Khuyến cáo phòng chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế
Thứ tư, 10/09/2014 14:42

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt...

Khuyến cáo phòng chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế

Khuyến cáo phòng chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế

Bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, gần đây số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân.

Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 800-1000 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt, trong đó riêng bệnh đau mắt đỏ có khoảng 60-80 trường hợp.

Bệnh có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt...

Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh. Trẻ em thường nhậy cảm với các loại virus nói chung, do vậy cũng dễ bị đau mắt đỏ. Ngược lại người già ít gặp đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

Bác sĩ Cương cho biết, những biến chứng của đau mắt đỏ là viêm giác mạc các dạng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân.

Bộ Y tế khuyến cáo khi không có dịch, người dân thường xuyên đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; đặc biệt không dùng tay dụi mắt.

Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc; không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Đặc biệt, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu... Bệnh nhân khi đau mắt đỏ nên đeo kính và khẩu trang; rửa tay với xà phòng thường xuyên sau khi tiếp xúc với dịch tiết ở mắt, không để dịch tiết của mắt phát tán ra ngoài.

Nếu trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay dử và nước mắt chảy ra, làm tương tự đối với người lớn; tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh và ngủ riêng.

Những trẻ bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tốt nhất nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ

- Đỏ mắt, ra gỉ, không gây mờ mắt đó là 3 dấu hiệu chủ yếu của đau mắt đỏ

- Dấu hiệu báo trước: sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai

- Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành

- Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: các triệu chứng dần biến mất, mắt trắng dần ra.

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: benh dau mat do , lay benh dau mat do , dau mat do , phong chong dau mat do , tin , bao