Cụ B. vừa ăn xong, thấy người nhà đến liền mách ngược: "Ôsin" bắt nhịn từ sáng tới giờ, cháo bị đổ vào nhà vệ sinh.
|
Có hàng trăm nghìn những lý do khác nhau khiến cho nghề ôsin bệnh viện phát triển ngày càng mạnh. Xoay quanh những người đi làm nghề ôsin bệnh viện cũng có những câu chuyện cười ra nước mắt nhưng cũng không ít những câu chuyện cảm động khiến cho người viết phải rơi lệ dù chỉ được nghe kể lại chứ không hề được tận mắt chứng kiến.
Những… bến ôsin nơi phòng bệnh
Tiếp chuyện tôi trong khuôn viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị Hà Thị Thúy quê ở Điêu Lương - Cẩm Khê - Phú Thọ cố che đi sự mệt mỏi bằng nụ cười hồn hậu. Theo lời kể, chị Thuý đã kinh qua 5 năm kinh nghiệm làm nghề chăm sóc người bệnh ở các bệnh viện khác nhau và Bệnh viện 108 là nơi chị gắn bó với công việc này lâu nhất.
Theo lời kể của chị Thúy, làm nghề ôsin đã vất vả rồi, làm ôsin bệnh viện lại càng vất vả hơn rất nhiều lần bởi đối tượng được chăm sóc thường là những người lớn tuổi hoặc những người bệnh nặng không thể tự chăm sóc bản thân mình được. Với những người khỏe mạnh, tính khí của từng người đã khác nhau, mỗi người một tính. Những người bệnh lại càng khó tính hơn. Trong suốt quãng thời gian làm việc của mình, chị Thúy cũng đã gặp phải không ít tình huống dở khóc dở cười.
Năm 2006, do gia đình khó khăn, chồng mắc bệnh nặng nên chị Thúy phải rời quê xuống Hà Nội kiếm sống. Được sự giới thiệu của một người bạn, chị bén duyên với nghề ôsin bệnh viện từ đó cho tới nay. Chị Thúy bảo, ban đầu thì nghĩ rằng, cực chẳng đã mới phải đi làm cái nghề hầu hạ người khác, nhất lại là hầu hạ cho những người ốm đau bệnh tật để kiếm miếng cơm manh áo, lấy tiền thuốc thang chữa chạy cho chồng và lấy tiền cho con ăn học. Sau này khi đã trải qua rất nhiều bệnh nhân: già có, trẻ có, nam có, nữ có, bệnh tình nặng nhẹ khác nhau và tính khí cũng mỗi người một phách, chị nói đầy vẻ chiêm nghiệm: “Cũng coi như là một cách làm phúc giúp người ta cũng là giúp mình”.
“Khách hàng” đầu tiên của chị Thúy là một bệnh nhân nam nhà ở phố Lò Đúc bị bệnh đột quỵ do tiểu đường tại Bệnh viện Việt Đức tên là Minh. Lần đầu tiên chăm sóc một bệnh nhân, lại là nam giới, chị Thúy không khỏi bỡ ngỡ. Chị kể lại rằng, chăm sóc anh ấy cũng đơn giản vì ở quê chị đã chăm sóc chồng ốm đau bệnh tật, trước đây là bố mẹ chồng nên những việc đó chị không hề quản ngại. Chỉ có duy nhất một vấn đề “tế nhị” là khi giúp bệnh nhân... thay ống tiểu. Nói đến đây, chị vẫn không khỏi ngượng ngùng, khuôn mặt xạm nắng bỗng đỏ lựng lên vì xấu hổ. Chị bảo rằng, vì mình chưa bao giờ có ý nghĩ gì bậy bạ nên lúc đó rất ngượng. Nhưng rồi dần dần cũng quen với công việc bởi trong thâm tâm lúc nào chị cũng chỉ nghĩ rằng làm thế nào để hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Chăm sóc người già (Ảnh minh họa)
Nhưng điều trớ trêu là, khi bệnh nhân dần khỏi bệnh thì cũng là lúc chị Thúy rơi vào hoàn cảnh hệt như người phụ nữ trong chuyện “I am đàn bà” của nhà văn Y Ban. Khi tôi kể cho chị nghe câu chuyện này, chị bảo rằng không hoàn toàn giống nhau bởi chị không hề có chút động lòng nào với bệnh nhân của mình, chỉ đơn thuần là chăm sóc người bệnh. Thế nhưng tình tiết sự ghen tuông của người vợ thì tương đối giống. Chị Thúy cười và bảo: Cũng may là chị ấy không kiện cáo như cái bà trong chuyện em kể chứ không thì nhà chị sạt nghiệp mất.
Theo lời chị Thúy, vợ của anh Minh vốn là giám đốc một doanh nghiệp có cỡ. Khi bệnh nhân Minh dần hồi phục thì chị ấy thường xuyên lui tới hơn. Trong một lần tới thăm, tận mắt chứng kiến cảnh chị Thúy thay ống tiểu cho chồng, chị ta nổi cơn ghen lồng lộn bởi lúc này anh Minh tỉnh lại, dù cơ thể vẫn yếu ớt và chưa thể tự làm việc gì. Tuy trước mặt chồng, chị vợ không tỏ thái độ quá đáng nhưng sau đó chị Thúy bị lôi ra khỏi phòng bệnh và bị mắng té tát vì tội... chăm sóc không chu đáo. Ngày hôm sau, chị Thúy đột ngột được chị vợ cho nghỉ việc với thông báo rằng anh chồng đã hoàn toàn bình phục và không cần đến người chăm sóc nữa. Nhắc đến câu chuyện này, chị Thúy không hề có một lời nào oán trách người phụ nữ kia. “Nếu tôi ở vào hoàn cảnh của cô ấy, tôi cũng sẽ làm thế thôi” - Chị Thúy đầy thông cảm nói.
Sau đó, chị Thúy chuyển sang chăm sóc cho cụ Đắc ở Bệnh viện Sanh - pôn. Chị nói rằng, trong cuộc đời của mình chưa bao giờ chị gặp phải người nào khó tính như ông cụ. Vốn là một quan chức cấp bộ đã nghỉ hưu, con cái cũng khá thành đạt nên lúc nào ông cụ cũng vô cùng khó tính và khó gần. Chị Thúy nói rằng, dù bố mẹ chồng chị cũng là những người rất khó tính nhưng trong cuộc đời làm dâu, ông bà chưa bao giờ “làm khó” nhưng khi chăm sóc ông cụ Đắc, không ít lần chị phải trào nước mắt nhưng vẫn không dám nói một lời. Rồi những lúc rảnh rỗi lại chạy ra ngoài hành lang khóc tức tưởi. Thời gian đầu, không một điều gì khiến ông cụ hài lòng. Khi chị vắt nước cam, dù rất cẩn thận nhưng vẫn bị mắng vì... nước cam quá ngọt không tốt cho sức khỏe người già.
Chị đổ bô rồi cọ rửa rất cẩn thận nhưng đến khi ông cụ đi tiểu chị vẫn bị mắng là cọ chưa hết mùi xú uế. Khi con cháu đến thăm đông, ông cụ cũng mắng chị không chu đáo. Khi bực dọc vì nằm cả ngày không có ai thăm hỏi, ông cụ cũng trút hết lên đầu chị. Có thời điểm, chị định nghỉ việc nhưng nghĩ đến cảnh chồng ốm nằm ở nhà cần tiền chữa chạy, con cần tiền để đi học, rồi nghĩ đến cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” nên chị vẫn cố gắng chịu đựng ông cụ trái nết. “Thế mà ông cụ lại là người tôi phục vụ lâu nhất đấy. Nghĩ lại vừa thấy đấy là duyên nợ, vừa thấy mình ngày ấy sao mà tài chịu đựng bởi trước tôi đã có ba người không chịu được tính khí mắm tôm của cụ Đắc rồi” - Chị hớn hở khoe. Khó tính là thế nhưng đến khi cụ khỏi bệnh về nhà, người được cụ nhắc đến nhiều nhất lại là người đã chăm sóc cụ suốt thời gian dài cụ nằm viện. “Thỉnh thoảng cụ vẫn gọi điện hỏi han và mời đến nhà chơi nhưng tôi chả dám, cứ ngại ngại thế nào ấy”.
Cũng không ít lần, chị Thúy phải tự bỏ việc bởi chị không thể chịu đựng được việc bệnh nhân chửi tục hoặc coi khinh mình. Chị bảo rằng, mình đi làm thuê nên mình hiểu thân phận của mình. Bệnh nhân có thể khó tính, có thể mắng mỏ khi mình làm không tốt nhưng chửi tục, chửi bậy rồi khinh thường người khác thì làm sao mình chịu được? Có không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân coi người chăm sóc họ chẳng khác gì con vật, mặc sức chửi mắng, mạt sát bằng những lời lẽ bẩn thỉu. Chị Thúy cho biết, chị gặp phải trường hợp này hai lần và ngay lập tức chị nghỉ việc bởi “dù họ có trả cao gấp đôi chăng nữa tôi cũng không làm”.
Theo lời chị Thúy kể, có một người bạn quê ở Thái Bình cùng chị làm ở Bệnh viện E, sau khi bệnh nhân được chuyển về nhà đã được nhà chủ đề nghị theo về cùng để chăm sóc bệnh nhân. Tại ngôi nhà đó, chị đã bị con trai của bà cụ mà chị chăm sóc cưỡng hiếp. Do thấp cổ bé họng, lại thiếu hiểu biết nên không biết kêu với ai, chị ấy chỉ lẳng lặng ôm nỗi nhục rồi bỏ về quê kiếm sống, vĩnh viễn không quay lại thủ đô để làm thuê nữa dù nhà chị ấy rất hoàn cảnh - Thúy ngậm ngùi.
Cũng giống như trường hợp của chị Hà Thị Thúy, chị Nguyễn Thị Vân quê ở An Bồi - Kiến Xương - Thái Bình cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đã gần 40 tuổi nhưng chị Vân vẫn chưa lập gia đình vì phải lo cho các em. Chị Vân là con cả, dưới chị là một cậu em trai bị mắc bệnh tâm thần và một cô em gái bị liệt từ nhỏ. Bố mẹ mất sớm nên một mình chị Vân phải cáng đáng cơm áo gạo tiền cho cả nhà. Hai năm trước, em trai phát bệnh nặng nên phải đi điều trị, chị Vân quyết định nhờ bà cô ruột trông nom giúp cô em gái để lên Hà Nội đi làm thuê. Nhờ sự giới thiệu của một người bà con đi làm trước, chị Vân vào làm nghề tại Bệnh viện 108 cùng với chị Thúy.
Theo chị Vân, làm nghề này tuy thu nhập khá nhưng lại không ổn định và quan trọng nhất là không phải ai cũng có thể làm được. Muốn làm được công việc này, trước hết là không được nề hà bởi công việc chăm sóc bệnh nhân ốm nặng không được sạch sẽ. Hơn nữa, những người bệnh cần được chăm sóc thường là người lớn tuổi nên tính tình rất khó chịu. Nếu không khéo léo và biết chịu đựng thì sớm muộn gì cũng sẽ bỏ nghề.
Công việc hiện nay của chị Vân là chăm sóc một cụ Đại tá về hưu tại khu chữa bệnh quân nhân cao cấp của Bệnh viện 108. Với chị Vân, đây là một công việc hết sức quen thuộc, có phần đơn giản bởi chị đã rất quen với việc chăm sóc những đứa em ốm yếu của chị. Vì thiếu vắng sự quan tâm của người cha từ rất sớm, ông cụ cũng là quân nhân nghỉ hưu giống như người cha quá cố của chị nên chị coi ông cụ như bố. Chị Vân là một người tương đối may mắn bởi ông cụ tuy nghiêm khắc nhưng lại rất hiền. Thỉnh thoảng trong những lúc rảnh rỗi, ông vẫn ngồi kể cho chị nghe những câu chuyện chiến đấu thời xưa của ông. Chị nói rằng, thực ra chiều người già rất dễ. Họ giống hệt trẻ con ở chỗ họ rất nhạy cảm và thèm có sự quan tâm từ những người khác. Chỉ cần mình khéo léo và biết lắng nghe là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. “Giá bố mẹ tớ không mất sớm, chắc bây giờ cũng chạc tuổi cụ Đắc” - Chị Vân nói giọng lạc đi trong khi mắt rưng rưng.
Bị bắt vì... đầu độc bệnh nhân
Những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện không phải ai cũng cứng rắn dứt khoát như chị Thúy khi gặp phải những trường hợp khó xử hoặc gặp may như chị Vân tìm được một người chủ tốt. Có không ít những người bị rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như chị Mai Hồng Châu ở xã Nam Điền - Nghĩa Hưng - Nam Định.
Hoàn cảnh của chị Châu không éo le như nhiều người khác nhưng chị lại có tới 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Chồng chị làm nghề thợ mộc cho một xưởng đóng thuyền gần nhà nhưng số tiền kiếm được mỗi tháng không đủ để nuôi con ăn học. Dù chồng nhiều lần ngăn cản, chị vẫn quyết định theo một người bà con lên Hà Nội làm ở Bệnh viện Bạch Mai để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Bệnh nhân mà chị chăm sóc là một bà lão hơn 70 tuổi mắc bệnh alzheimer bị gãy chân. Vì không có thời gian chăm sóc mẹ nên anh con trai đã cho cụ vào nằm viện trong thời gian điều trị và thuê người chăm sóc.
Tuy bà lão không phải là bệnh nhân đầu tiên do chị chăm sóc nhưng cũng không ít lần chị phải nuốt nước mắt trước những tình huống mà chị không bao giờ nghĩ nó lại có thể xảy ra. Có một lần, chị vừa cho bà cụ ăn xong được chừng 15 phút thì có người thân của cụ đến thăm. Khi họ hỏi cụ đã ăn trưa thì cụ một mực nói rằng chị bắt nhịn từ sáng còn cháo thì chị đổ vào ống bô rồi mang vào nhà vệ sinh. Người nhà không dám mắng trực tiếp nhưng lại gọi điện cho con trai cụ để “báo cáo”. Dù bình thường chẳng bao giờ thăm hỏi mẹ nhưng khi nghe tin, anh ta ngay lập tức có mặt. Không cần nghe lời giải thích anh ta mắng chị té tát. Chỉ đến khi có người nhà của bệnh nhân nằm cùng phòng bệnh nói đỡ, anh ta mới bỏ đi mà không một lời xin lỗi.
Sau đó, không ít lần cụ kể với họ hàng đến thăm rằng chị lén đổ nước tiểu và phân vào thức ăn của cụ để... trả thù. Đỉnh điểm là có một lần cụ bị đau bụng dữ dội. Trên đường bác sĩ đưa vào phòng khám, cụ liên tục la hét nói rằng bị chị đầu độc bằng cách cho thuốc chuột vào thức ăn. Trong lúc anh con trai ở ngoài phòng bệnh chờ đợi thì cô con dâu đã lôi tuột chị lên công an phường để tố tội. Chỉ đến khi các bác sĩ nói do cụ ăn phải hoa quả có dư lượng thuốc trừ sâu quá cao do người nhà mang vào, chị mới được thả về. Sau lần đó, chị quyết định bỏ gần nửa tháng lương để không phải chịu cảnh oan ức. Chị nói rằng từ đó, mỗi khi nhận chăm sóc bệnh nhân nào đó, chị luôn hỏi han kỹ lưỡng về bệnh tình của người bệnh, tính nết và thỏa thuận trả lương theo ngày chứ không nhận bừa bãi như trước nữa.
Líu ríu dựa vào nhau để sinh tồn
Cuộc nói chuyện của tôi và những người phụ nữ làm nghề chăm sóc bệnh nhân tại Viện 108 liên tục bị gián đoạn bởi thỉnh thoảng các chị lại phải chạy về phòng xem bệnh nhân. Gần 11h trưa, chị Thúy lại tất cả chạy đi các phòng để... xin cơm. Thấy tôi đang tròn mắt ngạc nhiên, chị nhanh nhảu giải thích: “ở trong khu quân nhân cao cấp này mỗi bệnh nhân đều có một suất cơm theo tiêu chuẩn khi đến bữa. Nhiều người trong số họ chuẩn bị phải đi xét nghiệm hoặc mới phẫu thuật xong nên không ăn được cơm nên chúng tớ đi xin cơm đó để ăn. Đỡ phải đi mua cơm ở ngoài. Mình ở đây tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy, còn có tiền gửi về cho gia đình”.
Bữa đó, gần 10 người cùng làm việc trong Bệnh viện 108 đều xin được cơm trưa nên ai cũng vui. Họ ngồi bệt xuống hành lang, quây tròn lại với nhau vừa ăn cơm vừa trò chuyện hết sức vui vẻ. Những câu chuyện không đầu không cuối về gia đình, chồng con, về các bệnh nhân làm cho bữa ăn trở nên rôm rả. Sự có mặt của tôi cũng không làm giảm đi không khí ấy. Có lẽ đây là thời gian họ cảm thấy thoải mái và thư giãn nhất trong ngày sau những giờ làm việc mệt nhọc.
Khi tôi hỏi họ về mức sinh hoạt hàng ngày, chị Châu đáp: “Hôm nào may mắn xin được cơm thì sẽ tiết kiệm được 5 chục nghìn. Bây giờ mỗi suất cơm cũng phải 25 nghìn mới nuốt được. Hôm nào tiết kiệm hơn nữa thì ăn bánh mỳ không cho rẻ”.
Những người đi làm công việc này như chị Thúy, chị Châu thường không thuê nhà ở để tiết kiệm tối đa chi phí. Ngày thì họ làm công việc chăm sóc bệnh nhân. Đêm đến thì trải một manh chiếu xuống nền nhà ngay cạnh giường bệnh để ngủ. Chị Vân cười và nói: “Tiết kiệm chi phí là một phần thôi, phần nữa là chúng tôi còn phải chăm sóc bệnh nhân nữa chứ. Đêm mà về nhà ngủ thì lấy ai chăm sóc khi người bệnh cần”. Chị Thúy nói thêm: “Thế là còn may mắn chán rồi đấy. Chú cứ vào Bệnh biện Bạch Mai hay Viện K thì sẽ thấy cảnh người nhà bệnh nhân phải khổ sở như thế nào để tìm một chỗ ngủ, nhất là những đêm mưa gió”.
Sống tập thể thường phức tạp, nhất lại là những người có cùng một công việc lại rất dễ va chạm rồi nảy sinh mâu thuẫn nhưng theo lời chị Thúy thì các chị em làm cùng nhau ở đây sống rất tình cảm. Ngoài phần việc riêng của mỗi ngườii, họ thường tâm sự chia sẻ với nhau về cuộc sống, về gia đình, về con cái và về hoàn cảnh riêng tư của mỗi người cho nhau nghe. Không những thế, họ còn giúp nhau chăm sóc bệnh nhân của bạn mỗi khi bạn có việc bận hoặc đi xin cơm và mua thức ăn giúp cho nhau. “Chị em cũng giữ liên lạc với nhau thường xuyên để khi có bệnh nhân mới cần người thì có thể ới nhau được”.
Quê chị Thúy ở gần Hà Nội nên cứ mỗi khi bệnh nhân cũ ra viện chị lại về quê trong lúc chờ việc mới, cũng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Chị cho hay, thu nhập của mỗi người làm công việc như chị được khoảng 200 nghìn mỗi ngày. Trừ chi phí ăn uống thì cũng còn lại được khoảng 170 đến 180 nghìn nhưng khoản thu nhập này không cố định bởi bệnh nhân ra viện thì lại hết việc chứ không phải ngày nào cũng có thù lao. Chồng chị mỗi lần mua thuốc chữa bệnh cũng mất gần 1 triệu, lại phải lo cho con cái nên phần tích lũy hầu như không có. “Cũng may con cái bây giờ cũng đã lớn nên cũng đã đỡ đần được bố mẹ phần nào. Tôi chỉ mong ông trời thương, cho không ốm đau bệnh tật gì là phúc lắm rồi”. Như lời kể của chị, đứa con cả của chị hiện đang đi học kế toán tại Việt Trì - Phú Thọ, đứa thứ hai đang làm nhân viên bán vé tại bến xe còn đứa thứ ba vừa đi học vừa đi lơ xe cho người quen những ngày rảnh rỗi. Ước mong lớn nhất của chị hiện nay là mong mọi việc cứ thế yên ổn thế này thì mọi thứ sẽ tốt đẹp dù còn nhiều vất vả.
Với chị Châu, những đứa con được ăn học tử tế là ước mong lớn nhất của hai vợ chồng chị. Dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp thời gian để mỗi tháng về nhà một lần để có thêm cơ hội gần gũi chồng và có điều kiện chăm sóc con. Chị nói với tôi rằng, dù có chút vất vả nhưng thế này cũng là tốt rồi. “Mình làm công việc này vừa để có thêm thu nhập cho gia đình mà cũng là làm phúc, để lấy cái đức cho con cháu sau này”.
Xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, con người ta ngày càng trở nên bận rộn hơn nên nghề của các chị cũng là một nhu cầu tất yếu. Những người phụ nữ tôi đã gặp đều có những hoàn cảnh, những thân phận khác nhau đưa đẩy họ đến với công việc ôsin bệnh viện, thay những đứa con chăm sóc báo hiếu cho cha mẹ, thay những người không có điều kiện chăm sóc người thân của họ làm những công việc ấy. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống riêng tư nhưng tôi nhìn thấy ở họ sự tận tâm của những người làm công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mẩn. Nhìn thấy sự lương thiện ở những người kiếm sống bằng sức lao động của chính mình mà không nề hà, câu nệ. Và ở họ, điều khiến tôi khâm phục nhất là sự lạc quan ở cuộc sống - điều mà nhiều người khác không có được dù may mắn hơn họ gấp nhiều lần.
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Ai là người có lương hưu cao nhất Việt Nam? Con số 'khủng' đến mức nào mà khiến nhiều người giật mình
- Đấu giá biển số vừa diễn ra, đắt nhất ở tỉnh thành nào?
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM