Sau lần hạ sinh cùng lúc 4 “công chúa” vào giữa năm 2012, giờ đây cuộc sống vốn nghèo khó của đôi vợ chồng anh Đồng và chị Tình càng trở nên khốn đốn.
Đại gia đình trước căn nhà “Tình thương” liêu xiêu màu thời gian |
Do bận trông con, cả vợ lẫn chồng không còn thời gian làm thuê kiếm sống nên hiện 8 nhân khẩu trong căn nhà liêu xiêu màu thời gian này phải trông cậy vào sự trợ giúp của xã hội.
Đã rách càng thêm nát
Ngày 20/6/2012, cái tên Trần Thị Tình và Trần Hữu Đồng đến từ vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của trái quýt hồng, được cả nước biết đến qua trường hợp sinh 4 hiếm gặp tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM). Do tổng trọng lượng rất thấp: 7,4kg (trong đó có cháu nặng chưa đầy 1,2kg) và là ca thụ thai tự nhiên nên sự ra đời của 4 nàng công chúa đã thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của xã hội. Thậm chí đích thân giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã lựa chọn cái tên đầy ý nghĩa để đặt tên cho ca sinh 4 này gồm: Trần Thị Minh Việt, Trần Thị Minh Nam, Trần Thị Minh Hạnh và Trần Thị Minh Phúc. Nhưng cùng từ thời điểm này, cuộc sống vốn nghèo khó của đôi vợ chồng này rơi vào khốn đốn.
Dù được đồng nghiệp địa phương chỉ đường rất kỹ, nhưng tôi phải vã mồ hôi mới tìm được nhà anh Đồng, chị Tình. Không chỉ vì vị trí nằm sâu trong rạch Ông Đình với đường đi đầy quanh co, khúc khuỷu mà còn bởi phải thêm một lần đi nhờ qua vách hè nhà hàng xóm chúng tôi mới đặt chân được vào mái ấm này. Gọi mái ấm là theo thói quen, chứ thật ra đó là căn chòi nhỏ (4 x 6m) liêu xiêu màu thời gian mà chỉ cần nhìn bên ngoài, người ta cũng dễ dàng nhận ra cái nghèo rớt mồng tơi bên trong của gia chủ. Bước vào nhà, cảm giác “đau đớn lòng” ùa đến. Trên chiếc giường lành lặn duy nhất, cả hai vợ chồng đang “đánh vật” với 3 cô công chúa đang thi nhau khóc. Cái nóng hầm hập từ trên mái ập xuống rồi tiếng khóc liên hồi… chỉ một loáng bước vào mà đầu óc tôi như muốn nổ tung lên, vậy mà… Tôi đâm ra cảm thông với nỗi cơ cực mà lâu nay đang đè nặng lên đôi vai vợ chồng anh Đồn, chị Tình. “Cả 4 đứa cùng lúc khóc, không vỗ kịp, tôi phải mang bớt 1 đứa nhờ hàng xóm trông tiếp”, sau một hồi dùng mọi cách từ hát, đến vỗ nhẹ vào mông, xoa vào lưng và cho bé uống nước để cháu Nam nín khóc, anh Đồng mới có dịp chào khách theo cách đăc biệt của người cha đông con. Do sống bằng nghề làm thuê nên cuộc sống của đôi vợ chồng có 2 con (Trần Thị Yến Nhi-2004, Trần Hữu Kha-2005) trước đây đã rất khó khăn. “Tôi làm nghề bốc vác tại kho lúa gạo với thu nhập 100-120 ngàn đồng/ngày, nhưng công việc theo mùa nên thu nhập chủ yếu của gia đình trông chờ vào nghề làm cỏ thuê, hái ớt mướn…của vợ với thu nhập bình quân 50-60 ngàn đồng/ngày”, anh Đồng thật lòng. Vì vậy, tuy sống hết sức tằn tiện, nhưng cuộc sống của gia đình 4 nhân khẩu (02 con: Trần Thị Yến Nhi-2001, Trần Hữu Kha-2005) luôn đối mặt với thiếu thốn. Để chứng minh cho cái nghèo thâm niên này, một vị đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện Lai Vung, cho biết: “Ngay căn nhà vợ chồng anh Đồng đang ở cũng được địa phương xây cất theo chương trình nhà Tình thương”. Chính vì vậy mà khi có thêm 4 công chúa, cuộc sống của gia đình càng thêm thắt ngặt. Tuy được một số doanh nghiệp tài trợ 1 năm miễn phí sản phẩm sữa Physiolac và tã giấy… nhưng cuộc sống của gia đình ngày càng lún sâu vào khốn đốn. “Mỗi ngày 8 cử bú sữa, rồi thay tã, giặt đồ, ru ngủ… nên từ lúc sinh đến nay vợ chồng tôi không thể lao động kiếm sống”, anh Đồng cho biết thêm: “Tuy chưa đến mức phải “đi ăn mày”, nhưng thực tình từ lúc vợ tôi sinh 4 đến nay, từ gạo thóc cho đến tiền cá mắm trong nhà đều trông chờ vào vào lòng hảo tâm của chòm xóm, xã hội. Theo anh Đồng, cũng may mà sức khỏe các cháu đã ổn định, nếu không, khó khăn sẽ càng chồng chất”.
Vẫn chưa có ánh sáng cuối đường hầm
Trước những khốn đốn do sinh 4 của gia đình anh Đồng, chị Tình, các cơ quan chức năng, nhất là Quỹ Bảo trợ Trẻ em tại địa phương có tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa có chính sách, chủ trương quy định chính thức mức hỗ trợ cho các trường hợp sinh cùng lúc nhiều con nên sự hỗ trợ này không ổn định và hoàn toàn phụ thuộc vào sự vận động, đóng góp của xã hội. Trong khi đó, phần lớn chỉ hướng đến 4 đứa trẻ, còn cuộc sống của các thành viên còn lại trong gia đình ít được quan tâm. Thực tế cho thấy, do phải bận chăm sóc 4 công chúa nên cả cha lẫn mẹ đều không thể lao động kiếm sống.
Tuy nhiên, ngay cả trường hợp may mắn được tài trợ sữa như anh Đồng, chị Tình, thì các cháu cũng đối mặt với sự thiếu công bằng trong chăm sóc. Do nhà cửa chật chội, và không đủ sức trông chừng, nên các cháu nhỏ gặp rất nhiều thiếu thốn. Hôm đến, chúng tôi như vỡ òa nước mắt khi chứng kiến những dấu mẫn đỏ do muỗi cắn, côn trùng đốt nổi đầy trên cơ thể các cháu. Thật tình, phải nhiều lần nhắc nhớ trong lòng về tính nhân văn, chúng tôi mới không thực hiện thao tác “zoom” máy vào làn da non tấy đỏ ấy. Không chỉ có cha mẹ, mà ngay cả anh Kha, chị Yến Nhi của 4 công chúa, đang độ tuổi “Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” cũng bị cuốn hút vào việc chăm em. Hàng ngày, mỗi khi học về, Kha và Nhi phải lao vào trông em cùng cha cho mẹ lo chuyện cơm nước. Không chỉ đối mặt với khó khăn trước mắt mà câu chuyện tương lai của ca sinh 4 này cũng là cả niềm trắc ẩn. Anh Đồng tâm sự: “Nhà chỉ đủ đặt 2 giường ngủ, vì vậy ngay cả chuyện chỗ ngủ tới đây đã quá khó, nhưng khó hơn là chuyện cái ăn. Có thể khi các cháu lớn lên một chút, tôi sẽ đi làm thuê có thể chủ động được một phần cái ăn, nhưng còn chuyện học hành và về lâu dài thì…”, giọng anh Đồng ngập ngừng vì xúc động: “Cha mẹ, anh em cũng nghèo, ai cũng làm thuê đầu tắt mặt tối kiếm sống nên trong tình huống tốt nhất cũng chỉ có thể chia sẻ bằng cách trông tiếp các cháu những lúc rảnh rỗi”.
Tuy được địa phương cho hưởng chế độ theo diện hộ nghèo, nhưng tâm sự với chúng tôi, cả anh Đồng và Chị Tình đều có chung mong muốn được nhà hảo tâm trợ giúp chương trình dài hơi, như hỗ trợ bò giống để gia đình tranh thủ thời gian tăng gia chăn nuôi nhằm có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, nhất là để đảm bảo cơ hội cho 4 công chúa được cắp sách đến trường như bao trẻ cùng lứa khác. Tuy nhiên về lâu dài, với những trường hợp sinh 4 như thế này, rất cần có chủ trương hỗ trợ nhất quán, cụ thể. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ có nhiều năm làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho rằng, trên thực tế, sinh 4 theo dạng thụ tai tự nhiên là trường hợp hiếm gặp và điều này vượt khỏi khả năng chăm sóc của người mẹ, nhất là gia đình nghèo.
Mọi bạn đọc có tâm nguyện muốn giúp đỡ, chia sẻ một phần khó khăn với gia đình “Khốn đốn vì sinh bốn” xin gởi về địa chỉ: Trần Hữu Đồng, số 650/6, ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, hoặc qua số điện thoại: 0120.894.498.0 |
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Tại sao năm Ất Tỵ 2025 Âm lịch lại có tới 384 ngày?
- Ngày đẹp trong tháng Chạp để làm những nghi lễ cuối năm quan trọng nhất trước khi Tết đến
- Trường hợp nào được đi xe máy lên vỉa hè mà không bị phạt từ 4-6 triệu đồng?
- Ba năm Tam Tai không bằng một năm Thái Tuế, vậy Thái Tuế là gì? Năm Ất Tỵ 2025, tuổi nào phạm Thái Tuế?
- Từ 1/1/2025, công chức và viên chức nằm trong diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc 8 chính sách này
- Bỏ đếm giây đèn tín hiệu, nâng mức xử phạt vượt đèn đỏ lên 20 triệu đồng, nhiều người lo lắng, cục CSGT lên tiếng
- Mới nhất: Người dân muốn được thanh toán 100% BHYT cần nắm được xếp cấp 48 bệnh viện thuộc Bộ Y tế vừa công bố
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?