vực độc quyền nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại là doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh trên thị trường với thị phần lên tới trên 60% thì công ty này làm gì thì các đối thủ của mình đều không thể cạnh tranh.

Rồi giá điện cũng là một trong những lĩnh vực cần xem xét, bởi điện là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng lại là ngành độc quyền, tỉ lệ tổn thất trên mạng lưới có thể giảm được không, lương, thưởng của quan chức ngành điện đã hợp lý chưa...

Ngành điện đang kêu lỗ vì giá điện quá thấp, đang đòi nâng giá điện cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Hay như cấp nước thì rõ ràng là độc quyền. Đây là hình thức độc quyền tự nhiên, chỉ một cơ quan được sở hữu hệ thống đường nước. Nếu anh muốn sử dụng nước thì phải chấp nhận cái giá của người cung cấp nước.

Đường sắt cũng đang độc quyền cung cấp dịch vụ và toàn quyền định giá. Mặc dù bây giờ đường sắt có cạnh tranh với đường bộ nhưng rõ ràng vẫn là một lĩnh vực độc quyền bởi những người muốn đi tàu hỏa sẽ buộc phải sử dụng một hệ thống đường sắt duy nhất.

Nhiều người cho rằng thị trường vàng của ta hiện cũng rơi vào tình trạng độc quyền?

Các nước trên thế giới người ta có một thị trường vàng hay sàn vàng mở, được quản lý bởi nhà nước một cách chặt chẽ theo luật pháp, thông thương với thị trường thế giới.

Ở Việt Nam ta, giờ đây Nhà nước chủ trương độc quyền quản lý vàng nên Việt Nam không có một thị trường vàng mở mà ông thống đốc thì lại thẳng thừng bác bỏ việc bình ổn giá vàng.

Đấy là điều hết sức không bình thường. Giá vàng trong nước hiện nay cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều, lên đến ba triệu đồng/lượng. Và khi mà thị trường có sự chênh lệch giá lớn như thế thì không có một bức tường hải quan nào có thể ngăn chặn được việc buôn lậu cả.

Tình trạng nhập lậu vàng đã đạt quy mô rất lớn, như ông Nguyễn Văn Bình khi còn là phó thống đốc NHNN đã phát biểu trên trang thông tin Chính phủ ngày 3.4.2011, trung bình một năm buôn lậu vàng lên đến 20-40 tấn. Buôn lậu vàng rõ ràng liên quan đến một lượng lớn ngoại tệ bị biến mất khỏi tài khoản quốc gia.

Đây là điều rất đáng ngạc nhiên bởi tại sao người ta biết có tình trạng buôn lậu vàng nhiều như vậy, với số ngoại tệ lớn như thế mà người ta lại không kiểm soát và cũng không bắt được ai?

Cơ quan giám sát cạnh tranh thuộc Quốc hội?

Vậy tại sao tình trạng độc quyền và “vừa đá banh, vừa thổi còi” diễn ra nghiêm trọng như vậy, thưa ông?

Hiện tượng độc quyền được coi là khuyết tật hay yếu kém của nền kinh tế thị trường. Vì vậy nên tất cả các nước đều ban hành luật để giám sát độc quyền và có cơ quan giám sát độc quyền do quốc hội lập ra.

Các cơ quan giám sát đó ở Anh hay Úc đều thừa nhận rằng họ làm việc rất vất vả nhưng vẫn không có cách gì để kiểm soát đầy đủ hoặc kiểm soát như mong muốn đối với các công ty độc quyền.

Bởi các công ty độc quyền đều rất giàu có và họ làm đủ mọi cách nhằm tác động tới chính sách theo hướng có lợi cho họ. Ở ta hiện chưa có cơ quan kiểm soát độc quyền mà mới chỉ có cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc bộ Công Thương với vị trí pháp lý chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Trong thực tế, cục này hoạt động chưa hiệu quả lắm. Vì vậy nên bộ trưởng bộ Công Thương có đề xuất chuyển cơ quan kiểm soát đó sang một cơ quan khác, để cơ quan đó có vị thế về pháp lý cao hơn.

Bởi nếu so sánh giữa người đứng đầu tập đoàn kinh tế là do Thủ tướng bổ nhiệm trong khi cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh chỉ do cấp bộ trưởng bổ nhiệm nên các tập đoàn kinh tế không có thái độ tôn trọng đúng mức cơ quan quản lý cạnh tranh khiến cơ quan này không có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc.

Hơn nữa, trong luật Cạnh tranh của chúng ta, phần kiểm soát độc quyền còn quá sơ sài.

Vậy đâu là phương án để từng bước giải quyết tình trạng “vừa quản lý, vừa định giá”, thưa ông?

Trong kinh tế học người ta có một mệnh đề về “bất bình đẳng trong quan hệ mua bán” và “bất đối xứng thông tin”.

Tình trạng “bất bình đẳng trong hệ mua bán” có thể thấy rõ trong lĩnh vực y tế. Bởi vì có những biệt dược đặc biệt, bắt buộc phải sử dụng nên người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân không có quyền thoái thác việc dùng thuốc do bác sĩ chỉ định.

Như vậy, họ không có quyền từ chối, không có quyền phản đối, nói cách khác là họ bị “yếu thế” trong quan hệ này. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì vấn đề bây giờ là kiểm soát giá thuốc.

“Bất đối xứng thông tin” thì có thể lấy ví dụ như việc người mua nhà lại không biết chất lượng ngôi nhà mà mình chuẩn bị mua như thế nào. Họ buộc phải dùng tư vấn. Hoặc họ mua một cái xe ô tô cũ với quảng cáo mới chỉ chạy 5.000 km nhưng trên thực tế cái xe đó đã chạy tới 100.000 km nhưng được điều chỉnh công-tơ-mét để đánh lừa khách hàng.

Như vậy, cần phải có một cơ quan thứ ba có cương vị độc lập đứng ra định giá thì mới được.

Đối với những sản phẩm đặc thù thì có thể mời đại diện của cơ quan quản lý tham gia. Ví dụ như việc quản lý giá thuốc thì có thể thành lập Hội đồng Định giá thuốc với sự tham gia của các bên liên quan như bộ Y tế, Hiệp hội Dược, Bảo hiểm Y tế (là cơ quan phải chịu chi trả tiền thuốc), cơ quan về giá (bộ Tài chính) và cơ quan cạnh tranh (bộ Công Thương).

Về điện nên mời liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật cùng tham gia định giá. Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng nên được tham gia vào việc định giá một số mặt hàng thiết yếu khác mà cũng đang trong tình trạng độc quyền như trên.

Lộ trình kiểm soát độc quyền

Để xử lý theo hướng đó, theo ông lộ trình nên như thế nào?

Chính phủ phải đệ trình lên Quốc hội ban hành các luật kiểm soát độc quyền về điện, xăng dầu cũng như tất cả mặt hàng, lĩnh vực đang trong tình trạng bị độc quyền khác.

Tôi đề nghị Chính phủ phải ban hành, bổ sung các văn bản để kiểm soát lộ trình xóa bỏ độc quyền của từng ngành như đường sắt, hàng không... nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân.

Đối với Quốc hội thì phải đi vào thảo luận chi tiết để ra quyết định về lộ trình cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét lại việc sử dụng các tài nguyên đất nước như thế nào.

Hiện nay mọi mỏ than đều thuộc tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV). Mọi mỏ dầu đều do tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác.

Điều đó có nên hay không và có đúng luật hay không thì cũng cần được đưa ra xin ý kiến Quốc hội và để Quốc hội giám sát. Bởi dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản khác đều là tài nguyên thiên nhiên, là tài sản của quốc gia chứ không thể nào giao cho một tập đoàn tự ý quản lý được.

Điều đó là hết sức lạ kỳ trong quản lý nhà nước của nền kinh tế thị trường.

Tôi nghĩ rằng nên nâng cấp cơ quan quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền và nên bổ sung luật về quản lý độc quyền và cạnh tranh.

Tôi không dám hy vọng tuyên bố của bộ trưởng Y tế có mở đường cho các cơ quan khác noi theo không. Đề xuất của bà bộ trưởng có phải là một lời gợi ý để các bộ trưởng khác làm theo hay Thủ tướng Chính phủ có ý kiến gì hay không thì cho đến nay tôi chưa có thông tin gì cả.

Tôi nghĩ rằng miếng bánh độc quyền đó rất to nên người ta không dễ dàng từ bỏ. Hiện giờ mới chỉ có ý kiến của bà bộ trưởng, còn những cơ quan khác có quyền lợi liên quan có hoan nghênh không thì tôi chưa biết.

SGTT
Tag: Vàng , Độc quyền vàng , Thị trường vàng , Kinh doanh , Bình ổn giá vàng , Giá vàng